Tài chính

Ngân sách 2020 hụt thu hơn 30 nghìn tỷ, Bộ trưởng Tài chính nói gì?

31/12/2020, 17:11

Loạt địa phương trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh… hụt thu ngân sách.

img

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, hiệu quả thu ngân sách năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát là rất tích cực

Thu từ sản xuất kinh doanh giảm mạnh

Theo số liệu từ Bộ Tài chính ngày 31/12, đến hết ngày 30/12, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.453 nghìn tỷ đồng, bằng 96% dự toán. Ước thực hiện cả năm 2020, thu NSNN đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% (hụt thu 30,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán nhưng vẫn tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5% GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9%GDP.

Trong thu nội địa, các khoản thu lớn từ hoạt động sản xuất - kinh doanh không đạt dự toán, như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 82,6%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 89,4%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 88,8%, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 88,5% dự toán. Tuy nhiên, thu nội địa được bù lại từ số thu tiền sử dụng đất vượt 69,4 nghìn tỷ đồng, thu tiền cho thuê đất vượt 11,4 nghìn tỷ đồng, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế vượt 18,5 nghìn tỷ đồng so dự toán,... nên thu nội địa 2020 vẫn đạt 1.264,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 148,6 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.

Năm 2020 toàn ngành thực hiện trên 86 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (riêng cơ quan Thuế thực hiện 79,6 nghìn cuộc); Tiến hành kiểm tra 737 nghìn hồ sơ kê khai thuế; Điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý gần 15 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 76 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN trên 22 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 13,5 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác gần 50 nghìn tỷ đồng.

Số thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của ngân sách trung ương (NSTW) chỉ đạt 16,7/45 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán.

Thu từ dầu thô năm nay đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7% (hụt thu 800 tỷ đồng) so dự toán nhưng vẫn tăng 1,9 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Năm 2020, sản lượng dầu thô ước đạt 9,56 triệu tấn, tăng 540 nghìn tỷ đồng tấn so kế hoạch nhưng do giá dầu bình quân chỉ đạt 45,7 USD/thùng, giảm 14,3 USD/thùng so dự toán.

Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu năm nay cũng chỉ đạt 178 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% (hụt thu 30 nghìn tỷ đồng) so dự toán nhưng vẫn tăng 8 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Trong tổng số thu NSNN nêu trên, thu NSTW ước đạt 779,4 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5% dự toán, tăng 54,4 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, nhưng loại trừ các khoản ghi thu, ghi chi thì vẫn hụt 99,2 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 702,2 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% (vượt 41,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 104,1 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Trong đó, ước tính 55/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, 8 địa phương không đạt dự toán, bao gồm các địa phương trọng điểm thu, như: thành phố Hồ Chí Minh đạt 90,1%, Vĩnh Phúc đạt 94,7%, Đà Nẵng đạt 71,7%, Quảng Nam đạt 90%, Quảng Ngãi đạt 74,3% và Khánh Hòa đạt 70,7%.

Loạt địa phương trọng điểm hụt thu

Đánh giá nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, tại Hội nghị trực tuyến động viên khóa sổ thu, chi NSNN năm 2020 sáng 31/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện năm 2020 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91% (thấp hơn nhiều so mục tiêu 6,8%), đồng thời thực hiện gia hạn, hoặc miễn giảm tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí khoảng 128 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thì hiệu quả thu ngân sách như trên là rất tích cực.

"Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 98,3% so với kế hoạch là một kết quả bất ngờ và cao hơn nhiều so với dự báo", ông Dũng nói.

Đánh giá cao sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống cơ quan thuế và hải quan, nên số thu NSNN trên địa bàn ở các địa phương và số thu cân đối NSĐP đều cơ bản đạt và vượt dự toán, Bộ trưởng cũng nhìn nhận tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt và một số nguyên nhân khách quan, nên số thu ngân sách từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở phần lớn các địa phương đạt thấp.

Bộ trưởng cho biết, số vượt thu so với dự toán chủ yếu ở các khoản thu tiền sử dụng đất. Không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thì có 29/63 địa phương vượt dự toán thu cân đối NSĐP, 34/63 địa phương hụt thu, trong đó nhiều địa phương trọng điểm thu, như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2020, cơ quan Thuế đã gia hạn hoặc miễn giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí khoảng 128 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế kết hợp với hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan để tạo thuận lợi tối đa, tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Được biết, năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% (Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng 6,5%), thu NSNN được giao tăng 3% so dự toán Quốc hội,... Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phấn đấu thu vượt tối thiểu 3% dự toán Quốc hội quyết định, đối với các địa phương có điều kiện thì phấn đấu tăng từ 3-5%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.