Giao thông

Ngành GTVT Bắc Kạn: Đi lên từ truyền thống hào hùng

02/09/2014, 13:00

Từ những năm mới thành lập qua các thời kỳ kháng chiến rồi khi tách, nhập tỉnh, ngành GTVT tỉnh Bắc Kạn luôn tự hào với những nhiệm vụ được giao.

Phương tiện thủy khu vực Sông Năng - Ba Bể thường xuyên được đăng kiểm theo quy định
Phương tiện thủy khu vực Sông Năng - Ba Bể thường xuyên được đăng kiểm theo quy định


Nơi ghi dấu câu thơ nổi tiếng của Bác Hồ


Cách mạng tháng 8/1945 thành công, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chỉ thị “Tiêu thổ kháng chiến”, ngành GTVT tỉnh đã triển khai lực lượng băm nát tuyến QL3 và đánh sập toàn bộ hệ thống cầu, cống từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn. Bằng sự sáng tạo, lực lượng GTVT trên địa bàn đã vừa ngăn bước tiến quân thù nhưng vẫn bảo đảm vận tải thô sơ của ta trên tuyến để tiến tới chiến thắng Thu Đông năm 1947. 


Ngay sau đó, Trung ương Đảng giao ngành GTVT Bắc Kạn nhiệm vụ quản lý, bảo đảm giao thông thông suốt tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn để phục vụ kháng chiến. Đã có hàng nghìn cán bộ cùng với lực lượng TNXP, dân công địa phương cắm chốt ở các vị trí quan trọng như cầu Nà Phặc, Đèo Giàng, cầu Na Cù, cầu Sáu Hai... để hỗ trợ khi có đoàn xe vận chuyển đi qua và thông xe ngay sau khi bị máy bay địch bắn phá. Thời kỳ này, Bác Hồ gửi thư cho các đồng chí lái xe, có đoạn viết: “...có được kết quả ấy là do cán bộ chính quyền, đoàn thể, đồng bào Bắc Kạn hăng hái sửa đường...”. 


Tiếp theo đó, ngành GTVT Bắc Kạn tiếp tục chiến dịch tập trung hàng nghìn công nhân, TNXP, nhân tài, vật lực khôi phục, sửa chữa, mở rộng cầu đường tuyến QL3, bắc lại toàn bộ cầu gỗ bị phá hủy, san lấp mặt đường... thường trực bảo đảm giao thông thông suốt góp phần đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ. 


Thời kỳ 1954-1959 là thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế của đất nước, ngành GTVT Bắc Kạn bắt tay vào thực hiện một loạt nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng như: Khôi phục tuyến QL3, mở đường vào Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Rã... Trong lần đến thăm đội TNXP mở đường, Bác Hồ đã tặng bốn câu thơ bất hủ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. 


Đến những năm 1960-1965 thực hiện phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất, ngành GTVT Bắc Kạn được đón nhận hàng nghìn thanh niên các tỉnh, từ Thủ đô Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, tình nguyện đi xây dựng phát triển kinh tế miền núi. Với lực lượng đó ngoài việc bổ sung cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đường QL3, ngành GTVT Bắc Kạn đã tổ chức mở ra các công trường mở đường mới như công trường mở đường Na Rì, công trường đường Chợ Đồn, đường Chợ Rã - Ba Bể... 


Thời kỳ 1965-1975 là thời kỳ hợp nhất của hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái, để cùng một lúc làm hai nhiệm vụ chiến lược chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng phát triển kinh tế chi viện cho miền Nam, lực lượng GTVT Bắc Thái đã quán triệt yêu cầu “Đảm bảo giao thông thời chiến là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành”. 


Trong thời gian ngắn ngành GTVT Bắc Kạn đã tu sửa 10 đường ngầm, 5 km đường tránh, khôi phục 6 bến phà, dự trữ đá hộc, sắt, thép các loại, các phương tiện vận tải, lực lượng công nhân, cán bộ được bố trí để ứng cứu tại các vị trí trọng điểm… Nhờ có sự chủ động nên mục tiêu thực hiện chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào hệ thống đường giao thông Thái Nguyên - Bắc Kạn đều thất bại. 


Những năm 1976-1996, ngành GTVT Bắc Thái đã phát huy truyền thống trong nhiệm vụ mới: Cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến đường cũ, mở mới nhiều tuyến đường đến huyện, xã, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh. 


Vươn lên trong thời kỳ mới


Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX, tỉnh Bắc Kạn được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Sở GTVT tỉnh được tái lập với 16 cán bộ nhân viên được điều động từ Sở GTVT Bắc Thái lên (trong đó có 6 đảng viên) thành lập 5 phòng, ban chuyên môn. Những ngày đầu tái lập cơ sở vật chất phục vụ cho công việc, ăn ở của cán bộ, công nhân viên hết sức khó khăn, đội ngũ cán bộ và tổ chức bộ máy còn nhiều hạn chế và thiếu thốn, kết cấu hạ tầng giao thông thấp kém, các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ hư hỏng lớn, đang trên đà xuống cấp, giao thông nông thôn còn 16 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, Bến xe khách, Trung tâm Đăng kiểm chưa có.


Khó khăn là như vậy nhưng đến nay ngành GTVT Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng. Về tổ chức bộ máy, đến nay đã được xác lập cơ bản ổn định. Sở GTVT gồm có 5 phòng tham mưu với 51 cán bộ công chức (tăng 35 cán bộ so với năm 1997). Có 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm: Ban QLDA giao thông; Bến xe ô tô khách; Trung tâm Đăng kiểm. Bên cạnh đó cũng có 3 đơn vị sản xuất kinh doanh, gồm: Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ; Công ty Cổ phần TVXD Bắc Kạn và Công ty CP Vận tải dịch vụ xây dựng. 


Về công tác, quản lý, duy tu, khai thác hệ thống đường bộ. Hiện nay, ngành GTVT Bắc Kạn quản lý hơn 542,9 km đường quốc lộ, tỉnh lộ. Hệ thống đường liên thôn được mở mới, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường nông thôn loại A, B, một số tuyến đường được nhựa hóa. Hầu hết các cầu qua sông trên các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ đều được nâng cấp, cải tạo, đưa vào khai thác, chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông trên các tuyến khi mưa lũ. Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường tỉnh và quốc lộ qua địa bàn Bắc Kạn đều được cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa và bê tông hóa toàn bộ hệ thống cầu, cống, hệ thống cọc tiêu, biển báo được trồng mới tạo bộ mặt đường sá cho tỉnh. 


Hiện nay ngành GTVT Bắc Kạn đang nỗ lực triển khai xây dựng cải tạo, nâng cấp các công trình trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng. Công tác quản lý vận tải - phương tiện - người lái, hiện đã tạo được bước chuyển biến quan trọng so với những ngày đầu tách tỉnh, toàn tỉnh Bắc Kạn có 153 xe ô tô các loại đến nay đã có 2.831 xe. Đến nay có một bến xe cấp tỉnh với lưu lượng 65 xe khách/ngày, với bốn bến xe cấp huyện được xây dựng. Phương tiện thủy nội địa khu vực Sông Năng - Ba Bể có 125 thuyền, đò máy, thường xuyên được đăng kiểm theo quy định. Công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX được mở rộng từ một cơ sở dạy nghề đến nay đã có thêm bốn cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp phép bình quân hơn 9.000 GPLX mô tô (hạng A1) và gần 2.000 GPLX xe ô tô các loại mỗi năm. 


Những năm qua Sở GTVT Bắc Kạn đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh về công tác kiện toàn tổ chức Ban ATGT các cấp từ tỉnh đến huyện và phối hợp với Ban ATGT các huyện, thị xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều biện pháp để kiềm chế TNGT. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, tích cực tổ chức tuyên truyền pháp luật GTĐB, đường thủy nội địa dưới nhiều hình thức.

Ngọc Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.