Thời sự

Nghị định 86 liệu có xóa được xe khách trá hình?

22/09/2014, 09:08

Nghị định này đưa ra khá nhiều quy định mới, đặc biệt là những quy định rất rõ về các điều kiện kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và theo hợp đồng.

Tình trạng xe hợp đồng “đội lốt” xe khách tuyến cố định vẫn diễn ra ở các thành phố lớn (ảnh chụp chiếc xe chạy tuyến Hà Nội - Tiên Lãng (Hải Phòng) thả khách chớp nhoáng tại phố Trần Bình, Hà Nội - gần Bến xe Mỹ Đình).Ảnh: Thùy Sinh
Tình trạng xe hợp đồng “đội lốt” xe khách tuyến cố định vẫn diễn ra ở các thành phố lớn (ảnh chụp chiếc xe chạy tuyến Hà Nội - Tiên Lãng (Hải Phòng) thả khách chớp nhoáng tại phố Trần Bình, Hà Nội - gần Bến xe Mỹ Đình).

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: 

Xe khách trá hình sẽ không còn đất sống
 

img
Trong Nghị định 86 có quy định rất rõ các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và những điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng ô tô. Tôi khẳng định, nếu thực hiện nghiêm các quy định này, chắc chắn sẽ ngăn chặn được tình trạng các xe vận tải khách theo hợp đồng, xe vận tải khách du lịch bằng ô tô “đội lốt” xe chạy tuyến cố định. 


Đối với kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trong Nghị định 86 đã quy định rõ các xe này không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rất rõ, khi vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT các thông tin cơ bản: Điểm đi, điểm đến, số lượng hành khách, các điểm đón trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng... để Sở GTVT nắm bắt và theo dõi. Sắp tới khi áp dụng triển khai, Bộ GTVT sẽ cụ thể hóa bằng thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

 

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải:

Chặn doanh nghiệp khai khống danh sách hành khách
 

img
Bà có thể cho biết, các nhà xe sẽ phải truyền thông tin hành khách đến Sở GTVT bằng cách nào để thực hiện đúng quy định của Nghị định 86?

 

Để thông báo các thông tin này đến Sở GTVT hiện có rất nhiều hình thức có thể thực hiện được một cách đơn giản như: Gửi qua trang web, email, fax và nhiều thiết bị khác để xác nhận việc đơn vị vận tải có thông báo cho cơ quan quản lý vận tải. 


Chẳng hạn như trường hợp xe khách vừa gây tai nạn tại Sa Pa (Lào Cai) sẽ bị xử lý vì đã chạy sai hành trình. Lý do cũng một phần vì trước đây chúng ta chưa có biện pháp quản lý đối với xe chạy sai hành trình của xe hợp đồng, xe du lịch. Vì thế, từ những thông tin này sẽ là cơ sở để đối chiếu với thiết bị GSHT để xử lý vi phạm. 

 

Có một thực tế là trước đây đã có quy định xe hợp đồng, du lịch phải có danh sách hành khách và hợp đồng vận tải để phân biệt với xe chạy tuyến cố định nhưng trong thực tế quy định này đã bị các nhà xe hợp thức hóa bằng việc “khai khống” tên hành khách nên rất khó xử lý. Theo bà, quy định thông báo thông tin về Sở GTVT có đủ hiệu quả để ngăn chặn?

Để quản lý xe hợp đồng, du lịch, ngăn chặn tình trạng xe dù, lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch để đón khách trái quy định, tại các nghị định trước đây đã có quy định phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn thiếu chặt chẽ.

Thực tế trong quá trình thực hiện, các nhà xe đã tìm mọi cách để hợp thức hóa việc này bằng cách khai khống danh sách hành khách và thực tế các lực lượng chức năng cũng ít khi kiểm tra các vi phạm này. Chính vì thế, Nghị định 86 đã có thêm yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Đây là biện pháp nhằm giám sát chặt chẽ hơn để biết được loại xe này có thực hiện theo đúng với loại hình kinh doanh ghi trong giấy phép hay không.
 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:

Xe hợp đồng phải có danh sách hành khách
 

img

Theo ông, Nghị định 86 có điểm gì nổi bật để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng “núp bóng” các xe chạy tuyến cố định?


Nghị định 86 vừa được ban hành có nhiều quy định để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng chạy tuyến cố định. Cụ thể, các xe hợp đồng phải có danh sách hành khách nếu đi từ 100 km trở lên. Thứ hai, trước khi thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp vận tải phải cập nhật các dữ liệu vào cơ sở dữ liệu của Sở GTVT về hành trình của chuyến xe, số lượng khách, tuyến đường đi, thời gian thực hiện hợp đồng. 


Định kỳ kiểm tra, Sở GTVT sẽ đối chiếu dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) với thông tin mà doanh nghiệp cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Sở, nếu doanh nghiệp nào thực hiện sai, đi không đúng lộ trình đã thông báo, dừng, đỗ không đúng nơi quy định sẽ bị phát hiện và ghi nhận lại, làm cơ sở để cơ quan chức năng xử lý lỗi vi phạm của đơn vị vận tải. 

 

Trước khi Nghị định 86 ra đời, đã có những quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình xe hợp đồng như: Phải có danh sách hành khách và phải được Sở GTVT cấp phép hoạt động. Vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng xe hợp đồng “núp bóng” các xe chạy tuyến cố định hoạt động rầm rộ ở nhiều địa phương, thưa ông?


Đúng vậy, trước kia đối với xe chạy hợp đồng chúng ta cũng có quy định xe phải có hợp đồng, phải có danh sách hành khách. Tuy nhiên, chúng ta lại có sơ hở là chưa có quy định là xe hợp đồng không được dừng, đỗ, đón trả khách ngoài các vị trí đã ghi trong hợp đồng. Đây là kẽ hỡ để nhiều doanh nghiệp có xe hợp đồng lợi dụng để dừng, đỗ, đón trả khách một cách tùy tiện.

 

Tuy nhiên, lần này trong Nghị định 86 đã quy định rõ, xe vận tải khách hợp đồng sẽ không được dừng, đón trả khách ngoài các vị trí ghi trong hợp đồng. Như vậy, các dữ liệu mà đơn vị vận tải thông báo về Sở GTVT vị trí đón khách ở đâu, đưa khách đến chỗ nào đều có trong dữ liệu, nếu xe hợp đồng dừng, đỗ, đón trả khách ngoài những vị trí đã đăng ký là vi phạm và sẽ bị xử lý.

 

Ông có thể nói rõ việc thông báo của doanh nghiệp đến Sở GTVT các thông tin về chuyến đi sẽ được thực hiện như thế nào?


Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể cho các Sở GTVT. Mỗi Sở sẽ lập một trang web riêng, trên đó có phần mềm để các đơn vị vận tải cập nhật trực tiếp các dữ liệu: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng chứ không cần làm văn bản báo cáo gửi đến Sở GTVT. 

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN:

Doanh nghiệp lợi dụng hợp đồng chạy cố định sẽ lộ ra hết
 

img
Ông đánh giá thế nào về những quy định mới của Nghị định 86, trong đó có việc doanh nghiệp cung cấp thông tin cho Sở GTVT quản lý. Việc làm này có ngăn được xe hợp đồng, xe du lịch trá hình hoạt động?

 

Hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Rút kinh nghiệm từ các Nghị định trước, lần này các cơ quan chức năng có những quy định rất cụ thể, chặt chẽ. Đặc biệt là quy định doanh nghiệp hàng ngày phải cung cấp số lượng hành khách, thông tin về hợp đồng tới Sở GTVT của địa phương đó. Nếu làm được điều này, doanh nghiệp nào lợi dụng hợp đồng chạy tuyến cố định sẽ lộ ra hết. 

 

Nhưng liệu các Sở này có đủ bộ máy, con người và kỹ thuật để xử lý chính xác, không làm sai lệch thông tin?


Không phải Sở GTVT nào cũng mặn mà làm chuyện này, vì bản thân vấn đề rất phức tạp và nhiều lý do tế nhị khác. Cũng như doanh nghiệp chắc cũng chẳng muốn hàng ngày phải báo cáo. Nhưng để quản lý tốt và ngăn chặn xe trá hình thì buộc phải làm. Quan trọng hơn nữa là khâu hậu kiểm phải tốt. Nếu phát hiện các Sở GTVT không thực hiện nghiêm, cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm.

 

Ông Trần Minh Tạo, Phó giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH MTV Du lịch Vận tải khách sạn Vũ Linh: 

Quản chặt từng hợp đồng, từng chuyến xe
 

img
Việc kiểm soát hợp đồng, số lượng người trên xe hợp đồng rồi phải đăng ký lộ trình đi tới Sở GTVT các thông tin của chuyến đi khiến các doanh nghiệp gian dối chạy sang tuyến cố định rất khó thực hiện. Ví dụ nếu xe tôi đi Đà Lạt nhưng chạy ra Nha Trang, thiết bị GSHT ghi nhận lại, nếu bị phát hiện sẽ xử phạt rất nặng.


Mặt khác khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới). Sở GTVT trước đây chỉ căn cứ kê khai của doanh nghiệp và cấp phù hiệu chạy xe hợp đồng, doanh nghiệp lách chạy cố định rất khó kiểm soát, còn theo Nghị định 86 quản lý từng hợp đồng, từng chuyến xe là rất chặt chẽ.

 

 


Đ.Thắng - T.Mạnh - Đ.Quang (Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.