Tài chính

Nghị định chống chuyển giá đẩy DN vào thế khó

18/11/2020, 06:36

Các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn bảo lưu quan điểm cần làm rõ “những vấn đề đang bị nhầm lẫn” trong Nghị định 132 về chống chuyển giá.

img
Theo các chuyên gia, việc siết trần chi phí vốn sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó sau khi họ đã phải chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Dù cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 132 về chống chuyển giá cho rằng, đã cân nhắc nhiều mặt, song các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn bảo lưu quan điểm cần làm rõ “những vấn đề đang bị nhầm lẫn”.

Đã cân nhắc kỹ

Báo Giao thông số ra ngày 16/11 đăng bài “Lo nghị định mới chống chuyển giá vẫn “đánh nhầm” đối tượng”, phản ánh việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132/2020 (Nghị định 132) thay thế Nghị định 20 về chống chuyển giá đối với các công ty có giao dịch liên kết.

Dù Nghị định 132 đã nâng mức trần tổng chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, song nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng cho những doanh nghiệp nước ngoài (FDI), thay vì áp dụng đối với cả khối doanh nghiệp nội địa.

Trao đổi với Báo Giao thông liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn giải thích: “Có 2 điều chúng ta cần nhìn nhận trong Nghị định 132. Đó là những doanh nghiệp FDI khi kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều có chuẩn mực kế toán chung như những doanh nghiệp trong nước. Khi chúng ta hội nhập toàn cầu thì về nguyên tắc là không được phân biệt việc áp dụng giữa các loại hình doanh nghiệp”.

Trước kiến nghị xem xét sửa đổi những quy định chưa hợp lý trong nghị định, trong đó bất hợp lý nhất là khống chế mức trần chi phí vay vốn, ông Tuấn cho biết: “Nghị định từ khi ban hành đến khi có hiệu lực thực thi thì không sửa được, bởi cơ quan quản lý đã phân tích tất cả các yếu tố, kể cả lật trái, lật phải mọi vấn đề. Còn chính sách thuế bao giờ cũng tồn tại hai mặt, nhưng người ta sẽ phân tích làm sao cho hiệu quả nhất, đơn giản nhất và giảm nhiều nhất tác động”.

Trong khi đó, theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, có thể doanh nghiệp “vì lợi ích riêng của mình”, cũng có thể vì một vài vướng mắc nên còn có ý kiến.

“Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến lợi ích của Nhà nước và lợi ích của toàn dân khi đối diện với rủi ro về hệ thống và rủi ro khi vốn mỏng. Doanh nghiệp tự cho rằng việc làm của mình là đúng nhưng Nhà nước cân nhắc có những rủi ro, hệ lụy từ việc làm đó ảnh hưởng đến lâu dài chứ không phải doanh nghiệp nói gì là mình phải nghe”, ông Minh nói.

“Không nên đánh đồng mọi đối tượng”

Khẳng định khống chế trần chi phí vay vốn với doanh nghiệp nội là chưa hợp lý, ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty Tư vấn chính sách thuế Trường Thành (Hà Nội) kiến nghị, nếu vì ràng buộc nhiều điều lệ quốc tế mà không thể làm khác thì việc thực hiện cần có lộ trình, bởi trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đều rất khó khăn, nhu cầu vay vốn rất lớn.

Chính sách “nhầm sai phải sửa” khi bài học của 17 năm trước vẫn còn đó. Cụ thể, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 quy định khoản quảng cáo, nếu vượt 7% tổng số chi phí thì sẽ không được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế. Mặc dù bị nhiều chuyên gia, trong đó có tôi, đã phản đối mạnh mẽ trong nhiều năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên quyết giữ lại, mà chỉ tăng lên mức 10%, rồi 15% khi sửa đổi luật vào năm 2013. Nhưng bất ngờ, chỉ một năm sau đó, giới hạn này đã được bãi bỏ hoàn toàn theo luật sửa đổi vào năm 2014.

Luật sư Trương Thanh Đức


Đồng thời, cần đánh giá theo ngành nghề, lĩnh vực để phân loại, sau đó đưa ra những hướng dẫn, biện pháp kiểm soát cụ thể theo đúng mục tiêu “chống chuyển giá”. Đồng thời, sàng lọc những doanh nghiệp không có nguy cơ chuyển giá chứ không nên đánh đồng mọi đối tượng.

Theo góp ý của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Nghị định 132 cần tách riêng những đơn vị độc lập.

Chẳng hạn như những mối quan hệ ngoài liên kết, không liên quan đến việc vay vốn giữa công ty mẹ - con theo nguyên tắc: Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cũng cho biết, ông giữ quan điểm “nhầm, sai thì phải sửa” và đề nghị cần làm rõ 3 vấn đề đang bị “nhầm lẫn” tại Nghị định chống chuyển giá ngay từ khi hình thành, đó là về khái niệm giao dịch liên kết; tỷ lệ khống chế và yếu tố chuyển giá.

Một vấn đề phải điều chỉnh khác, theo luật sư Đức là thời gian bù trừ số tiền thuế thu sai với quy định: “Phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024”.

“Sau những tác động của dịch bệnh cũng như thiên tai, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận bằng 0 hoặc về âm thì lấy đâu để bù trừ thuế, nên được hồi tố cũng như không!”, ông Đức nói và cho rằng, đến trung tuần tháng 9/2020, trên 80% doanh nghiệp phải chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chưa kể thiên tai, bão lũ. Việc siết trần chi phí vốn vì thế càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.