Trong nước

Nghịch lý bóng chuyền: Đội nhà giải thể, cầu thủ mừng

13/03/2014, 06:13

Giống bóng đá cách đây 5-7 năm, nhiều cầu thủ bóng chuyền thời gian gần đây muốn đội bóng chủ quản giải tán để dễ chuyển sang CLB khác. Tại sao vậy?

Người hâm mộ đang lo ngại về nền bóng chuyền Việt Nam
Người hâm mộ đang lo ngại về nền bóng chuyền Việt Nam

Cầu thủ mong đội nhà giải tán


Theo lý lẽ thông thường, các cầu thủ sẽ trở thành nạn nhân phải đứng trước nguy cơ thất nghiệp, nhưng trên thực tế nhiều người còn vui vì được hưởng lợi từ việc này. Chỉ trong nửa năm, bóng chuyền đã rơi vào cơn lao đao khi có tới 3 đội bị giải tán, thậm chí một ngày có tới hai đội “khai tử”. Bắt đầu từ đội nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rồi mới đây là hai đội nữ, Vietsov Petro và Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương, bị giải tán vì nhiều lý do khác nhau. 


Khi đó, người hâm mộ lo lắng trước viễn cảnh các thành viên của đội bóng sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp và nếu có tìm được bến đỗ mới cũng sẽ thiệt thòi. Nhưng rồi mọi chuyện lại diễn ra theo chiều ngược lại. 


Đến thời điểm này, hầu hết cầu thủ, nhất là ở tuyến một của các đội kể trên đều đã có được nơi chốn mới của mình, không hề thua kém đội cũ, nếu không muốn nói phần nào còn hơn. Đơn cử ở đội nữ Vietsov Petro, chỉ sau khi giải tán chưa đầy 2 tuần đã có 8 cầu thủ (4 tuyến một, 4 tuyến trẻ) về đầu quân cho đội bóng nhà giàu, Ngân hàng Công thương Việt Nam. 6 người còn lại dù chưa chính thức ký hợp đồng nhưng là vì đang lựa chọn hoặc chưa thống nhất các điều khoản cụ thể. 

Khủng hoảng lực lượng 


Với đội Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương, câu chuyện cũng thuận lợi như vậy. Trong đó, tuyển thủ quốc gia Đinh Thị Trà Giang, người đã viết tâm thư gửi lãnh đạo về nỗi lo đội bóng giải thể, nhận mức lương cứng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chẳng hề kém cạnh ở Vietsov Petro, với mức không dưới 15 triệu đồng. Đáng nói hơn, phụ công này còn có thêm một khoản phí  “lót tay” vài trăm triệu đồng, một mức mơ ước với dân bóng chuyền, đặc biệt ở bối cảnh khó khăn chung hiện tại. 


Chính vì thế, những người hiểu nội tình ngao ngán “đội nhà tan, cầu thủ cười”; hay nói cách khác, một số trường hợp còn thích đội giải tán. Bởi khi đội bóng tan đàn xẻ nghé, các cầu thủ mặc nhiên được thanh lý hợp đồng, hoàn toàn tự do và chủ động trong việc tìm kiếm bến đỗ mới, thỏa thuận về mức lương thưởng, và nhất là phí lót tay. 


Điều đó cũng lý giải tại sao nhiều cầu thủ đã không hề muốn đội chuyển giao hay sáp nhập với đội bóng mới, do khi ấy mọi sự ràng buộc, chế độ chỉ được giữ nguyên mức cũ. Không phải ngẫu nhiên, vụ chuyển giao đội nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho ngành Thể thao Hà Nội hay sáp nhập đội nữ Vietsov Petro vào Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương đều bất thành vì nhiều cầu thủ, đặc biệt là các trụ cột, ngấm ngầm hay công khai phản đối. 


Có một lý do quyết định khác khiến cho các cầu thủ chẳng mấy e ngại việc đội nhà bị xóa sổ, xuất phát từ thực trạng bóng chuyền Việt Nam, đặc biệt là bóng chuyền nữ đang khủng khoảng lực lượng trầm trọng, khi mảng đào tạo trẻ bấy lâu nay yếu kém triền miên. 


Ngay cả những nhân tố trẻ triển vọng hay cầu thủ loại trung bình khá, chứ chưa nói đến cỡ tuyển thủ Quốc gia hàng đầu như Trà Giang hay tài năng trẻ Thanh Thúy cũng được nhiều đội săn đón, sẵn sàng bỏ ra cả một khoản tiền lớn để giành quyền sở hữu. 


Suy cho cùng, không phải tốn công của đào tạo lại có ngay các gương mặt đủ sức gánh vác nhiệm vụ thì vài chục triệu tiền lương cho các cầu thủ là quá rẻ. Càng dễ dàng và tiết kiệm tiền bạc hơn, khi họ chỉ mất vài trăm triệu đồng cho một cuộc chuyển nhượng tự do thay vì tốn cả tiền tỷ nếu chuyển nhượng theo đúng quy định từ đội khác, mà cũng chưa chắc đã thành công. 

Kim Tuyến
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.