Hồ sơ tài liệu

Ngoài B-52, Mỹ triển khai vũ khí gì tại bán đảo Triều Tiên?

12/01/2016, 14:24

Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về việc triển khai vũ khí chiến lược tại bán đảo Triều Tiên

Máy bay ném bom B-52 tại căn cứ không quân

Máy bay ném bom B-52 tại căn cứ không quân Osan Hàn Quốc.

Hôm qua Mỹ và đồng minh Hàn Quốc tiếp tục thảo luận về việc triển khai thêm vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên, một ngày sau khi máy bay ném bom B-52 xuất hiện tại đây.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục thảo luận về việc triển khai thêm vũ khí chiến lược”.

Theo truyền thông Hàn Quốc, các vũ khí chiến lược của Washington có thể sử dụng ở Hàn Quốc bao gồm: máy bay ném bom B-2, tàu ngầm hạt nhân và máy bay chiến đấu tàng hình F-22.

Trước đó 10/1, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom B-52 tới bán đảo Triều Tiên . Máy bay B-52 có trụ sở tại Guam, được trang bị tên lửa hạt nhân và bay với cự ly thấp qua căn cứ không quân Osan vào lúc 3 giờ chiều (giờ quốc tế).

Theo thông tin từ quân đội Mỹ, máy bay B-52 bay cùng hai chiến đấu cơ F-15, F-16 của Hàn Quốc trước khi trở về căn cứ Guam. 

Căn cứ không quân Osan nằm phía nam Seoul, cách khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên 77 km. Quân đội Mỹ cho biết, việc Mỹ triển khai máy bay B-52 là để “đáp trả lại hành động khiêu khích mới đây của Triều Tiên”.

Tham mưu trưởng Nhà Trắng ông Denis McDonough cho biết hôm 10/1: việc triển khai máy bay tới Hàn Quốc thể hiện “tinh thần của Mỹ đối với nước đồng minh”. 

Bên cạnh đó,  ông nhấn mạnh: Mỹ sẽ  tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và Nga, cũng như các nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để cô lập Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Cũng trong ngày 10/1, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết không nước nào có quyền chỉ trích vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng: “Việc thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên là một biện pháp phòng thủ nhằm bảo vệ hoà bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như an ninh trong khu vực, trước mối đe doạ chiến tranh hạt nhân. Đây là quyền lợi của một quốc gia có chủ quyền và là hành động hợp pháp mà không ai có quyền chỉ trích”, ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.