Đời sống

Người đàn ông dân tộc Chứt giỏi việc nhà, giỏi cả... việc nước

02/01/2021, 22:10

Vượt qua những mặc cảm, tự ti vốn đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Chứt, anh Nam đã biết chủ động làm ăn, biết tích lũy để làm giàu...

img

Anh Hồ Xuân Nam

Vượt qua những mặc cảm, tự ti vốn đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Chứt, anh Hồ Xuân Nam (33 tuổi, trú ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã biết chủ động làm ăn, biết tích lũy để làm giàu cho bản thân, không trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng thời anh còn là cán bộ mặt trận xuất sắc, là cầu nối để chuyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

Chủ động làm kinh tế giỏi

Thấy chúng tôi đi vào, anh Nam bỏ dở câu chuyện đang bàn với vợ chồng em gái chạy ra cửa vồn vã: “Có chú bộ đội đây rồi, cho ta hỏi cái này nhé. Ta thấy vợ chồng em gái ít ruộng lúa quá, nên bàn với chúng nó vữa mảnh đất bỏ hoang trước nhà để làm lúa nước.

Mà phải thuê máy múc chứ sức người làm hiệu quả không cao, chú bộ đội thấy thế nào ạ?, anh Nam vừa hỏi vừa múc nước chè mời chúng tôi. “Được! Nhưng phải hứa là phải được một năm hai vụ lúa nước nhé”, Đại úy Đặng Quyết Tiến - Đội trưởng Đội Vận động Quần chúng, Đồn Biên Phòng Bản Giàng cười tươi nói.

Tranh thủ lúc anh Nam bàn chuyện sản xuất với cán bộ biên phòng, tôi tranh thủ nhìn qua “cơ ngơi” gia đình anh. Ngôi nhà sàn bằng gỗ theo truyền thống của đồng bào Chứt khá đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Trong nhà đã đầy đủ tivi, tủ lạnh, xe máy…

“Đối với chúng ta, đó là những đồ dùng tầm thường trong gia đình, nhà nào cũng phải có. Thế nhưng ở bản Rào Tre, đó là cả một gia tài, là những thứ xa xỉ đối với người Chứt”, Trung tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre, thuộc Ðồn Biên phòng Bản Giàng nhấn mạnh.

Hỏi ra tôi càng khâm phục hơn khi được biết, năm nay anh Nam chỉ mới 33 tuổi. Không khâm phục sao được, khi cũng như những đứa trẻ khác trong bản, anh Nam sinh ra và lớn lên như cái cây ngoài rừng. Đến mãi tận 14 tuổi anh mới được gửi ra trường nội trú của huyện học chữ. Vượt qua những mặc cảm về tuổi tác và tính tự ti của đồng bào dân tộc Chứt, anh kiên trì đi tìm cái chữ, con số. Học đến lớp 8, anh Nam xin nghỉ, nhường sự học cho các em và quay lại bản làm kinh tế.

Ban đầu, cũng như mọi người dân trong bản, anh Nam được các chú bộ đội biên phòng cầm tay chỉ việc, từ trồng lúa nước cho đến chăn nuôi. Dần dà, anh tự chủ động, tự mình chăn nuôi và sản xuất. Trong vườn anh thả gà, ngoài đồng anh thả trâu mạ. Nhờ chăm sóc tốt, trâu nhà anh Nam khỏe mạnh và sinh sản tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, chỉ tính riêng cặp trâu mạ và trâu con đã có thể xuất được chuồng, anh Nam đã đút túi bốn năm chục triệu đồng.

Năm 2015, bản Rào Tre được chính quyền địa phương đầu tư cho một máy cày để thay thế sức trâu bò. Ngày đầu tiên máy cày xuống ruộng, từ người già cho đến trẻ nhỏ trong bản ai cũng tò mò ra đứng nhìn mà không biết đó là cái gì.

Ấy thế mà, sau khi được cán bộ mặt trận xã hướng dẫn một lần, anh Nam đã tự tin leo lên máy, điều khiển bắt nó làm việc theo ý của mình. Có máy cày thay thế sức trâu, việc đồng áng dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Tranh thủ lúc nông nhàn, anh Nam lại xách cưa máy đi cưa tràm thuê cho người khác; đi rừng cắt lá cọ, dây mây về bán… Nhờ thế kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn, đã có của ăn của để.

Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên cho biết: Sau hàng chục năm được tìm thấy trong hang đá và đưa về sinh sống tập trung tại Rào Tre, bà con dân tộc Chứt ở đây đa phần vẫn còn giữ nếp sống hoang dã, tự nhiên.

Phần đông vẫn đang có tâm lí trông chờ, ỉ lại trợ cấp của nhà nước, chính phủ và vẫn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu, đặc biệt là hôn nhân cận huyết…

“Anh Nam tuy còn trẻ nhưng đã có những suy nghĩ rất tiến bộ, biết chủ động lao động sản xuất, biết tích trữ để làm giàu. Đặc biệt trong quá trình lao động, anh đã biết áp dụng máy móc như: cày máy, cưa xăng… để nâng cao hiệu quả. Chính nhờ những kết quả đó nên uy tín của anh trong giới trẻ nói riêng và người dân nói chung rất cao”, ông Dũng nói.

img

Anh Nam cùng cán bộ Ðồn Biên phòng Bản Giàng và cán bộ Ủy ban MTTQ xã bàn bạc trước lúc đi tuyên truyền

"Cầu nối" giữa Đảng, chính quyền với nhân dân

Từ năm 2015 cho đến nay, với uy tín của bản thân, anh Nam được giới thiệu và bầu giữ chức vụ Chi hội trưởng Hội nông dân, công an viên thôn bản, uỷ viên UBMTTQ xã, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư bản Rào tre, xã Hương Liên. Hiện nay, anh Nam đã là Uỷ viên UBMTTQ huyện Hương Khê.

Ngoài việc nhà, anh Nam lại cùng với cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Đồn Biên phòng Bản Giàng hướng dẫn bà con đồng bào Chứt kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả để tự túc lương thực, thực phẩm, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. “Chính từ mô hình sản xuất của anh Nam, nhiều hộ dân khác đã học theo và sản xuất được lúa, chăn nuôi được trâu bò, lợn gà”, Trung tá Nguyễn Văn Thiên nói.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ xã Hương Liên, anh Nam đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Giàng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh xã cùng với người dân trồng được hàng trăm cây cam, bưởi, hàng ngàn cây chuối và trăm cây bóng mát; chỉnh trang, làm mới được gần 1km hàng rào vườn; đóng góp được 139 ngày công xây dựng làm đường giao thông nông thôn, mương thủy lợi...

Ngoài ra, anh còn hướng dẫn bà con ăn ở và sinh hoạt lành mạnh, ăn chín, uống sôi để đảm bảo sức khỏe. Khi có bệnh đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, dần dần xoá bỏ hủ tục lạc hậu như dùng thầy mo để chữa bệnh như trước đây. Thường xuyên tổ chức cho người dân trong bản tổng dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, chăn nuôi có quy hoạch, tránh được sự ô nhiệm môi trường, phát sinh dịch bệnh, tránh xa bia rượu, tệ nạn...

Đặc biệt hiểu rõ được hậu quả của hôn nhân cận huyết, nên anh Nam luôn động viên các bạn trẻ tìm hiểu, yêu thương và lấy vợ, lấy chồng với người ở vùng khác. Chính bản thân anh cũng lấy vợ là cô gái người Chứt ở Quảng Bình. Anh cũng là người tác hợp để em gái ruột lấy chồng là người Kinh ở ngay trong xã. Nhờ vậy, đến nay người Chứt ở bản Rào Tre đã có 4 - 5 trường hợp cưới vợ, gả chồng với người ở bên ngoài.

Đại úy Đặng Quyết Tiến cho biết: Với đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre có một đặc điểm là có ngôn ngữ riêng, nhưng không có chữ viết. Trong khi đó, việc học tiếng nói của họ lại rất khó khăn nên trong quá trình tuyên truyền, sự phản hồi, tương tác với người dân rất khó. Chính nhờ Nam đã làm cầu nối để các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện trong nhân dân.

“Điểm sáng của người Chứt ở Rào Tre”

Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Bản Rào Tre có 44 hộ, với 149 nhân khẩu dân tộc Chứt, cuộc sống còn rất rất nhiều khó khăn, lạc hậu. Mặc dù còn rất trẻ nhưng anh Hồ Xuân Nam đã biệt tự lực làm ăn, xây dựng kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, anh Nam còn thường xuyên đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn đồng bào phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, chỉnh trang vườn hộ…

Với vai trò người cán bộ mặt trận, anh Nam đã làm tốt “cầu nối” giữa cấp uỷ, chính quyền, tổ công tác Biên phòng với người dân ở địa phương trong thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống văn hoá dân tộc.

Chính nhờ những thành tích nổi bật nói trên, anh Nam đã trở thành 1 trong 90 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh là điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020). Anh Nam chính là điểm sáng của đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.