An ninh hình sự

Người vi phạm đốt xe ở chốt CSGT có bị xử lý hình sự?

03/08/2017, 19:04
image

Theo luật sư, nam thanh niên đốt xe máy khi bị tạm giữ tại chốt CSGT có thể bị xử lý hình sự.

Sequence 01.Still007

Nam thanh niên tự tay châm lửa đốt xe máy của mình tại chốt CSGT

Hôm 2/8, vụ việc một nam thanh niên điều khiển xe máy chở hàng hóa cồng kềnh sau khi bị CSGT dừng xe để xử lý, lập biên bản tạm giữ tại chốt CSGT đường Trường Chinh - Giải Phóng, Hà Nội đã bất ngờ châm lửa đốt đốt xe gây xôn xao dư luận. Sau sự việc nam thanh niên được bàn giao cho công an phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân để điều tra, làm rõ hành vi "Hủy hoại tài sản".

Với hành vi trên, nam thanh niên vi phạm sẽ bị xử lý thế nào? Vì sao cơ quan công an phải làm rõ hành vi "Hủy hoại tài sản"? là những câu hỏi đang được độc giả quan tâm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp cho biết, trong vụ việc như báo chí đăng tải, cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân, động cơ của người đốt xe; chủ sở hữu thực sự của chiếc xe bị đốt và hậu quả do hành vi đốt xe đã gây ra với xã hội để đưa ra kết luận xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự.

Trước hết, về chủ sở hữu của chiếc xe. Theo ông Cường, nếu chiếc xe bị đốt không phải là tài sản của người vi phạm, trị giá chiếc xe từ 2 triệu đồng trở lên thì có cơ sở để xử lý người vi phạm về tội "hủy hoại" hoặc "cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" theo quy định tại Điều 143 BLHS, với mức phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, tùy theo mức độ nghiêm trọng. 

Trường hợp, chiếc xe máy bị đốt là "xe gian" do phạm tội mà có hoặc hành vi đốt xe để phi tang chứng cứ, che giấu một vụ việc vi phạm pháp luật khác như cướp, trộm cắp... thì vụ việc sẽ được điều tra mở rộng, làm rõ các hành vi vi phạm và xử lý các đối tượng vi phạm về các hành vi tương ứng.

Nếu chiếc xe đó là tài sản hợp pháp của người đốt xe nhưng hành vi đốt xe xảy ra nơi công cộng, gây ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội... hoặc hậu quả phi vật chất khác được xác định là nghiêm trọng thì người "đốt xe của mình" nơi công cộng này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội "gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự.

Nếu hành vi đốt xe nhằm mục đích chống người thi hành công vụ làm cho người thi hành công vụ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì hành vi này cũng có thể bị xử lý về tội "chống người thi hành công vụ".

"Tóm lại, nếu chiếc xe thuộc quyền sở hữu của người đốt xe thì không bị xử lý tội "hủy hoại tài sản" nhưng sẽ bị xem xét xử lý về tội "gây rối trật tự công cộng", "chống người thi hành công vụ"... hoặc các tội danh khác mà hành vi của người này đã gây ra", ông Cường nhận định.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cũng cho rằng, với thông tin vụ việc báo chí đăng tải (người vi phạm đốt xe sau khi bị CSGT lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe - PV) việc cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi "phá hoại tài sản" là cần thiết. 

"Hiện nay trong hệ thống luật giao thông đường bộ vẫn còn chưa hoàn chỉnh về vấn đề sang tên đổi chủ, mua bán, cho mượn, nhượng quyền sở hữu xe... nên việc tìm ra chủ nhân thực sự của chiếc xe máy này cần được điều tra kĩ lưỡng, chính xác", ông Tuấn Anh nói. 

Từ vụ việc này, luật sư Cường cũng khuyến cáo người tham gia giao thông khi bị dừng kiểm tra hành chính cần bình tĩnh xuất trình giấy tờ và phối hợp với người thi hành công vụ để giải quyết vụ việc, nếu có vi phạm giao thông thì cũng chỉ bị xử lý hành chính. Nếu người tham gia giao thông mà mất bình tĩnh, có hành vi chống người thi hành công vụ hoặc có hành vi gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của người khác... thì hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự chứ không còn là vi phạm hành chính và khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề với người tham gia giao thông", ông Cường nhấn mạnh. 

Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, vụ việc xảy ra vào chiều qua 2/8. Thời điểm trên, nam thanh niên tên Lê Văn Quang điều khiển xe máy BKS 34L6-9162 chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường Giải Phóng và vi phạm giao thông.

Theo đó, CSGT ra hiệu dừng kiểm tra, tuy nhiên Quang không xuất trình được đăng ký và  GPLX; việc xếp hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép của xe nên lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ phương tiện.

Sau khi ký vào biên bản vi phạm giao thông, Quang bỏ đi. Hơn nửa giờ sau, khi xe tải chuyên dụng của lực lượng CSGT đến chở phương tiện vi phạm, Quang đã bất ngờ đến châm lửa đốt xe máy.

Ngay sau đó, Tổ công tác CSGT Đội CSGT số 4 đã phối hợp Công an phường Phương Liệt khống chế đối tượng Quang, dập lửa và đưa người đốt xe về trụ sở công an để làm rõ.

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ

Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.