Tài chính

Nhà đầu tư điện gió ngồi trên lửa

09/10/2021, 07:00

Hàng loạt dự án điện gió đang chạy nước rút kịp vận hành thương mại, nhiều nhà đầu tư đang buộc phải chạy tiến độ tới gần như... "tắt thở".

Nhiều nhà đầu tư điện gió đang như ngồi trên lửa khi chỉ còn khoảng 3 tuần nữa để các dự án đã đăng ký đóng điện, thử nghiệm với EVN hoàn thiện các thủ tục đấu nối, để kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021.

img

Hàng loạt dự án điện gió đang chạy nước rút kịp vận hành thương mại

Căng như dây đàn trước “giờ G”

Tranh thủ những phút giải lao hiếm hoi giữa những cuộc họp liên miên đốc thúc tiến độ, ông Bùi Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Điện gió B&T chia sẻ với PV Báo Giao thông: “Từ nay (6/10 - PV) tới ngày 31/10 đối với chúng tôi còn quá ít ỏi, buộc phải chạy tiến độ tới gần như tắt thở”.

Dự án cụm trang trại điện gió B&T có quy mô 252MW đặt tại Quảng Bình với tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng là một trong những dự án điện gió có quy mô lớn nhất trên cả nước và cũng là số ít “gương mặt sáng giá” tới lúc này có hy vọng kịp COD trước ngày 31/10.

Tuy nhiên, với ông Sơn, người trực tiếp điều hành tại công trình, vẫn rất dè dặt khi phần việc để đáp ứng quy định từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và các cấp điều độ miền… còn xếp hàng dài chờ.

“Tới thời điểm này, 52/60 trụ turbine đã được dựng xong. Dự án BT1 hiện còn test hệ thống nội bộ, BT 2 còn 2 trụ chưa xong nên chưa được test, BT3 mới dựng được 3 trụ… Phần nào cũng còn dở dang…”, ông Sơn nói ngắt quãng.

Kể từ thời điểm khởi công ngày 20/9/2020, Dự án B&T liên tiếp trải qua hàng loạt khó khăn khách quan, từ trận mưa lũ miền Trung lịch sử tới dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng nặng nề tới tiến độ thi công.

Ông Sơn phân trần: “Nói là hơn 12 tháng thi công nhưng tới thời điểm này, ít nhất chúng tôi bị gián đoạn hơn 2 tháng do thời tiết và dịch bệnh. Không giống như những công trình khác, với điện gió, khi lắp đặt có gió giật hay dự báo sấm sét trong vòng phạm vi 50km đã phải yêu cầu công nhân không được làm”.

Trong khi đó, điện gió là lĩnh vực đầu tư mới nên tất cả các dự án tại Việt Nam hiện nay đều phải dựa vào chuyên gia nước ngoài, đặc biệt trong khâu tư vấn lắp đặt.

“Giai đoạn nước rút rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp. Nhờ có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Bộ Ngoại giao, cuối cùng cũng thu xếp đón đoàn chuyên gia nước ngoài về phục vụ lắp đặt, test liên động turbine và trạm. Thế nhưng vào được rồi, họ lại bị cách ly 21 ngày tại TP.HCM và 7 ngày sau khi về địa phương. Suốt quãng thời gian này, chúng tôi vẫn phải chấp nhận trả lương không công cho họ…”, ông Sơn chia sẻ.

Để chạy đua tiến độ, B&T đã huy động 3 cẩu trục tự hành siêu trọng loại crawler Crane 1.400 tấn và 1.200 tấn, vậy nhưng nguy cơ chậm tiến độ vẫn hiện hữu, nên tới “giờ cuối” phải huy động thêm một cẩu 800 tấn.

Những ngày đầu, thời gian lắp 1 trụ turbine hết 7 ngày, về sau bằng mọi cách tăng ca kíp 24/24h rút ngắn xuống còn 5,5 ngày/trụ.

“Để đạt được tiến độ, chúng tôi hướng tới từng đích nhỏ, mỗi trụ gió được hoàn thành, chủ đầu tư thưởng nóng hàng chục triệu đồng, trao trực tiếp cho đội thi công”, lãnh đạo B&T cho hay.

Thừa nhận việc huy động gấp gáp thiết bị, nhân lực, vận tải… chắc chắn làm gia tăng chi phí suất đầu tư, song ông Sơn cho biết, hiện chưa thể tính toán cụ thể bởi tất cả đang tập trung cho mục tiêu đóng COD trước ngày 31/10.

“Trong bối cảnh khó khăn chung, chủ đầu tư điện gió có tiền cũng chưa đủ, mà còn đòi hỏi phải có nguồn nhân lực tốt đáp ứng công tác quản lý vận hành dự án”, ông Sơn nói.

Dù vẫn đang chật vật xoay xở nhưng B&T vẫn còn may mắn hơn rất nhiều các chủ đầu tư điện gió khác. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tới thời điểm hiện tại, hàng loạt chủ đầu tư điện gió thay vì đóng COD toàn bộ dự án trước ngày 1/11, đã phải chuyển hướng cuốn chiếu, được trụ turbine nào hay trụ ấy.

Cụ thể, một dự án điện gió tại tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư đang căng như dây đàn chỉ vì nhà thầu lắp đặt thiếu nhân sự khâu đấu nối cơ điện trong turbine và test nội bộ.

Theo tiến độ hiện nay, khả năng đóng COD trước ngày 31/10 được hơn 10 trụ, còn lại khoảng 1/3 trụ có thể không kịp.

Thê thảm hơn, một chủ đầu tư khác đang phải “gánh” liền 2 dự án điện gió tại Sóc Trăng với tổng công suất 60MW nhưng chưa biết tới ngày nào đóng COD bởi một dự án chưa nhập được turbine, còn một thì chưa xong phần móng do vướng ngay từ khâu giải phóng mặt bằng...

Mới có 5% dự án kịp hưởng giá FIT

Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay, mới có thêm 6 nhà máy được công nhận COD trong tổng số 106 dự án (tổng công suất 5.655,5MW) đã đăng ký đóng điện, hòa lưới nhằm kịp hưởng giá FIT.

Như vậy, số dự án được công nhận COD chỉ mới đạt hơn 5% so với dự kiến đăng ký vận hành.

Kết quả khảo sát cuối tháng 9 của Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) với các nhà phát triển và nhà cung cấp thiết bị lớn trong lĩnh vực điện gió ở Việt Nam cho thấy, có khoảng 2.800MW (tương đương khoảng 50%) tổng công suất của các dự án đã nộp hồ sơ đề nghị nối lưới chịu rủi ro cao không kịp COD trước ngày 1/11/2021.

Theo ước tính của GWEC, chi phí cố định để đầu tư 2.800MW điện gió này khoảng 4,557 tỷ USD (dựa trên mức chi phí trung bình của các dự án điện gió tại Việt Nam).

Nếu những dự án này không được vận hành, sẽ ảnh hưởng hàng chục nghìn cơ hội việc làm trong 25 năm vòng đời của dự án điện gió.

GWEC cũng cho rằng, nguyên nhân khiến những dự án trên phải chịu rủi ro phần lớn do tác động của dịch Covid-19, ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư.

Cụ thể, các nhà đầu tư cho biết, chưa kể giá cả vật tư cao bất thường, tiến độ cung cấp turbine gió bị ảnh hưởng khi nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ, hoạt động vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng và xuất nhập cảnh của chuyên gia, nhân lực kỹ thuật cao đều gặp khó do giãn cách xã hội…

“Điều kiện cấp phép chặt chẽ cho người lao động nước ngoài theo quy định đã làm kéo dài thời gian chuẩn bị hồ sơ để đưa các chuyên gia và kỹ thuật viên nước ngoài vào Việt Nam (trung bình khoảng 70 - 80 ngày). Ngoài ra, tiến độ xử lý hồ sơ xin cấp phép của các Sở LĐ-TB&XH tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội thường bị kéo dài hơn quy định. Có trường hợp, chuyên gia nước ngoài đã phải đợi tới hơn 3 tháng sau khi hoàn thiện thủ tục mà vẫn chưa nhận được giấy phép lao động”, GWEC cho hay.

Cách nào gỡ khó?

img

Thi công một dự án điện gió

Trước bối cảnh trên, GWEC đề xuất Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đủ điều kiện thêm 6 tháng, đến hết ngày 30/4/2022.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công thương cho biết, các dự án xây dựng dở dang nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không kịp vận hành trước ngày 31/10 sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp nhưng cũng không áp dụng giá FIT.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý số dự án này trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy... để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện, nhằm xác định giá.

Chia sẻ thêm, một chuyên gia chính sách thuộc Bộ Công thương cho hay, nếu đề xuất trên được phê duyệt thì việc thương thảo giá điện gió sẽ được thực hiện theo như Thông tư 57 quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.

Cụ thể, các dự án điện gió sẽ thực hiện như một hợp đồng mua bán điện bình thường theo khung giá Bộ Công thương xây dựng, giống như dự án điện than; còn EVN có thể ủy quyền cho các đơn vị ngành điện theo quy mô công suất để thực hiện mua điện từ các dự án điện gió.

“Dù thủ tục cho các dự án điện gió chậm tiến độ khi tham gia thương thảo giá sẽ phức tạp hơn nhưng họ vẫn có “hướng đi” chứ không phải họ xây dựng xong mà không bán được điện thì bỏ cả dự án, dẫn đến phá sản”, vị này chia sẻ.

Tuy nhiên, một chuyên gia năng lượng khác cho rằng, dù được hiểu là có “hướng đi” nhưng không hề dễ dàng khi quan điểm chỉ đạo của Quy hoạch điện VIII là “cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào”.

“Điều này đồng nghĩa, sẽ hạn chế việc truyền tải điện từ miền Trung và miền Nam ra Bắc. Như vậy, với thực trạng, nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Trung và miền Nam đang bị cắt giảm mạnh do đã và đang ứ thừa ở một số thời điểm, nỗi lo lắng của các nhà đầu tư điện gió là hiện hữu nếu không kịp thời gian hưởng giá FIT”, vị này phân tích.

Theo quy định, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng/kWh). Giá này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.