Bất động sản

Nhà ở xã hội, điểm sáng thanh khoản của thị trường bất động sản 2023

27/12/2022, 14:30

Nhiều địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia bất động sản kỳ vọng đây là điểm sáng thanh khoản của thị trường năm 2023.

Người dân kỳ vọng tiếp cận được nhà giá rẻ

Đã gần chục năm làm công nhân tại Hà Nội, Chị Nguyễn Thu Oanh (Bắc Giang) vẫn chưa thực hiện được ước mơ mua được một căn hộ để an cư.

Chị Oanh cho biết, với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, trừ chi phí tiền phòng, điện, nước, ăn uống, nuôi con và một số sinh hoạt cá nhân khác, số tiền tiết kiệm còn lại không được bao nhiêu.

img

Dự án nhà ở xã hội được các chuyên gia nhận định là điểm sáng thanh khoản của thị trường năm 2023

Thực tế, không chỉ chị Oanh mà đa số công nhân lao động hiện nay không dám mơ tưởng đến việc mua nhà ở xã hội. Bởi, nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, không đa dạng, mức giá phổ biến khoảng 16-30 triệu đồng/m2.

Theo thống kê, cả nước hiện có 7 triệu lao động cần an cư, nhưng số lượng nhà ở mới đáp ứng 30% nhu cầu.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã vào cuộc, xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giá rẻ, trong đó có TP.Hà Nội và TP.HCM.

Theo thống kê của Hà Nội, tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội giai đoạn sau năm 2020 cần đầu tư xây dựng mới khoảng 6,8 triệu m2 sàn. Do đó, Hà Nội lập kế hoạch, đến năm 2025, phát triển 1,25 triệu m2 nhà ở xã hội. Dự kiến năm 2022 đạt 257.000m2 sàn nhà ở; năm 2023 đạt 32.900m2 sàn nhà ở; năm 2024 đạt 361.700m2 sàn nhà ở; năm 2025 đạt 475.200m2 sàn nhà ở…

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ chủ động nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện nghị quyết số 11/NQ-CP, tổ công tác liên ngành tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bộ Xây dựng phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ.

Tương tự, TP.HCM cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ nhằm góp phần an cư cho người lao động, và trước mắt từ nay cho đến năm 2025 sẽ xây dựng được hơn 35.000 căn nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.

Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn với tổng diện tích khoảng 22,71 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Nổi bật là việc nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Thời gian qua, cũng đã có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản tham gia phát triển nhà ở xã hội. Với những tín hiệu tích cực, người dân kỳ vọng sớm tiếp cận được căn hộ mơ ước của mình.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, ông hy vọng với sự quyết tâm, sự bắt tay vào cuộc tương đối mạnh mẽ của Chính phủ, của các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, phân khúc này sẽ có sự khởi sắc không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.

Hướng tới trong năm 2023 - 2024, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ sẽ được gia tăng, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản, giảm bớt tình trạng chênh lệch cung - cầu, giúp phần lớn người dân đô thị chạm tới được giấc mơ an cư.

Điểm sáng thanh khoản thị trường bất động sản 2023

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, điểm sáng trong năm 2023 là sự vào cuộc doanh nghiệp lớn triển khai nhà ở xã hội với quy mô hàng trăm ha.

Ông Thanh dự đoán, sẽ có lượng hàng lớn sản phẩm NOXH sẽ được hấp thụ nhanh chóng. Đây sẽ là chìa khoá để giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn mà phân khúc này phải đối mặt như: Phê duyệt dự án rườm rà, nhiều thủ tục, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn (giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu)...

Do đó, để tiến tới được mục tiêu, nhà nước sớm cần có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ như: Nhà nước cần đưa ra các chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, tạo cơ chế đặc thù để tiếp cận nguyên nhiên vật liệu đầu vào với mức giá hợp lý, có được quỹ đất sạch và những cách thức để giảm chi phí xây dựng mà chất lượng vẫn đảm bảo tuyệt đối.

Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi tư duy của doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng. Cần hiểu tầm quan trọng của công trình và không có sự phân biệt về chất lượng xây dựng công trình của nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, không có tư tưởng làm cho xong. Vì nếu chỉ làm cho xong, chất lượng không đảm bảo, dự án không được bán, sẽ gây lãng phí rất nhiều.

Đồng thời, nhà nước cũng cần nghiên cứu, tăng số lượng căn hộ diện tích nhỏ (25 - 45m2), phù hợp với hộ gia đình nhỏ 1-2 người. Bởi, so với các khu nhà trọ, về cơ bản, căn hộ 25m2 vẫn lớn hơn và đáp ứng được điều kiện sống tốt hơn cho người dân. Họ sẽ được ở căn hộ của mình thay vì ở những căn nhà nhỏ lụp xụp. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, hạ tầng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.