Bất động sản

Nhà thầu vẫn điêu đứng vì giá vật liệu chưa “hạ nhiệt”

31/05/2021, 16:43

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép tăng quá cao đã khiến khiến các nhà thầu xây dựng lao đao.

img

Nhà anh Hiếu đang xây dựng dở thì hết tiền, buộc phải dừng lại giữa chừng do giá vật liệu tăng cao

Trước tình hình trên, giữa tháng 5 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan có các giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, đến nay, dù không còn tăng phi mã như trước nhưng giá vật liệu xây dựng vẫn neo ở mức cao (tăng từ 30- 60% so với thời điểm cuối năm 2020).

Vỡ kế hoạch vì giá vật liệu tăng chóng mặt

Anh Nguyễn Tấn Đức, Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ, ngôi nhà cấp bốn của bố mẹ anh để lại đã ngót 20 năm. Thời gian gần đây, nhà xuống cấp trầm trọng nên hai vợ chồng quyết định vay mượn tiền để xây dựng, chỉnh trang lại.

Tháng 12/2020, gia đình anh đã ký hợp đồng thuê thầu xây dựng với Công ty TNHH Nam An với giá trọn gói 4,8 triệu đồng/m2. Tổng giá trị hợp đồng hơn 900 triệu đồng, anh đã đặt cọc 200 triệu đồng, số tiền còn lại thanh toán theo tiến độ. Nếu giá trị có biến động trên 3%, hai bên sẽ tính toán lại cho phù hợp. Thời gian thi công dự kiến vào 24/3.

Tuy nhiên, đầu tháng 3, đại diện Công ty TNHH Nam An thông báo giá xây dựng tăng lên 6,4 triệu đồng/m2, tổng giá trị hợp đồng phát sinh tăng hơn 300 triệu đồng, lên gần 1,2 tỷ đồng.

Do không thoả thuận được về giá cả, hai bên quyết định thanh lý hợp đồng. “Hai vợ chồng tôi làm nông nghiệp, không có tiền. Giờ phát sinh thêm 300 triệu đồng nữa không biết xoay xở vào đâu”, anh Đức lý giải việc buộc phải dừng hợp đồng với nhà thầu xây dựng.

Nằm cuối trục chính dẫn vào làng Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, ngôi nhà 3 tầng của anh Trần Văn Hiếu chưa kịp trát, trông giống như khối gạch chỉ xếp cao cả chục mét.

Bên trong, chưa một hạng mục nội thất nào được hoàn thiện. Anh Hiếu chia sẻ, hai vợ chồng đều làm xây dựng, tích góp và mượn gom khắp nơi được 850 triệu đồng để xây nhà. Nhưng không ngờ, vừa đặt móng xong thì giá vật liệu tăng, “nhảy múa” liên tục khiến vợ chồng anh quay cuồng, vừa chồng xong gạch mộc thì hết tiền, tất cả mọi việc đành tạm gác lại.

Nguyên vật liệu tăng giá chóng mặt không chỉ tác động đến hoạt động xây dựng công trình dân dụng, mà kể cả những nhà thầu chuyên nghiệp cũng rơi vào tình trạng thua lỗ.

Ông Phan Văn Lợi, Chủ tịch Công ty Xây dựng Lam Sơn cho biết, chỉ trong 5-6 tháng đầu năm, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, đặc biệt là thép, bê tông. Cụ thể, giá sắt xây dựng D20 cuối năm 2020 chỉ khoảng trên dưới 83.000 đồng/cây thì giờ tăng lên 135.000/cây (tăng 62%).

Ông Lợi cho biết, những hợp đồng đã ký trước đó rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng. Hiện nay, giá vật liệu đã chững lại nhưng vẫn cao hơn 40-60% so với những ngày cuối năm 2020 và chưa có dấu hiệu ổn định, có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Với tình cảnh này, doanh nghiệp của ông hiện cũng không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì thua, bỏ giá thấp thì có nguy cơ thua lỗ.

Nhà thầu tiến thoái lưỡng nan

Theo anh Nguyễn Hải Lăng, một kỹ sư xây dựng dân dụng, ở mỗi vị trí, mỗi tỉnh đều có đặc thù khác nhau nên giá xây dựng ở mỗi nơi khác nhau.

Nhưng nhìn chung, thép cây tròn chiếm khoảng 10-20% tổng chi phí xây dựng một công trình xây dựng. Với nhà xưởng, sắt thép chiếm tới 25-30%. Như vậy chỉ tính riêng việc thép tăng giá thôi đã thấy nhà thầu lỗ khoảng 15-20% so với giá trúng thầu, chưa nói đến các khoản tăng khác.

Anh Lăng chia sẻ, nếu như trước đây một công trình nhận thầu khoảng 100 tỷ đồng thì nay phải lên tới 130 tỷ đồng mới dám nhận. Trong khi đối với ngành xây dựng, tỉ lệ lợi nhuận của những nhà thầu quy mô vừa ở mức 5-6%.

Trong khi đó, một chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cho biết, đối với các hợp đồng ký mới, hoặc hợp đồng có thoả thuận điều chỉnh về giá khi có biến động vượt mức thoả thuận thì chắc chắn sẽ có điều chỉnh.

Còn đối với những hợp đồng trọn gói, cố định hay những gói nhận được thông qua hình thức đấu thầu thì rất khó điều chỉnh bởi giá nhà bán ra, giá nhận thầu đã ký cố định với các bên.

“Do đó, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng có những giải pháp tháo gỡ giúp ổn định giá vật liệu xây dựng, dự báo chính xác biến động về giá, nguồn hàng để doanh nghiệp chủ động giải pháp dự trữ, đảm bảo hoạt động sản xuất nói chung và việc làm cho công nhân nói riêng”, chủ đầu tư kiến nghị.

Vừa qua, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp bách mà Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Công nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường và sản xuất của ngành thép, kịp thời báo cáo để tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất thép; yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường làm tốt công tác kiểm soát thị trường thép, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá…

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá thép thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm là do quan hệ cung - cầu.

“Ngoài ra còn là tâm lý muốn giữ giá của các doanh nghiệp cung cấp thép trong vai trò bên bán, họ chưa chịu giảm cho đến khi bắt buộc phải giảm. Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Công thương đã làm việc với doanh nghiệp và Hiệp hội Thép, đưa ra một số giải pháp trong đó có những giải pháp tác động đến cung cầu nhằm hạ “nhiệt” giá thép trên thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp đó mới được đưa ra chưa lâu, cần có thời gian, chưa thể mong có tác động ngay được”, ông Long nói.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa có văn bản yêu cầu các Sở xây dựng địa phương phải theo dõi cập nhật thường xuyên biến động giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước, các dự án PPP...

Từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.