Chuyện dọc đường

Nhất cử đa tiện

30/03/2017, 06:03

Mô hình tổ chức, điều hành xe khách tuyến cố định như xe buýt nếu làm được là đa lợi ích

2

Tổ chức cho xe tuyến cố định chạy theo một giờ cố định như xe buýt hiện nay sẽ không còn tình trạng chạy lòng vòng, chèn ép, chạy “rùa” bắt khách - Ảnh: Tạ Tôn

Quan điểm của tôi về mô hình tổ chức, điều hành xe khách tuyến cố định như xe buýt nếu làm được là đa lợi ích. Việc này vừa giúp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vừa hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông mà các thành phố lớn đang đeo đuổi.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay khi triển khai là vẫn còn tình trạng xe bắt khách dọc đường, giờ xuất bến tại các bến xe hiện nay còn nhiều bất cập. Có tuyến thì 10 phút/chuyến, có tuyến 15 phút, nên việc “tháo tung” biểu đồ xe chạy này cần cách làm thận trọng, khoa học. Điều nữa là từng tỉnh, từng tuyến đường lượng khách nhiều ít khác nhau nên việc xác định tần suất xe chạy của từng tỉnh cần được điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Một điểm nữa cần lưu ý là việc tổ chức, điều hành vận tải, quy mô DN còn nhỏ lẻ, manh mún. Nói là đơn vị vận tải nhưng không phải là do đơn vị quản lý theo hình thức tập trung mà chỉ là chỉ là hình thức quản lý là các hợp tác xã vận tải. Muốn chuyển theo mô hình tổ chức xe buýt cần quản lý chặt chẽ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh xe buýt.

Để thực hiện thành công cần bắt đầu từ gốc, hay nói cách khác là phải bắt đầu từ chính DN vận tải. Ngoài việc tổ chức chạy xe theo tần suất, điều quan trọng là cần nâng cao trình độ quản lý, điều hành của DN vận tải lên một chuẩn mực nhất định. DN vận tải phải xây dựng vững mạnh, có năng lực quản lý điều hành, năng lực về tài chính.

Theo tôi, nếu muốn hoạt động vận tải hành khách ổn định cần xây dựng theo mô hình này. Tuy nhiên, trước mắt nên tổ chức theo hình thức này đối với các tuyến huyện lên trung tâm thành phố của tỉnh, sau đó từ một tỉnh mới tổ chức xe buýt liên tỉnh để giảm bớt mật độ giao thông, giảm bớt tranh giành khách trên các tuyến đường. Ví dụ, như từ huyện Kiến Xương lên TP Thái Bình là 30km, sẽ tổ chức tốt để hành khách đi xe buýt từ huyện lên thành phố, sau đó mới từ thành phố của tỉnh đi Hà Nội sẽ hợp lý.

Bấy lâu nay DN vận tải sống chủ yếu nhờ hành khách quen, mỗi xe có cách “kiếm ăn” riêng, quen đường, quen khách, luồn lách trên nhiều tuyến đường để bắt khách, nay phải điều tiết lại giờ xe chạy nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ khó thực hiện. Tất nhiên, mọi sự thay đổi đều phải có xáo trộn, ảnh hưởng nhất định, nhưng DN phải đặt lợi ích của người dân, của xã hội lên trên quyền lợi của DN. Theo tôi, để thực hiện thành công, cả cơ quan chức năng và bản thân các DN phải thật sự tâm huyết và phải có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, bài bản. 

Bùi Danh Liên
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.