Xã hội

Nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí đưa người lao động quay trở lại

11/11/2021, 09:20

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động kết nối để giúp người dân quay lại làm việc, với sự phối hợp của doanh nghiệp.

Sáng nay (11/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 50 phút đăng đàn còn lại của Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Cùng giải trình thêm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Giải trình thêm về làn sóng người lao động rời TP.HCM và các tỉnh phía Nam về các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết cần xác định 1,3 triệu lao động đã rời đi gồm những đối tượng nào.img

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Mở lại trường học còn để giải quyết vấn đề lao động

Ngoài những lao động làm việc trong các doanh nghiệp lớn, có hợp đồng ổn định, Phó Thủ tướng lưu ý phải đặc biệt quan tâm đến những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, người lao động tự do.

Phó Thủ tướng cho rằng, phải kiểm soát tốt dịch với kế hoạch cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, ông Đam cho rằng, cần mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ. Việc mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động.

Phó Thủ tướng cho biết tới đây Trung ương cần rà soát tất cả quy định về phòng chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

"Việc này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải lo cho công nhân chứ đừng đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền", ông Đam nói.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương cần chủ động kết nối để giúp người dân quay lại làm việc, bằng cách hỗ trợ đưa đón, chủ động cung cấp thông tin hoặc tiêm vaccine cho người lao động. Ông cho biết nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí ra đưa người lao động quay trở lại.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét phối hợp với các địa phương có gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc và với người nhà đi theo, như vậy người lao động mới có thể yên tâm làm việc.

Về lâu dài, ông nhấn mạnh phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, từ bỏ dần lao động giá rẻ để đi vào chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn.

Sẽ có 80 trường nghề chất lượng cao

Trả lời đại biểu Vũ Tiến Lộc về giải pháp tạo đột phá để đào tạo nghề ngang bằng với các nước ASEAN, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, 55 triệu người, nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán.

Thứ nhất là chăm lo, nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung, nhất là trong điều kiện 65% lực lượng lao động đã qua đào tạo nhưng chỉ 24,5% có chứng chỉ bằng cấp, so với mặt bằng chung của các nước ASEAN thì tương đối thấp.

Thứ hai, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thay đổi bản chất của công việc. Dự báo của Tổ chức lao động quốc tế, trong 5 năm tới có 1/3 công việc sẽ thay đổi ở Việt Nam. 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới nếu kỹ năng lao động không được nâng lên.

Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu hết 2025 có khoảng 30-35% lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến 2030 phấn đấu 40-45%. Đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Vì vậy, Bộ dự tính đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới, thông qua doanh nghiệp là chính, thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nói chung.

Chính phủ có chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp các nước ASEAN và G20, trọng tâm là đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ đã cho phép hình thành khoảng 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này.

Thủ tướng cũng đồng ý thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành, có chức năng dẫn dắt và đào tạo nghề trong tương lại, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam đang thiếu chất lượng cao; thành lập 3 trung tâm vùng ở miền Bắc, Trung, Nam. Đào tạo nghề tiếp tục theo hướng mở, liên thông, linh hoạt, bao trùm, gắn học tập với nâng cao tay nghề suốt đời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.