Y tế

Nhiều người mua thuốc Molnupiravir trên mạng giá cao, BS khuyến cáo gì?

20/12/2021, 14:27

Dù biết giá cắt cổ, và thật giả khó lường, nhưng vì tính mạng người thân, nhiều người vẫn phải bấm bụng mua thuốc đặc trị Molnupiravir.

Biết "cắt cổ" vẫn cố mua

Một tuần trở lại đây, dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Tây vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tại Cà Mau, có ngày đã ghi nhận hơn 1.300 F0, còn tại TP Cần Thơ, mỗi ngày cũng ghi nhận 700-800 ca nhiễm mới.

img

Số lượng F0 tăng cao đã khiến thuốc đặc trị khan hiếm.

Các tuyến điều trị quá tải, đồng nghĩa với lượng F0 điều trị tại nhà đang tăng lên chóng mặt, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc. Trong khi thuốc kháng virur Molnupiravir, vốn được kiểm soát đặc biệt, chưa được bán ra thị trường và được phát miễn phí cho F0; thì loại thuốc này lại được rao bán tràn lan trên mạng.

Anh L.T.G. (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, khoảng nửa tháng trước, cha mẹ anh bị mắc Covid-19 và được điều trị tại nhà. Những ngày đầu, cha mẹ anh uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, vitamin… thông thường, nhưng bệnh không tiến triển tốt, cần chuyển qua uống thuốc đặc trị Molnupiravir. Tuy nhiên, khi liên hệ nhân viên y tế thì được báo hết thuốc do các nơi đều quá tải.

Sau đó, anh G. lên mạng Zalo tìm mua và được 1 người giới thiệu bán 1 hộp thuốc Molnupiravir 200mg/40 viên với giá 8,6 triệu đồng.

“Lo sợ cha mẹ có chuyện nên tôi bấm bụng mua, dù biết giá cắt cổ. Chuyển khoản xong, mấy ngày sau, có shipper giao thuốc tận nhà, còn người bán không biết ở đâu. Cũng may, thuốc này uống hiệu quả. Khoảng 1 tuần sau, che mẹ tôi đã khỏi bệnh, xét nghiệm cho kết quả âm tính”, anh G. nói.

Ghi nhận tại tỉnh Cà Mau, Rất nhiều F0 điều trị tại nhà có dấu hiệu sốt kéo dài nhiều ngày. Qua tư vấn, bác sĩ cho biết phải chuyển qua gói thuốc B, trong đó, có thuốc kháng virus Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg; tuy nhiên loại thuốc này gần như cạn kiệt.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Quốc Việt ký văn bản khẩn gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh thuốc kháng vius: Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) và Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị.

img

img

Thuốc Molnupiravir được rao bán với giá 8,6 triệu đồng/hộp.

Chị T. (ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có mẹ bị F0 điều trị tại nhà. Trong ngày hôm qua, bệnh tình chuyển nặng, chỉ số Spo2 đo được 92, nên phải chuyển vào bệnh viện điều trị.

“Sáng nay, tôi lên mạng tìm mua thuốc, họ bán thuốc 1 hộp Molnupiravir 200mg lên tới 15 triệu đồng. Ban đầu tôi cũng tính bấm bụng mua đại, vì sức khỏe và tính mạng là trên hết. Nhưng suy nghĩ lại, sợ đây là hàng giả, uống vô rồi lỡ có chuyện gì thì không biết làm sao. Giờ chỉ biết trông cậy vào bác sĩ điều trị và phó mặc cho trời”, chị kể.

Coi chừng "tiền mất tật mang"

Lãnh đạo một bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 tuyến cuối (bệnh nặng) ở Cần Thơ cho biết: “Tình trạng khan hiếm thuốc Molnupiravir đã diễn ra nhiều ngày nay, do số lượng F0 liên tục tăng cao. Ngay cả cán bộ, nhân viên của bệnh viện bị nhiễm Covid-19 cũng không có thuốc để uống. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua thuốc trên mạng, vì thật giả khó lường, tránh bị tiền mất tật mang, nghiêm trọng hơn là nguy hiểm đến sức khỏe”.

Trong vai 1 F0 đang điều trị tại nhà, phóng viên lên mạng gõ “mua thuốc điều trị Covid-19” trên thanh tìm kiếm Facebook, Zalo và lập tức xuất hiện hàng chục kết quả hội, nhóm kín, nhóm công khai mua, bán các thuốc điều trị bệnh Covid-19 như: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir của Mỹ, Nga, Đức đến Ấn Độ, Bangladesh…

Trong đó, được tìm mua và rao bán nhiều nhất là thuốc Molnupiravir của Ấn Độ. Tùy theo loại, sẽ có giá từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/hộp.

Khi người mua thắc mắc, liệu thuốc bán có giống loại Molnupiravir đang được Bộ Y tế cấp phát để điều trị cho F0 hay không; thì người bán đều cam đoan tất cả đều là thuốc xịn, được nhập khẩu vào Việt Nam.

“Một số kẻ bán yêu cầu phải chuyển tiền trước thì mới giao thuốc, nên độ rủi ro bị lừa đảo rất cao. Tuy nhiên, không ai muốn bản thân hoặc người thân gia đình có chuyện nên đành phải mua, thậm chí là đi vay mượn. Tôi không hiểu tại sao, thuốc này được phát miễn phí để điều trị, nhưng lại có hàng tuồn ra bên ngoài bán giá cắt cổ như vậy”, anh V.H.P. (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bức xúc.

Vừa qua, tại TP.HCM đã xuất hiện tình trạng lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19 cùng tình trạng thiếu hụt "túi thuốc C", một số người trên địa bàn đã rao bán trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến các loại thuốc có dược chất Molnupiravir.

Trước tình trạng trên, ngày 7/12 vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.

Theo Cục Quản lý Dược, việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Qua đó, đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.