Thế giới giao thông

Nhiều nước phạt tù người đi bộ sai luật

02/03/2016, 18:12

Ở Mỹ, rất nhiều bang phạt nặng đối với người đi bộ không đúng quy định.

Nhiều người ngỡ ngành khi bị cảnh sát b
Dù các quy định xử phạt được áp dụng từ lâu, nhiều người vẫn ngỡ ngàng, thậm chí bực bội khi bị cảnh sát lập biên bản

Tỷ lệ tử vong cao đối với người đi bộ sai luật dẫn đến TNGT khiến nhiều nước đã có quy định xử phạt người đi bộ dù trước đó trong suy nghĩ của dân chúng luôn có tư tưởng bao biện: Đi bộ thì ảnh hưởng gì tới giao thông?

Phạt nặng, vẫn lơ ngơ

Tại Sydney (Australia), ba năm kể từ khi áp dụng quy định phạt người đi bộ, đã có hơn 10.000 người phải nộp phạt. Tuy nhiên, theo cảnh sát New South Wales (NSW), đến nay, vẫn tồn tại văn hóa đi bộ vô cùng nguy hiểm, thản nhiên đi qua ngã ba, ngã tư và không quan tâm tới tín hiệu dành cho người đi bộ. Thống kê của cảnh sát cho thấy: Mỗi năm, có khoảng 50 người đi bộ mất mạng tại NSW - riêng năm 2014 là 59 người.

Chánh Thanh tra đơn vị Tuần tra đường cao tốc và CSGT NSW Phillip Brooks cảnh báo: “Các bạn hãy nhìn vào con số thương vong để hiểu vì sao cảnh sát lại thực hiện chiến dịch này. Không giống như các chiến dịch ATGT đường bộ khác, đây là chiến dịch để thay đổi hành vi người tham gia giao thông”.

Tác nghiệp tại một chốt CSGT, phóng viên Sydney Morning Hearalds ghi nhận rất nhiều trường hợp người dân và khách du lịch tỏ thái độ bực bội khi bị cảnh sát giữ lại, yêu cầu nộp phạt vì sang đường bất chấp tín hiệu. Có trường hợp: Một người tên Paul Prucha lớn tiếng doạ kiện vụ xử phạt này ra toà mặc dù bản thân anh chưa biết luật pháp có quy định phạt người đi bộ hay không. Một khách du lịch người Anh, 23 tuổi khăng khăng mình đúng khi vượt đường lúc tín hiệu dành cho người đi bộ màu đỏ. Lúc bị bắt, người này cãi: “Thật vô lý. Tại Anh, không bao giờ có chuyện như thế này. Chúng tôi không đời nào nộp tiền phạt”.

Chủ tịch Hội đồng Người đi bộ tại NSW, ông Harold Scruby ca ngợi đây là chiến dịch nhằm thay đổi hành vi người đi bộ. “Họ đã đúng, đây là vấn đề hoàn toàn bị mọi người bỏ lơ”. Thậm chí, ông kêu gọi, tăng mức phạt từ 71 USD lên 200 USD.

Tại Philippines, từ cách đây nhiều năm, nước này đã áp dụng mức phạt 200 peso (hơn 90.000 VND) đối với người đi bộ tại vùng đô thị Manila (Metro Manila) vi phạm quy định. Sau nhiều năm áp dụng, người dân vẫn bỏ lơ quy định này. Đến năm 2014, tình trạng người đi bộ bị thương và thiệt mạng do tham gia giao thông cẩu thả tăng cao buộc Hội đồng Metro Manila họp và thống nhất tăng mức phạt lên 500 peso hoặc lao động công ích trong 3 giờ đồng hồ.

Phạt tới 15 triệu VND và 3 tháng tù giam

Nhiều nước trên thế giới sử dụng một cụm từ riêng để gọi việc người đi bộ tham gia giao thông không đúng quy định, sang đường bừa bãi là “jaywalking”. Từ châu Á, Singapore là nước phạt mạnh tay nhất đối với người đi bộ sang đường không đúng quy định. Với lần vi phạm đầu tiên, người đi bộ bị phạt 20 SGD (hơn 300.000 VND); Nếu tái phạm sẽ bị phạt lên tới 1.000 SGD (hơn 15 triệu VND) và phạt tù 3 tháng.

Ở Mỹ, rất nhiều bang phạt nặng đối với người đi bộ không đúng quy định. Riêng ở California, tuỳ theo mức độ vi phạm, người đi bộ có thể bị phạt từ 95 USD (2,1 triệu VND) đến 695 USD (hơn 15 triệu VND). Tuy nhiên, thông thường là ở mức 198 USD. Thậm chí, người đi bộ tại bang này còn có thể bị bắt giữ (dù rất hiếm) nếu họ đang chịu một án phạt khác, tái phạm nhiều lần, chống đối cảnh sát thi hành công vụ. Trường hợp người đi bộ sai làn đường gây ra TNGT có thể bị bắt giam hoặc bị quy kết tội hình sự.

Tại New Zealand lại quy định mức phạt theo độ tuổi đối với người đi bộ không sang đường đúng phần vạch kẻ quy định hoặc sang đường lúc đèn đỏ. Với trẻ em, mức phạt có thể lên tới 35 đô la New Zealand (hơn 500.000 VND); trong khi, với người lớn, mức phạt có thể lên tới 45 đô la New Zealand (655.000 VND).

Hơn 270.000 người đi bộ thiệt mạng mỗi năm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 270.000 người đi bộ thiệt mạng vì TNGT. Giám đốc Cơ quan Phòng chống thương tích, bạo lực và thương tật của WHO, Giáo sư Etienne Krug cho biết: “Trước hết, phải kiểm soát tốc độ, kiểm soát việc uống rượu, bia.

Cần phải có hạ tầng tốt hơn cho người đi bộ, như các làn đường riêng, các nút giao nhau, các lối đi an toàn cho người sang đường. Đó là những yếu tố quan trọng đối với người đi bộ. Tất nhiên, những người đi bộ cũng cần phải tôn trọng Luật Giao thông như không uống rượu bia, không sang đường ở những vị trí không phù hợp...”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.