Đô thị

Nhiều phương án giải tỏa ùn tắc cửa ngõ TP.HCM dịp Tết

04/02/2021, 07:02

Tết này, ngành chức năng đã có phương án gì đối với các tuyến đường ra vào thành phố Hồ Chí Minh để người dân đi lại thuận tiện?

img

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc tại nút giao An Phú khiến dòng phương tiện từ cao tốc không thoát ra được

Ùn tắc tại các cửa ngõ TP HCM dịp lễ, Tết luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tết này, ngành chức năng đã có phương án gì đối với các tuyến đường ra vào thành phố để người dân đi lại thuận tiện?

Điểm mặt, chỉ tên những điểm ùn tắc

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng cục QLĐB 4 cho biết, dự báo trong dịp Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu đi lại bằng đường bộ, vận chuyển hàng hoá tại khu vực phía Nam tăng từ 130 - 150%. Một số tuyến có thể tăng đến 200% như: Cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành.

Theo ông Thành, các tuyến giao thông quanh các vùng kết nối với TP HCM đã được cải thiện đáng kể. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thông xe 1 chiều trước Tết sẽ giải phóng nhanh lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, cửa ngõ phía Tây TP HCM. Tuyến QL1 có 4 cầu hẹp đã được nâng cấp mở rộng, thuận tiện cho những xe khách quay vòng nhanh trước Tết để giải toả khách tại bến xe Miền Tây.

“Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thông xe, nhiều người sẽ chọn đường N2 về Long Xuyên, Rạch Giá cũng góp phần chia sẻ lưu lượng cho QL1. Cửa ngõ phía Tây Bắc hướng lên Tây Ninh, hầm chui An Sương đã đưa vào khai thác, góp phần giải toả điểm nghẽn về giao thông bấy lâu nay”, ông Thành thông tin.

Tuy vậy, lãnh đạo Cục QLĐB 4 cũng nhận định, một số vị trí, tuyến đường cửa ngõ TP HCM có thể là điểm ùn tắc khi lượng phương tiện tập trung quá đông, kéo theo ùn tắc dây chuyền cho cả khu vực trung tâm. Chẳng hạn, tuyến N2 từ Củ Chi về Đồng Tháp, lượng phương tiện có thể tăng lên, trong khi đường chỉ có 2 làn xe; Cao tốc TP HCM - Trung Lương không thu phí, vì vậy lưu lượng có thể tăng đột biến trong những ngay giáp Tết, chỉ cần một sự cố có thể dẫn đến kẹt xe dây chuyền và kéo dài đến cửa ngõ phía Tây TP HCM.

Ở hướng phía Bắc, tại ngã tư Dầu Giây, điểm giao giữa QL1 với QL20, cầu vượt tại đây đang dừng thi công nên có thể tạo thành điểm nghẽn. QL1 qua Bình Thuận cũng được chỉ ra những điểm như trạm BOT Sông Phan, tại vị trí Km 1770 + 734 - Km 1841 nhiều đoạn mặt đường còn hẹp, chỉ có 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, trong khi lưu lượng trên tuyến này rất đông, nếu ùn tắc sẽ làm chậm các chuyến xe quay đầu vào đón khách trước Tết.

Một điểm ngay cửa ngõ TP HCM là cầu Đồng Nai, dù trạm thu phí tại đây đã dừng, tuy nhiên khi không có lực lượng điều tiết, khả năng sẽ xảy ra ùn ứ, giao thông lộn xộn. Lo ngại nhất là cửa ngõ phía Đông theo hướng cao tốc TP HCM - Long Thành, dịp cuối năm, người dân đi Vũng Tàu, Phan Thiết rất đông. Tuyến đường này mỗi ngày có khoảng 45.000 lượt phương tiện lưu thông và sẽ tăng đột biến dịp Tết lên 57.000 lượt.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ đường cao tốc VN (VEC E) cũng chỉ ra những vị trí có thể xảy ra ùn tắc dịp Tết như tại nút giao Vành đai 2, cầu Long Thành, trạm thu phí Long Phước, trạm thu phí Dầu Giây, nhánh A&D - trạm thu phí QL51…

Điều tiết giao thông từ xa

Xác định những vị trí có khả năng ùn tắc, lực lượng chức năng TP HCM đã xây dựng những phương án điều tiết từ xa. Chẳng hạn, tại nút giao ngã tư Vũng Tàu, để hạn chế giao cắt và ưu tiên dòng phương tiện từ TP HCM ra Bắc, những xe từ phía Bắc vào sẽ không được rẽ trái ra QL51 đi Vũng Tàu mà phải chạy qua cầu vượt, vòng dưới cầu Đồng Nai để quay đầu.

Hay trên QL1 đoạn qua Bình Thuận, QL20 qua Đồng Nai, khi xảy ra ùn tắc, lực lượng của Cục QLĐB 4 sẽ phối hợp với địa phương, điều tiết phương tiện vào các đường nhánh. Tại nút giao ngã ba Dầu Giây, yêu cầu nhà thầu bố trí người để phân luồng giao thông. Trường hợp xảy ra ùn tắc, điều tiết phương tiện lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến nhánh của huyện Thống Nhất.

Trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, Đội Tuần tra kiểm soát của Cục CSGT sẽ tăng cường kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt là chạy xe vào làn dừng khẩn cấp, dừng đỗ xe, xe gắn máy lưu thông vào cao tốc. Đồng thời các lực lượng sẽ túc trực để sẵn sàng xử lý các sự cố, nhanh chóng giải toả hiện trường để đảm bảo lưu thông.

Tại các trạm thu phí BOT, đơn vị chức năng lắp đặt các mốc để xác định khoảng cách từ trạm thu phí ra phía trước khoảng 750m. Khi ùn ứ đến vị trí đó sẽ xả trạm ngay.

Trên cao tốc TP HCM - Long Thành, nếu xảy ra ùn tắc hướng từ TP HCM đi Long Thành, VEC E sẽ điều tiết để các phương tiện lưu thông trên đường Vành đai 2 không đi vào cao tốc. Các phương tiện từ Vũng Tàu về TP HCM sẽ điều tiết chạy thẳng về Ngã tư Vũng Tàu theo hướng Xa lộ Hà Nội. Các phương tiện từ TP HCM đến khu vực nhánh của trạm thu phí để ra QL51, nếu xảy ra ùn tắc, nhân viên sẽ điều tiết đi qua cầu vượt QL51, sau đó rẽ phải để đi ngược lại QL51 về Vũng Tàu.

“VEC E khuyến cáo các chủ phương tiện, tài xế khi lưu thông trên cao tốc, nếu lượng phương tiện tăng lên thì không tự ý đi vào làn khẩn cấp, chủ động giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn. Đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình giao thông trên các kênh truyền thông để có lựa chọn lộ trình phù hợp”, bà Phương nói.

Sẽ xả trạm trên QL51 nếu ùn tắc

Ông Đinh Hồng Hà, TGĐ Công ty CP Đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu thông tin: “Nếu có ùn tắc trước trạm thu phí trên QL51, chúng tôi sẽ xả trạm. Mỗi lần xả trạm đều báo cáo Chi cục 4.2 (Cục QLĐB 4) và lập biên bản về việc này. Nhà nước không hỗ trợ khoản này mà dựa theo phương án tài chính của trạm BOT là thu phí theo số liệu thu thực tế. Có nghĩa là phương án tài chính thống kê theo hệ thống phần mềm đếm xe, trạm nào cũng phải lắp đặt để Tổng cục Đường bộ VN giám sát”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.