Xã hội

Nhiều ý kiến không tán thành đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn

17/03/2023, 16:56

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đa số ý kiến trong Uỷ ban không tán thành với đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Việc để sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ

Chiều 17/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo thẩm tra.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Về cơ bản, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở theo tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật không tán thành với đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo thông tin báo chí phản ánh, nhiều ý kiến cho thấy, chính sách sở hữu nhà chung cư có thời hạn chưa nhận được sự đồng thuận, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, dễ dẫn đến xu hướng mua đất, thay vì mua nhà; phân lô, bán nền khiến giá đất tăng cao; cản trở chính sách phát triển nhà chung cư nhất là các khu vực lớn.

Ông Tùng phân tích, theo khoản 1 và khoản 2 điều 25 của dự thảo Luật quy định quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chung cư phải phá dỡ. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, thời hạn sở hữu nhà chung cư không được xác lập cụ thể, cùng với việc xác lập quyền sở hữu mà được xác định theo quyết định hành chính của cơ quan quản lý ở các thời điểm khác nhau.

Thảo luận tại cuộc họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định:

Dự thảo luật sở hữu nhà chung cư có thời hạn còn chưa chặt chẽ, gây mâu thuẫn, ảnh hưởng quá nhiều tới các thành phố lớn như Hà Nội. TP. HCM.

Điều này dẫn đến việc không xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… tiềm ẩn rủi ro khi mua bán nhà chung cư do không biết được tình trạng nhà chung cư, gây khó khăn trong việc xác định nhà ở, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện về quyền sở hữu nhà chung cư.

Tiếp đó, khoản 1 điều 26 của dự thảo Luật quy định chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ được tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư là chưa giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa tài sản là nhà chung cư và tài sản là quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư.

Nếu theo như vậy, quyền sở hữu tài sản chấm dứt nhưng quyền sử dụng đất vẫn còn thì chưa giải quyết được vấn đề nhà chung cư xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ nhưng người dân không muốn di dời.

Bên cạnh đó, hiện nay, không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo luật.

Do đó, đa số ý kiến đề xuất không bổ sung về chính sách sở hữu nhà chung cư có thời hạn mà giữ như hiện hành đồng thời bổ sung một số biện pháp, trình tự thủ tục cụ thể liên quan tới việc phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.

Chẳng hạn, nhà nước quyết định di dời người dân khỏi nhà chung cư không bảo đảm an toàn, không cần có sự đồng thuận của chủ sở hữu nhà chung cư đồng thời bổ sung một số hồ sơ, trình tự di dời.

Nhà chung cư thuộc diện buộc phải phá dỡ thì đã là không an toàn, gây nguy hiểm cho cư dân. Vậy tương tự Luật Đất đai hiện hành, khi việc sử dụng đất gây nguy hiểm cho con người thì nhà nước có quyền cưỡng chế. Nhà nước cần có cơ chế bồi thường hỗ trợ tái định cư thoả đáng.

Chưa thống nhất quy định người nước ngoài có được quyền sở hữu nhà đất tại Việt Nam

Liên quan đến đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này.

img

Toàn cảnh cuộc họp chiều 17/3

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.

Về đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú cho công nhân, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc quy định đối tượng “chuyên gia” (bao gồm cả chuyên gia nước ngoài) và đối tượng là “người lao động” đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú cho công nhân là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với các luật hiện hành và các dự thảo Luật đã và chuẩn bị trình Quốc hội, cụ thể là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.