Tâm sự

Nhớ Khánh Hữu, nhà thơ - nhà báo Giao thông

14/02/2015, 10:37

Càng đến cuối năm càng nhớ bạn. Bởi vì bao nhiêu năm nay rồi cứ mong được đọc bài Tết của bạn trên báo.

302
PV Khánh Hữu tác nghiệp tại Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1964

1. Tết này không được đọc bài của bạn trên báo Tết.

Càng đến cuối năm càng nhớ bạn. Bởi vì bao nhiêu năm nay rồi cứ mong được đọc bài Tết của bạn trên báo. Lúc thì trên Báo Giao thông, khi thì trên báo Văn nghệ, rồi Lao động, Tuổi trẻ, Người Hà Nội, và nhiều nhất mấy năm gần đây là trên báo Khánh Hoà... Còn năm nay, Khánh Hữu đã đi xa rồi. Vào một đêm mùa hè 2014. Và giờ thì anh đã yên nghỉ ở bờ biển đẹp nhất nước: Nha Trang.

Đó là khoảng 21h đêm 16 tháng 5 năm 2014. Tôi đang ngồi viết trong căn nhà nhỏ ở một hẻm nhỏ Sài thành, thì chợt chuông điện thoại reo nhẹ. Nhìn trên màn hình hiện rõ “Khánh Hữu - Nha Trang”, như có dự cảm, khi nghe tiếng chị Nga run run đứt quãng: “… Anh Khánh… đi rồi, anh Chánh ơi!… Mới cách đây mươi phút…” Tôi bàng hoàng. Thế là hè năm nay định ra Nha Trang thăm vợ chồng Khánh sẽ không còn được gặp bạn nữa. Lại nhớ đã thành lệ, cứ đến ngày mùng một tháng Giêng, năm nào mình cũng viết một thư tay gửi bưu điện cho Khánh. Khánh bảo: “Mình thích đọc thư viết tay hơn, nhìn nét chữ thân quen thì hình dung ra bạn. Lại đọc được cái giọng ấm áp chân tình của bạn. Mình không thích đọc thư điện tử, nó khuôn sáo khô khan thế nào…”.

2. Người phóng viên tay ngang

Phan Hữu Khánh - Khánh Hữu, là bút danh, xuất thân là một kỹ sư cầu đường. Anh theo học Khoá 6 trường Cao đẳng Giao thông công chính từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi hoà bình lập lại trên miền Bắc năm 1954, chàng thanh niên 19 tuổi vừa rời ghế trường Cao đẳng liền lăn vào sự nghiệp xây dựng cầu đường hàn gắn vết thương chiến tranh. Hình như chính trong những ngày miệt mài lao động này, vẻ đẹp của quê hương đất nước, vẻ đẹp của nghề xây dựng lại đánh thức một tiềm năng của chàng trai quê miền Cổ Đô, Sơn Tây ấy là nghiệp văn thơ. Những bài thơ đầu tay của chàng kỹ sư trẻ đã chinh phục cô thiếu nữ Hà Nội, cùng công tác ở Viện Thiết kế đường sắt: Cô Nguyễn Vũ Nga. Năm 1960, hai người làm đám cưới. Và kỷ niệm đẹp nhất của đôi vợ chồng trẻ là bài thơ Sau ngày cưới đã được Giải nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ năm đó: “Cưới em hôm trước/Hôm sau lên đường/Anh đi mở lối/Vượt Hoàng Liên Sơn… /Xa em một bước/Thêm một nhớ thương/Bản đồ Tổ quốc/Thêm một con đường…/Anh đo đường mới/Ngang dọc núi sông/Như niềm mong nhớ/Lòng em không cùng…(Trích bài thơ sau ngày cưới)

Năm 1962, Báo Giao thông ra đời, lúc đầu ra Tuần báo. Mấy anh em kỹ thuật được ông Trần Quốc Liệt (Con rể cụ Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu) gọi về làm báo: Trương Toản, Phan Hữu Khánh, Hoàng Trọng Kiệt, Phạm Văn Huy… Từ đấy Khánh gắn với nghiệp viết. Tập thơ đầu tay “Đường xanh” ra đời, cùng với những bài ký báo chí thấm đẫm tình người xây dựng trên khắp các công trường từ miền núi đến nông thôn, từ Việt Bắc đến Giới tuyến. Chiến tranh phá hoại của Mỹ cùng với lớp phóng viên của Báo Giao thông, Khánh lại lăn lộn trên những cung đường “túi bom”, lại bươn chải cùng với những đội đảm bảo giao thông, những đoàn xe đoàn thuyền… vượt bom đạn, hướng phía Nam làm nên những chiến công góp phần làm nên truyền thống.

Năm 1975, đất nước thống nhất, vợ chồng Khánh - Nga cùng chuyển nơi làm việc, rồi cùng chuyển nơi sinh sống, tìm về mảnh đất Nha Trang thơ mộng (Nga làm báo Khánh Hoà, Khánh về Hội Văn nghệ) cùng nhau xây đắp một gia đình nhà văn, nhà báo nơi mảnh đất đầy nắng và gió. Bài thơ và tập thơ gần như cuối cùng của Khánh Hữu như thể hiện rõ ràng nhất nét đặc trưng của Tâm hồn Khánh Hữu: Tập gió tươi, mà trong đó đậm nét nhất là những câu thơ: “Tự Do chân thực hết mình/Để Ta với Gió tấm tình khát khao…”.

Bây giờ thì Khánh đã nằm yên mãi ở đấy, một nơi đầy nắng và gió thì lúc nào cũng tươi mới. Nắng và gió chẳng cũ bao giờ.


Hà Nội, đêm cuối năm 2014

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.