Xã hội

Những ai được phép trở lại TP.HCM từ 1/10?

27/09/2021, 06:21

Sở GTVT TP.HCM xây dựng kế hoạch riêng cho nhóm đối tượng có nhu cầu đi lại thường xuyên liên tỉnh trong điều kiện có giãn cách xã hội.

TP.HCM đã xây dựng bộ tiêu chí và kế hoạch mở cửa trở lại từng ngành nghề để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại của người dân.

Trong đó, lĩnh vực vận tải cũng có lộ trình mở cửa, ưu tiên những đối tượng cấp thiết trước.

img

Thời gian qua Công ty Phương Trang đã phối hợp rất tốt trong việc đưa người dân từ TP.HCM về quê, sắp tới tiếp tục đưa công nhân từ các tỉnh trở lại TP.HCM

Ưu tiên người đến khám chữa bệnh

Trong kế hoạch từng bước mở cửa lại lĩnh vực vận tải, Sở GTVT TP.HCM đặc biệt ưu tiên cho những đối tượng có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa các tỉnh và TP.HCM một cách cấp thiết.

Cụ thể là những người đi khám chữa bệnh. Số lượng này dự kiến đến hàng ngàn người mỗi ngày.

Thời gian qua, khi các bệnh viện ở TP.HCM tập trung cho công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời phương tiện giao thông liên tỉnh cũng ngừng hoạt động khiến nhiều bệnh nhân ở các tỉnh không thể đến điều trị, khám bệnh định kỳ.

Chị Nguyễn Thị Bê (Long An) cho biết bị hen suyễn nên mỗi tháng phải đi khám một lần để bác sĩ theo dõi, kê thuốc. Từ khi bùng phát dịch đến nay không thể khám thường xuyên được mà chỉ gọi điện thoại để bác sĩ tư vấn.

Vì vậy khi nghe tin thành phố sắp mở cửa cho hoạt động giao thông trở lại, chị rất mừng. “Quê tôi giờ đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng tại TP.HCM vẫn theo Chỉ thị 16 nên chưa có phương tiện đi lại giữa hai địa phương”, chị Bê nói.

Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng một kế hoạch riêng cho nhóm đối tượng có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh trong điều kiện có giãn cách xã hội.

Cụ thể, người dân từ các tỉnh vào TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).

Đồng thời khi đi khám bệnh phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến bệnh viện tại TP.HCM, giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP.HCM; Hoặc người đi khám bệnh phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP.HCM, giấy này phải có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, việc lưu thông của người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay nếu có các giấy tờ phù hợp theo quy định sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi qua các chốt kiểm soát.

“Tuy vậy, hiện TP.HCM đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, khi người dân đến thành phố khám bệnh, nếu quay trở về lại địa phương đã áp dụng Chỉ thị 15 có thể phải áp dụng các biện pháp cách ly y tế theo quy định nên người dân cần cân nhắc”, ông Hà nói.

Tổ chức đón công nhân trở lại làm việc

Sở GTVT TP cũng cho biết, đối với hoạt động vận tải hàng hoá quá cảnh qua TP.HCM, chẳng hạn vận chuyển hàng từ Long An đến Đồng Nai phải đi qua nhiều tuyến đường ở TP.HCM, phương tiện phải có mã QR.

Đồng thời trong quá trình lưu thông không được dừng, đỗ phương tiện, trừ trường hợp bất khả kháng như: Phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện...

Liên quan việc vận chuyển hàng hoá, hành khách trong phạm vi TP.HCM, Sở GTVT đã xây dựng một bộ tiêu chí riêng về an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện có dịch.

Trong đó, đơn vị này sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ việc tổ chức xét nghiệm cho tài xế, nhân viên, đến quản lý an toàn trong quá trình hoạt động.

Việc giao quyền tự quản cho doanh nghiệp sẽ rất thuận tiện trong quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, theo ông N.V.B, chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách, việc này cần giám sát chặt và có chế tài xử lý nghiêm, bởi ý thức tự quản của nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự cao.

“Một số người còn lợi dụng xe luồng xanh để chở người qua các chốt kiểm soát rất nguy hiểm”, ông B nói.

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ tổ chức các đoàn để hậu kiểm, những doanh nghiệp nào không chấp hành sẽ bị xử lý theo các quy định phòng, chống dịch của thành phố.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng xây dựng kế hoạch đón công nhân, người lao động từ các địa phương trở lại TP.HCM làm việc từ sau ngày 1/10.

Trong đó, giai đoạn đầu trong tháng 10, các đơn vị, doanh nghiệp phải tổ chức phương tiện,

Sở sẽ cấp giấy có nhận diện mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức.

Xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.

Giai đoạn thứ 2 dự kiến trong tháng 11, các Ban quản lý Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển.

Sau thời gian này, Sở GTVT sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP.HCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.

Một nhóm đối tượng khác là những chuyên gia của các doanh nghiệp sống tại TP.HCM nhưng đang làm việc tại các nhà máy, công trình ở các địa phương, hoặc công nhân làm việc tại TP.HCM nhưng sống ở các tỉnh lân cận cũng rất cần thiết lưu thông khi thành phố có kế hoạch mở cửa trở lại.

Điều kiện để nhóm người này được lưu thông bình thường là đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế đủ điều kiện tham gia hoạt động; Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.