Xã hội

Những hình phạt "lạ" của CSGT Đà Nẵng

05/04/2016, 14:56

Tùy từng trường hợp mà CSGT có cách xử lý linh hoạt, nhưng vẫn phải đúng luật.

IMG_20160404_173324

Thiếu úy Huỳnh Phước Chiến, người nghĩ ra cách xử phạt độc đáo và Thanh Tuyền, cô gái ngồi chép phạt bên đường gây "bão mạng"

Dù đã có ý kiến trái chiều, song nhìn chung cách làm trên đang thực sự tạo hiệu ứng tốt, chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông và xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện.

Xử phạt “dễ thương nhưng thấm”

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xôn xao hình ảnh cô sinh viên ngồi chép phạt sau khi bị CSGT làm nhiệm vụ tại nút giao Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) phát hiện lỗi đi ngược chiều. Chiều 4/4, PV Báo Giao thông trực tiếp tìm gặp nhân vật trong ảnh - chị Phan Thị Thanh Tuyền (SN 1994, quê huyện Tây Sơn, Bình Định), sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn (quận Ngũ Hành Sơn).

Tuyền chưa hết bất ngờ kể lại: “Chiều 1/4, em cùng bạn từ chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đi về phía đường Ngũ Hành Sơn. Bọn em ít khi đi đường này nên không để ý có biển cấm đi ngược chiều. Khi bị CSGT dừng xe yêu cầu lập biên bản, tạm giữ phương tiện, tụi em sợ  “cắt không còn giọt máu”.

Không ngờ anh CSGT quay sang hỏi “có mang giấy bút không?”, bọn em đang đi chợ nên không có. Anh CSGT liền lấy giấy bút rồi yêu cầu chép 30 lần “Tôi hứa không đi ngược chiều nữa”. Theo lời anh CSGT, với người đầy đủ giấy tờ thì chép 20 lần, còn không mang theo giấy tờ thì phải chép 30 lần”.

Chị Tuyền cho biết, đã có vài lần nghe chuyện CSGT xử phạt có lý, có tình nhưng khi tận mắt chứng kiến thì rất bất ngờ. “Giờ có cho tiền em cũng không dám chạy ngược chiều nữa. Cách xử phạt dễ thương nhưng rất thấm thía”, chị Tuyền nói.

Thiếu úy Huỳnh Phước Chiến, Tổ trưởng tổ TTKS Đội CSGT, Công an quận Ngũ Hành Sơn, người nảy ra “sáng kiến” bắt chép phạt 30 lần với hai sinh viên trên thay vì xử phạt hành chính cho biết, gần 17h ngày 1/4, tổ đang xử lý nhiều trường hợp vi phạm lỗi đi ngược chiều. “Xét hoàn cảnh sinh viên ở xa đến trọ học, không rành đường nên nếu khăng khăng bắt phạt thì không nỡ. Nhưng nếu tha ngay thì các bạn sẽ không nhớ lần vi phạm này nên “chép phạt rất gần gũi với sinh viên và sẽ khiến các bạn trẻ nhớ rất kỹ. Hình thức này vừa mang tính răn đe, vừa có ý nghĩa nhân văn”, anh Chiến nói và cho biết, tập thể Đội CSGT luôn được cấp trên quán triệt xây dựng hình ảnh kỷ cương, thân thiện với người dân.

Thương hiệu CSGT Đà Nẵng

ah 3

Nữ sinh Phan Thị Thanh Tuyền

Trung tá Trần Việt Hòa, Đội trưởng Đội CSGT, Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quy định xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông có xử phạt tiền và hình thức cảnh cáo. Việc bắt chép phạt trên có thể coi là cảnh cáo. “Không phải trường hợp nào chúng tôi cũng cảnh cáo. Với những trường hợp biết nhưng cố tình vi phạm, Đội sẽ xử lý nghiêm, không dung túng”, Trung tá Hòa cho hay.

Đây không phải lần đầu tiên CSGT Đà Nẵng gây được sự chú ý với những hình thức xử phạt vi phạm giao thông lạ lẫm này. Trước đó, mạng xã hội xôn xao trường hợp một thanh niên vượt đèn đỏ tại nút giao Trần Phú - Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) bị CSGT phát hiện. Tuy nhiên, thay vì lập biên bản xử phạt VPHC, sau khi kiểm tra giấy tờ, nhận thấy sự hối cải từ người vi phạm, tổ CSGT Đà Nẵng đã yêu cầu người này chạy theo một cụ bà để mua 50 nghìn đồng kẹo singum giúp cụ. Hoàn thành “nhiệm vụ”, cậu thanh niên được tha với lời hứa không bao giờ tái phạm.

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, nhiều người cũng liên tục chia sẻ cảm giác bất ngờ khi điều khiển xe biển số “ngoại tỉnh” lưu thông trên địa bàn Đà Nẵng vô tình đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… Thay vì bị xử phạt, những trường hợp này đều được các chiến sĩ CSGT tận tình nhắc nhở, hướng dẫn đường thay vì “đè ra lập biên bản”. Nhiều người cho rằng, những cách xử lý nhân văn, thấu tình, đạt lý của CSGT Đà Nẵng thời gian qua gây hiệu ứng rất lớn.

Thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng Phòng CSGT. Công an TP Đà Nẵng cho biết, tất cả chiến sĩ CSGT đều phải thực thi pháp luật theo chỉ đạo, nhưng quan điểm chung là nhấn mạnh yếu tố tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho người tham gia giao thông, đặc biệt với du khách, người ngoại tỉnh. Tùy từng trường hợp mà CSGT có cách xử lý linh hoạt, nhưng vẫn phải đúng luật. 

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh VP Ban ATGT Đà Nẵng cũng cho biết, năm nay, Công an TP đã phát động phong trào “CSGT thân thiện, nhân văn” trên toàn  địa bàn. Đây cũng là việc làm thiết thực trong công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc CSGT Đà Nẵng “sáng tác” cách xử phạt vi phạm giao thông bằng cách cho người vi phạm viết phạt 20-30 lần là không đúng với nguyên tắc xử phạt VPHC.“Hình thức cho người vi phạm chép phạt nhiều lần xét về mặt nào đó có thể coi là nhân đạo, nhưng pháp luật phải nghiêm minh.

CSGT không được áp dụng các nguyên tắc khác với quy định của pháp luật. Nếu CSGT ở Việt Nam ai cũng làm như vậy thì sẽ làm mất đi sự nghiêm minh của pháp luật, người vi phạm dễ bị “nhờn luật”.

Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật GTĐB khá phổ biến, nên việc xử phạt phải nghiêm”, luật sư Thơm nêu quan điểm và cho rằng, hình thức xử lý cho chép phạt chỉ phù hợp với hình thức giáo dục trong nhà trường, còn đã tham gia giao thông phải chấp hành quy định của pháp luật.


Nhiều hình phạt lạ tại Mỹ

Tại Mỹ, ngoài nộp phạt hành chính do vi phạm tốc độ, Chính phủ nước này còn đề ra hình phạt lao động công ích để giảm nhẹ tiền phạt. Đây là biện pháp đặc biệt có lợi cho những đối tượng là sinh viên hoặc người thất nghiệp. Thay vì trả tiền phạt, người vi phạm có thể làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì cộng đồng.

Tiền phạt sẽ được giảm tỉ lệ nghịch với số giờ lao động công ích. Một số hoạt động cộng đồng mà người vi phạm có thể lựa chọn: Nhặt rác ở nhà người già neo đơn, dạy học ở một trường công.

Ngoài ra, khi bị bắt do vi phạm tốc độ, người vi phạm có thể lựa chọn nộp tiền cho các trường dạy lái xe. Phương án này sẽ đắt hơn chi phí nộp phạt, không mất thời gian làm công ích, nhưng bù lại người vi phạm không bị ghi vé phạt, giữ cho “tiểu sử” lái xe trong sạch, giảm chi phí bảo hiểm.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.