70 năm truyền thống ngành GTVT

Những kỷ vật vô giá về cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ

20/02/2015, 16:34

Nhà lưu niệm uy nghiêm, vững chãi, lưng dựa núi Phượng Hoàng, phía trước nhìn ra cánh đồng xanh.

171
Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ

Khơi dậy những kỷ niệm

Bà Phan Thị Gia Liên - con gái út của Thiếu tướng, cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ nhẹ bước quanh khu nhà lưu niệm đang trong quá trình hoàn thiện. Khu nhà rộng khoảng 1 nghìn m2, vững chãi dưới chân núi Phượng Hoàng, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Hôm ấy nắng đẹp, những cột gỗ, bức tường đá như khoe hết vẻ uy nghiêm, tôn kính của ngôi nhà. Tầng trên được làm bằng gỗ. Gian giữa là bàn thờ Bác Hồ, gian bên cạnh thờ cha mẹ. Tầng dưới là khu trưng bày ảnh và những kỷ vật của gia đình. Trong đó, phần nhiều là những kỷ vật về Thiếu tướng, nguyên Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Những bức ảnh quý từ những ngày đầu tướng Phan Trọng Tuệ tham gia Cách mạng. Những bức ảnh của các anh chị em trong gia đình từ hồi còn ấu thơ bên cha mẹ cho đến khi lớn. Cả nghìn bức ảnh đen trắng quý giá đều được bà Liên lưu giữ cẩn thận.

Trong số ảnh đen trắng ấy, tôi ấn tượng nhất bức ảnh tướng Phan Trọng Tuệ bên mộ mẹ ở xã Hợp Thành. Đó là năm 1951 trên đường từ Nam ra Bắc họp đại hội, không ngờ ông lại gặp mộ mẹ dọc đường. Bên cạnh đó là những bức ảnh Thiếu tướng chụp ở Hà Nội. Bà Liên kể: “Mỗi khi có thời gian rỗi một chút, cha tôi lại chụp ảnh. Ngay cả khi ở chiến trường, cha tôi thường hay mang theo bên mình máy ảnh và máy quay phim để có thể tự quay hoặc cán bộ tháp tùng quay. Hồi ông ở tuyến lửa Khu 4, quyết tâm làm một tuyến đường phá thế độc tuyến Trường Sơn, cho xe cơ giới vận chuyển cả mùa mưa và mùa khô chi viện cho chiến trường miền Nam kịp thời. Một buổi sáng, ông cùng Thứ trưởng GTVT Nguyễn Tường Lân lên đồi chụp ảnh kỷ niệm. Vừa lúc đó máy bay địch ném bom ngã ba Đồng Lộc. Tướng Phan Trọng Tuệ mang máy quay phim ra quay lại cảnh này và nói: “Thằng Mỹ có máy bay, tao có cao xạ pháo đánh cho mày lăn quay”. Đúng lúc đó, một quả tên lửa vụt lên từ phía thành phố Vinh đã bắn trúng một máy bay địch”.

Bên cạnh những bức ảnh kỷ vật vô giá ấy, bà Liên dự định sẽ trưng bày thêm những hiện vật khác như những chiếc máy ảnh của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, thoi dệt của bà nội...

172

Bà Phan Thị Gia Liên bên hai bức ảnh kỷ vật chụp các anh chị em hồi nhỏ và khi đã thành đạt

“Công của ngành Giao thông lớn lắm”

Bà Liên kể rằng khi còn sống tướng Phan Trọng Tuệ thường nói vậy. Mỗi khi đi đâu ông đều cố gắng ghi lại những khoảnh khắc của chiến trường, của những thanh niên xung phong và bộ đội thông qua những bức ảnh và những thước phim thời sự. Đến nay, những bức ảnh và thước phim ấy vẫn được lưu giữ cẩn thận ở Xưởng phim Tài liệu Việt Nam.

“Có lần tôi đã lên hỏi mượn về để sao chép lại nhưng không được. Kỷ vật phải được khơi dậy và khai thác mới có giá trị”, bà Liên nói.

Trong số những hình ảnh ấy, có rất nhiều hình ảnh thanh niên xung phong mở đường, đóng tàu mà đa phần là lực lượng của ngành GTVT.

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông hai lần làm Bộ trưởng GTVT trong  giai đoạn 1960-1974 (có thời gian kiêm luôn Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn- PV); tiếp đó giai đoạn 1976 - 1980 ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GTVT. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường đã góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện Nghị quyết 15/1/1959 của Trung ương Đảng là dùng bạo lực cách mạng giải phóng miền Nam.

Ngay như việc đóng tàu không số để chở vũ khí chi viện cho miền Nam, ngành GTVT cũng góp sức, góp của rất nhiều. Yêu cầu của loại tàu đặc biệt này là có trọng tải hàng chục tấn, động cơ mạnh, chạy được tốc độ cao, chịu được bão cấp bảy, nhưng phải giống thuyền đánh cá để tránh sự phát hiện của địch. Vì vậy, Bộ GTVT đã lo phần thiết kế máy và đóng tàu.

Để bí mật, các kỹ sư, công nhân trong xưởng Ba Son chỉ được biết là đóng loại tàu cho bộ đội để chống biệt kích và người nhái của địch. Bí mật được giữ rất nghiêm ngặt nên đến bây giờ có những kỹ sư và công nhân ngành GTVT tham gia sản xuất những con tàu đó cũng không biết mình đã vinh dự tham gia vào việc tạo con đường mòn trên biển, hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Bên cạnh đó, còn hàng nghìn thanh niên xung phong, cán bộ, kỹ sư thiết kế của ngành Giao thông đã ngã xuống khi mở đường 559, đường Trường Sơn và những con đường huyết mạch khác. Nếu không có đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, thiết kế của ngành GTVT, sẽ không có những con đường huyền thoại để chi viện cho miền Nam.

Trong câu chuyện của bà Liên, tôi chú ý đến chi tiết cây dừa quý được trồng trong khuôn viên gia đình ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Đó là cây dừa đặc biệt bởi được gửi từ Cà Mau ra. Năm đó, các chiến sỹ tàu không số đã gửi tặng Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ một quả dừa để ngụy trang trên boong tàu và làm quà. Thiếu tướng đã rất xúc động khi nhận được món quà vô giá này. Ông đã đem cây dừa về ươm ở bờ ao trong khuôn viên gia đình. Cây dừa đã cho bóng xanh mát rượi và hàng năm đơm hoa kết trái. Mãi cho đến ngày đại thắng, bà con thôn Đa Phúc mới biết rõ lai lịch của cây dừa thắm tình nghĩa Bắc - Nam ấy.

Khắc ghi lời dạy

Trong khu lưu niệm, phía sau ngôi nhà chính là khu mộ của dòng họ. Bà Liên nói với tôi vừa đưa được di cốt của cha mẹ từ Nam quy tụ về đây theo đúng ý nguyện của cha để con cháu có thể thường xuyên hương khói, chăm sóc mộ phần.

Năm nay, bà Liên đã gần 70 tuổi, nhưng những lời dạy của cha năm xưa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Bà nói, cha tôi là một vị tướng, một Tư lệnh ngành và có tâm hồn rất nhân văn. “Ông thường dạy chúng tôi phải luôn kiên trung, trong bất cứ khó khăn, gian khổ nào cũng phải luôn giữ vững niềm tin tuyệt đối vào Đảng, sống giản dị, trong sáng. Luôn kiên định lập trường, không vì bất cứ lý do gì khiến mình nhụt ý chí phấn đấu. Chúng tôi rất tự hào về bố”, bà Liên xúc động nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.