Hậu trường sao

Những ngã rẽ của ngôi sao sân cỏ Việt

24/01/2023, 16:30

Bóng đá Việt Nam có không ít tuyển thủ nổi tiếng nhưng sau khi chia tay nghiệp quần đùi áo số, nhiều người tù tội, kẻ dính thị phi.

Dường như ở họ là sự tiếc nuối, buồn bã những trận bóng trên sân cỏ như hổ “vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc”. “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”

Rời sân cỏ, kẻ tù tội - người thị phi

Trong giới cầu thủ, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia, sau khi chia tay đời cầu thủ, hầu hết họ đều chuyển sang làm công tác huấn luyện như: Nguyễn Quang Hải (của Khánh Hoà), Nguyễn Việt Thắng, Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hoàng Tiến, Dương Hồng Sơn, Thạch Bảo Khanh, Vũ Hồng Việt…

Trong đó, có nhiều người hiện nắm các đội hạng Nhất và V-League hay làm trợ lý ở các ĐTQG và cũng tạo chút tiếng tăm trong làng bóng đá.

img

Long Giang (phải) tham gia sân chơi bóng đá phong trào. Ảnh: NVCC

Nhưng cũng có những người chọn lối đi riêng. Cựu danh thủ Lê Công Vinh - người từng ghi bàn vào lưới Thái Lan giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu lên ngôi vô địch AFF Cup năm 2008 là một trong số đó.

Từ thời điểm rời CLB TP.HCM hồi giữa năm 2018, Công Vinh không tham gia các hoạt động bóng đá đỉnh cao.

Tôi hiện vẫn đang làm bóng đá cộng đồng và bóng đá học đường, nhưng chưa nghĩ đến việc sẽ quay lại bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên, tương lai sắp tới cũng chưa biết được, cứ tuỳ tình hình thực tế thôi. Tôi không muốn đi theo lối mòn là khi chia tay đời cầu thủ là sẽ chuyển sang làm HLV.
Cựu tiền đạo Công Vinh

Trên mạng xã hội, người hâm mộ vẫn bắt gặp những hình ảnh Công Vinh và vợ nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ hình ảnh nào liên quan tới trái bóng tròn.

Kể từ sau khi giải nghệ và có một thời gian ngắn làm Chủ tịch CLB TP.HCM, giờ đây người hâm mộ ít biết về cuộc sống của anh.

Thực tế, trung tâm bóng đá cộng đồng của anh vẫn hoạt động rất ổn. Vợ chồng cựu tuyển thủ này còn kết hợp với Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng để đưa bóng đá vào giảng dạy trong trường học trong thời gian qua và mọi việc tiến triển thuận lợi.

Cuối tháng 11/2022, vợ chồng Công Vinh tiếp tục mở thêm một trung tâm bóng đá cộng đồng mới ở quận 7 (TP.HCM).

Bên cạnh đó, chàng cựu tuyển thủ gốc Nghệ An còn chuyển sang tập luyện và thi đấu môn golf. Anh thậm chí được giới chuyên môn đánh giá là nằm trong top 50 tay golf nghiệp dư hàng đầu Việt Nam.

Nhưng chẳng phải cựu tuyển thủ nào cũng có tích lũy kinh tế tốt để cuộc sống sau giải nghệ thoải mái như Công Vinh. Tiêu biểu như Huỳnh Quang Thanh, người từng đứng trong đội hình vô địch AFF Cup 2008 cùng Lê Công Vinh.

Để có cuộc sống ổn hơn, Quang Thanh không theo nghiệp HLV mà về mở quán ăn tại quận 5 và quận 8 (TP.HCM) đắp đổi qua ngày. Quán ăn của Quang Thanh mang đậm khẩu vị của người Hoa, là điểm hẹn quen thuộc của anh em cầu thủ và các đội bóng đá phủi Sài Gòn.

img

Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên. Ảnh: Đỗ Tuấn

Quang Thanh chia sẻ: “Tôi từng kiếm được rất nhiều tiền lúc còn là cầu thủ, nhưng không biết giữ nên khi chia tay nghiệp quần đùi áo số phải làm lại từ đầu. Giờ lúc ra làm ăn mới biết kiếm tiền khó như thế nào, nên thật sự hối hận khi lúc trước không biết trân trọng những thứ có được”.

Giống như Huỳnh Quang Thanh, cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong, người mới thôi làm trợ lý cho CLB TP.HCM từ hồi giữa năm 2022 cũng gần như biến mất khỏi đời sống bóng đá. Trò chuyện mới hay, anh hiện tập trung lo kinh doanh quán ăn chuyên về các món ốc tại quận 3 (TP.HCM).

Quán ăn dẫu không quá lớn và do vợ của Tuấn Phong làm bếp chính, nhưng nhờ những món ăn được chế biến lạ miệng nên rất đông khách. Đặc biệt, đây cũng là điểm hẹn của giới cầu thủ, anh em nghệ sĩ và các phóng viên thể thao.

Dù vất vả đôi chút nhưng ít nhất Tuấn Phong hay Quang Thanh vẫn may mắn hơn cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam Nguyễn Thành Long Giang.

Mùa giải 2014, khi chuyển về khoác áo Đồng Nai, Long Giang dính vào vụ dàn xếp tỷ số trong trận đấu giữa Đồng Nai và Than Quảng Ninh. Kết quả, tất cả đều “xộ khám”, riêng Long Giang bị tuyên án 2 năm tù giam (được đặc xá 1 năm).

Sau khi thực hiện án tù, Long Giang không còn xuất hiện trong bất kỳ hoạt động bóng đá nào, ngay cả bạn bè cũng không biết anh có cuộc sống ra sao.

Mãi tới năm 2020, Long Giang bắt đầu sinh hoạt trở lại ở các đội bóng đá phong trào và vẫn là một ngôi sao của các “xới phủi”.

Bên cạnh đó, Long Giang đang là HLV của các trung tâm bóng đá cộng đồng tại TP.HCM, công việc chính giúp anh trang trải cuộc sống.

Ở hoàn cảnh tương tự Long Giang, cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng tham gia cá độ trong một trận đấu của Ninh Bình tại AFC Cup 2014.

Anh sau đó bị tuyên án 27 tháng tù treo và bị AFC cấm vĩnh viễn thi đấu. Đương nhiên, Mạnh Dũng cũng biến mất luôn khỏi đời sống bóng đá Việt Nam từ ngày đó.

Khát khao trở lại

img

Cựu danh thủ Tuấn Phong (phải) khi còn là trợ lý HLV tại CLB Sài Gòn. Ảnh: NVCC

Quang Thanh hay Tuấn Phong đều hài lòng với cuộc sống hiện tại và cũng chưa có ý định sẽ tái xuất. Quang Thanh cho hay, công việc kinh doanh khá bận rộn khiến anh không có thời gian nghĩ về bóng đá.

Tuấn Phong chia sẻ: “Là cầu thủ hay HLV, ai cũng muốn được làm việc đúng với sở trường và niềm đam mê của mình. Vậy nhưng có những chuyện mình muốn cũng chưa chắc được, nên cứ tuỳ theo thực tế thôi”.

Khác với ba người đồng nghiệp vừa nêu, Long Giang lẫn Mạnh Dũng đều khao khát trở lại với bóng đá nhưng mong ước này gần như không thể.

Được biết, trong năm 2022, cựu tuyển thủ Nguyễn Thành Long Giang đã viết đơn gửi đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để xin xoá án treo giò vĩnh viễn cho anh nhưng chưa nhận được hồi âm.

“Hiện tôi đã nghỉ thi đấu, nên việc xin Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xoá án kỷ luật không phải để tôi có thể quay lại thi đấu mà nhằm để có thể theo học các lớp HLV do VFF tổ chức. Đi ra huấn luyện, dẫu chỉ là bóng đá phong trào, nhưng có bằng cấp huấn luyện vẫn tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi muốn bản thân không còn bị cái án cấm thi đấu vĩnh viễn nó đeo bám và ám ảnh bản thân suốt cuộc đời”, Long Giang tâm sự.

Chàng thủ môn gốc Hải Phòng Mạnh Dũng thì thổ lộ, anh rất nhớ bóng đá và mong có cơ hội làm lại nhưng rồi lại tặc lưỡi mà rằng “cuộc đời bóng đá của mình chắc là bỏ thôi”.

“Tôi từng suy nghĩ sẽ kết thúc sự nghiệp cầu thủ trong màu áo Ninh Bình ngay cuối mùa giải 2014. Chẳng ngờ, chính năm ấy vì thiếu suy nghĩ nên sự nghiệp của tôi đã chấm dứt bằng cái kết không thể nào buồn hơn. Nhìn Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh… tham gia công tác huấn luyện tôi thèm lắm, muốn được như vậy lắm nhưng không thể. Đó cũng là cái giá tôi phải trả cho sai lầm của tuổi trẻ”, Mạnh Dũng bộc bạch.

Thúy Vân, bà xã của Mạnh Dũng tâm sự: “Thời gian qua, anh Dũng buồn và dằn vặt bản thân nhiều lắm. Em biết anh ấy rất nhớ bóng đá, nhưng vì dính vào vụ việc ở Ninh Bình nên chắc khó quay lại. Nhiều lúc nhìn chồng ngồi thẫn thờ trước màn hình tivi chiếu các trận đấu của V-League hoặc tuyển Việt Nam mà thương lắm!”.-

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.