Đường sắt

Những người luôn “đi trước” đoàn tàu

24/01/2016, 07:46

Công nhân đường sắt không ngày nào được rời cung đường, bởi lịch trình của tàu chạy là cố định theo giờ hàng ngày.

cn duy tu tuyen ha noi - hp sua ray
Công nhân duy tu tuyến Hà Nội- Hải Phòng sửa chữa đường ray.

Để những đoàn tàu bình an về ga, ê-kíp công nhân đường sắt không quản ngày đêm, bất kể thời tiết mưa rét hay nắng chói chang, chịu đựng và chấp nhận sự nghiệt ngã của nghề nghiệp. Như lời hát cất lên: “Anh lái tàu ơi, anh hãy yên lòng, con đường này luôn có tôi đi trước…”.

Xá chi nhọc nhằn…

Ghé qua cung đường sắt Cầu Bây (tuyến Hà Nội - Hải Phòng), những dáng người lom khom vặn từng chiếc đinh ốc, tiếng búa đập chan chát, cờ lê lẻng xẻng thu hút tôi lại gần. Theo chân đội công nhân duy tu đường sắt thường xuyên, thuộc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải mới biết tường tận sự gian nan, vất vả của công nhân duy tu - người trực tiếp làm nhiệm vụ sửa chữa, tu bổ kết cấu hạ tầng đường sắt, thay thế ray, ghi, tà vẹt, bổ sung đá ba-lát… cho bề mặt đường sắt luôn “êm” để tàu chạy an toàn.

Đoạn đường duy tu của cung đường Cầu Bây dài gần chục km, hàng ngày công nhân phải kiểm tra, phát hiện, chỉnh tu trên tất cả đoạn đường mà đơn vị quản lí. Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có 14 cung đường, tương ứng với các đội duy tu sửa chữa đường sắt thường xuyên, bao gồm bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng và tuần đường.

Gần 30 năm làm công việc sửa chữa đường sắt, anh Nguyễn Ngọc Lương (công nhân duy tu tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) chia sẻ: “Mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề, chưa một lần có suy nghĩ bỏ nghề. Nghề nào cũng có cái vất vả và vinh quang riêng của nó. Tôi luôn cảm thấy tự hào về nghề của mình. Niềm vui lớn nhất của tôi là bảo đảm an toàn cho đoàn tàu. Đó cũng chính là động lực giúp tôi và đồng nghiệp vượt qua những khó khăn trong nghề”.

Có tìm hiểu mới thấy công việc, cuộc sống của công nhân đường sắt vẫn còn những nhọc nhằn, thiếu thốn nhưng họ vẫn lạc quan, thầm lặng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu ngược xuôi.

Tạm biệt các anh công nhân duy tu đường sắt khi bóng chiều tàn, tôi bỗng nhớ đến ca từ trong bài hát về người công nhân đường sắt: “Anh lái tàu ơi, anh hãy yên lòng, con đường này luôn có tôi đi trước…

Ôi, mỗi tiếng tàu vang, mỗi sớm yên lành… tự hào người công nhân đường sắt chở tình quê hương”.

Nối nghiệp của mẹ, anh Hoàng Lê Long (quê Hà Nội) làm việc trong ngành đường sắt được 5 năm. Bao nhiêu khó khăn sớm trở nên quen thuộc với chàng thanh niên này. Anh Long tâm sự: “Khi mới vào làm việc tại công ty, mình nghĩ nếu sau một tuần không vượt qua được sự vất vả thì sẽ bỏ nghề. Tuy nhiên, mình đã vượt lên được thử thách bởi vì nhận ra ý nghĩa lớn lao của công việc này, vì những chuyến tàu qua, vì hạnh phúc của mọi người”.

Hơn 20 năm gắn bó với ngành Đường sắt, anh Phạm Ngọc Thắng là một công nhân giàu kinh nghiệm, kỹ năng. Tay thoăn thoắt vặn đinh ốc, thỉnh thoảng lại quệt giọt mồ hôi rơi xuống khóe mắt, anh chia sẻ: “Hàng chục chuyến tàu chở theo hàng nghìn hành khách và hàng trăm tấn hàng hóa được an toàn mỗi ngày. Tôi thấy yêu công việc “đi trước đoàn tàu” của mình và không hề hối hận khi đã chọn nó”.

Công nhân đường sắt không ngày nào được rời cung đường, bởi lịch trình của tàu chạy là cố định theo giờ hàng ngày. Công việc vốn quen thuộc nhưng nhọc nhằn. Làm việc ngoài trời bất kể thời tiết, những tuyến đường sắt cũ, đến “tuổi” cần thay thế nhiều bộ phận như: ray, tà vẹt, bu lông... nên hỏng hóc sau mỗi lần tàu chạy khiến công việc của các anh cũng trở nên bận rộn hơn.

Bước chân không mỏi

Được gia đình định hướng nghề ngay từ khi học trung học phổ thông nên anh Đàm Văn Nam (quê ở Bắc Ninh) thi vào trường Trung cấp Đường sắt và làm công nhân đường sắt từ ngày tốt nghiệp. Tuy được nhà trường trang bị kĩ lưỡng kiến thức nhưng phải mất một năm anh Nam mới thích ứng được những khâu phức tạp như: giật, nâng đường khi sửa ray, kể cả việc cầm cờ lê, búa, vặn đinh ốc một cách thuần thục cũng mất gần một tháng. Dù vậy, anh công nhân trẻ này vẫn kiên trì với nghề. “Công việc vất vả nhưng tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình”, anh Nam kể.

Ở mỗi cung đường đều có một số người làm nhiệm vụ tuần đường. Họ làm việc cả ngày lẫn đêm, dù trời mưa giông, giá rét vẫn phải “bám” đường để ngăn chặn những nguy hiểm rình rập đoàn tàu. Hành trang của người tuần đường là túi đồ nghề lỉnh kỉnh nào là cờ lê, búa, cờ, đèn, pháo hiệu... và đi bộ hết quãng đường được giao.

30 năm tuần đường, anh Bùi Văn Tầu (Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải) không nhớ nổi mình đã đi bộ bao nhiêu km đường đất. Vừa đi, anh vừa phải kiểm tra từng thanh ray, tà vẹt, chiếc ốc nào lỏng thì vặn lại, đoạn đường nào chưa đảm bảo an toàn thì báo lại ngay với cung trưởng để kịp thời khắc phục. Anh Tầu chia sẻ: “Gặp bất cứ dấu hiệu nào bất thường, tôi phải xử lí ngay. Lỗi thông thường như lỏng bu lông, ốc vít sẽ dùng cờ lê vặn, nếu gặp sự cố như bị trộm đường ray, cong vênh ray phải ra tín hiệu cho lái tàu biết để kịp dừng lại”.

Người bình thường đi bộ khoảng chục cây số trong ngày là một sự cố gắng quá lớn, còn với người tuần đường thì trở thành “nghề”. Hàng ngày họ đi miết mấy chục cây số mà bước chân cứ thoăn thoắt, đều đặn.Lom khom vặn ốc trên đường ray, anh Tầu kể: “Lúc mới vào nghề, đi bộ không quen, chân nhức mỏi không chịu nổi. Những đêm đi tuần gặp trời mưa, quần áo ướt sũng, nước thấm vào người cảm sốt như cơm bữa. Không những thế còn hít phải khói bụi và xú uế mà những người đi tàu thải ra rất khó chịu”. Rồi đi nhiều cũng thành quen chân, cho anh quyết tâm gắn bó với nghề.

(19 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.