Đời sống

Những người ôm lò lửa mưu sinh giữa nắng nóng hơn 40 độ C

18/05/2023, 20:31
image

Trời nắng nóng như thiêu đốt nhưng những người dân ở xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn mưu sinh bên lò lửa đỏ rực.

Nghề rèn ở xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) được biết đến là cái nôi sản xuất nông cụ, vũ khí có từ thời xa xưa. Đây cũng là làng rèn truyền thống duy nhất ở tỉnh Thanh Hoá tồn tại đến ngày nay.

img

Dưới cái nắng gay gắt hơn 40 độ C, người dân ở làng rèn xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) vẫn miệt mài mưu sinh bên lò rực lửa

Trên địa bàn toàn xã Tiến Lộc có 20 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp trực tiếp làm nghề và 1.509 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào sản xuất nghề rèn truyền thống. Thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu nương nhờ vào "nghề chịu nóng" này.

Cụ thể, tổng số lao động thường xuyên làm nghề là 3.320 lao động, chiếm 68,3% tổng số lao động trên địa bàn xã Tiến Lộc. Cả xã hiện có 6 tổ hợp máy cán rút thép; 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp; 3 cơ sở đột dập tôn nguyên liệu; hàng chục xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít; hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm; 6 máy cắt plasma, 307 búa máy, trên 300 máy đột dập các loại; hàng chục máy tiện, phay, bào; hàng nghìn các loại máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác...

>>> Một số hình ảnh mưu sinh giữa nắng nóng hơn 40 độ của người dân ở làng rèn xã Tiến Lộc:

img

Nắng nóng, ngồi dưới tán cây trước cửa nhà, anh Lường Văn Tú (30 tuổi) cho hay, từ nhỏ anh đã nối tiếp nghề truyền thống của ông, cha để lại. Trung bình mỗi ngày vợ chồng anh làm được khoảng 20 con dao thành phẩm. Trời nắng nhưng từ sáng sớm, vợ chồng anh đã phải làm việc, kiếm tiền nuôi con.

img

Trước đây, nghề rèn ở Tiến Lộc được coi là nghề phụ, tranh thủ làm lúc nông nhàn khi chưa kịp đến thời vụ. Người thợ rèn các loại công cụ, như: dao, cuốc, liềm... để đổi lấy lương thực, thực phẩm và các vật dụng khác. Đến thời điểm hiện nay nó đã trở thành nghề chính, cho thu nhập ổn định.

img

Là một trong những cơ sở sản xuất quy mô lớn ở xã Tiến Lộc, chị Nguyễn Thị Thuý (33 tuổi, ở làng Ngọ) chia sẻ: Trung bình một ngày chúng tôi sản xuất khoảng hơn 1.000 sản phẩm và được vận chuyển đi khắp cả nước. Hằng ngày có từ 20-30 lao động làm việc. Gia đình tôi trả lương theo ngày hoặc theo sản phẩm, ước khoảng gần 10 triệu đồng/người/tháng.

img

Anh Phạm Văn Hoa (45 tuổi) cho biết, từ lúc nhỏ đã theo nghề làm rèn cho đến tận bây giờ. Xung quanh đây, nhà nào cũng làm, bởi vì đây là nghề nuôi sống gia đình. Những sản phẩm làm ra đều được nhập về cho các đại lý, bèo bọt 1 tháng cũng kiếm được hơn 7 triệu đồng.

img

img

Để giảm nhiệt, gia đình anh Kiêu Văn Mạnh phải bơm nước lên mái tôn cho chảy xuống đường.

img

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc, làm nắm cầm... Và dường như những công đoạn ấy đã “ngấm vào máu”, nên chẳng ai bảo ai mà vẫn làm nhanh thoăn thoắt.

img

Ở làng rèn, không chỉ có rèn mà nhiều nhà còn thu mua gỗ về làm cán cầm. Anh Phạm Văn Đại (46 tuổi) cho biết, nhà chuyên làm cán dao, tùy theo yêu cầu của khách hàng để làm và loại gỗ chủ yếu là xoan. Trung bình 1 ngày làm từ 500-700 cán.

img

img

Sản phẩm nghề rèn ở xã Tiến Lộc giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp.

img

Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ. Đối với chủ thợ và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày.

Video: Cận cảnh người dân làng nghề rèn lớn nhất ở Thanh Hóa mưu sinh giữa nắng nóng hơn 40 độ C

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.