Hàng không

Niềm vui trên những chuyến bay "chuyên chở mùa xuân"

23/01/2023, 06:00

Những chuyến bay chào năm mới luôn mang lại cho các tiếp viên một cảm xúc khó tả, vừa chộn rộn hạnh phúc, vừa bâng khuâng đến nao lòng.

Giao thừa ở độ cao 10 nghìn mét

Nói về những mùa Tết, tiếp viên Ngọc Trung (Vietnam Airlines) vẫn thường đùa: Tiết kiệm lắm, chẳng cần sắm sửa quần áo mới bởi những ngày này hầu hết là mặc đồng phục đi bay.

img

Nam tiếp viên Vietnam Airlines Ngọc Trung

Và năm nay cũng không phải ngoại lệ khi Ngọc Trung một lần nữa sẽ bay xuyên từ năm cũ sang năm mới, đón xuân ở đất nước mặt trời mọc Nhật Bản. Đây cũng là năm thứ 3 mà Ngọc Trung không được đón giao thừa cùng ba mẹ ở nhà.

“Thực ra thì mỗi một lần đón giao thừa trên không đều là những lần đáng nhớ nhưng ấn tượng nhất đối với mình là tết 2019, mình có thực hiện chặng bay từ Cam Ranh đi Bắc Kinh (Trung Quốc).

Với Ngọc Trung, lần đầu tiên bao giờ cũng là những lần đáng nhớ nhất. Vì những cảm xúc đó chỉ đến một lần thôi và sau này dù có đón bao nhiêu cái Tết ở độ cao đấy nữa thì cũng sẽ không giống nhau.

Điều đặc biệt trên những chuyến bay Tết là tổ bay và tổ tiếp viên sẽ được cấp thêm bánh chưng cho những chuyến giao thừa. Bên cạnh đó, các bạn nữ sẽ được mặc áo dài tự chọn, làm cho chuyến bay rất sặc sỡ sắc xuân và vui tươi.

“Dù là lần đầu mình không được đón giao thừa với gia đình nhưng đón Tết ở độ cao 10 nghìn mét cũng có bánh chưng rồi dưa hành, hoa đào và có lì xì nữa. Đến giờ, mình vẫn còn giữ tờ tiền lì xì của tổ tiếp viên ngày hôm đó và tờ 10 tệ một nữ hành khách lì xì may mắn ngày hôm đó. Xuân xa nhà, buồn thì có nhưng hạnh phúc vẫn đong đầy”.

Quay ngược lại khoảng thời gian năm 2017, khi ấy Ngọc Trung vẫn đang làm việc ở mảng ngân hàng. Trong một lần tình cờ lướt Facebook, Ngọc Trung tình cờ thấy bài đăng của một người bạn đại học trong bộ đồng phục tiếp viên VietnamAirlines. Ngay lúc ấy, một suy nghĩ bỗng xuất hiện trong chàng trai ấy. “Bạn cũng giống mình, học chung lớp, ngoại ngữ học tập mình còn có phần nhỉnh hơn bạn, vậy sao mình không thử?”

Nghĩ là làm, Ngọc Trung lập tức hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, phải đợi đến sau tết 2018, khi Hãng hàng không quốc gia mở lại đợt tuyển ở Hà Nội thì cánh cửa hiện thực hóa giấc mơ mới chính thức gõ cửa.

Và sau nửa thập kỷ gắn bó với bầu trời, Ngọc Trung tin rằng bản thân đã có một “ngã rẽ” cuộc đời đúng đắn. Mỗi ngành nghề có một đặc thù công việc khác nhau và nghề tiếp viên hàng không cũng vậy. Ngọc Trung còn đùa rằng bản thân thấy khá giống bên quân đội bởi cứ khi nào được điều động là sẽ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể nắng, mưa, sáng, trưa, chiều tối hay là lễ tết.

img

Mùa Tết năm nay, Ngọc Trung đón năm mới tại Nhật Bản

“Có nhiều anh chị tâm sự trên những chuyến bay xuyên tết không cầm nổi nước mắt vì giây phút giao thừa không được ở bên con cái, người thân. Mình chưa có gia đình riêng nhưng cũng phần nào hiểu được chứ, ai mà không muốn cái Tết đầu tiên của con có đủ cả ba lẫn mẹ.”

Tuy nhiên, nghề tiếp viên lại mang đến cho Ngọc Trung cơ hội trở thành người kết nối hạnh phúc cho người đi đến những miền đất mới, cho người trở về nhà sau một hành trình dài.

“Niềm vui được đặt chân đến những vùng đất mới, sự hăm hở được khám phá thế giới, sự hạnh phúc khi đồng hành cùng hành khách trên chặng đường về nhà hay đơn giản là sự sẻ chia, quây quần cùng đồng nghiệp trên những chuyến bay xuyên tết chính là điều đang khiến mình gắn bó với công việc này".

Bến đỗ trọn vẹn của giấc mơ thủa nhỏ

img

Trần Thị Thanh Huyền đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề tiếp viên hàng không

Reng reng, tiếng chuông báo thức của vị hành khách nào đó chợt kêu liên hồi báo hiệu đã điểm 12h. Và đó chính là cách tiếp viên Trần Thị Thanh Huyền biết rằng năm mới đã đến. Với chị, đón giao thừa ngay tại "phòng làm việc" trên không dường như đã trở thành một thói quen thân thuộc.

“Có những năm tôi đi làm từ ngày 29 Tết đến ngày mồng 3 Tết mới về nhà, còn việc vắng mặt trong những đêm 30, mùng1 là việc hết sức bình thường của người tiếp viên hàng không. May mắn là sau lưng tôi luôn có sự hỗ trợ, thấu hiểu của bố mẹ hai bên, của người chồng và cũng là đồng nghiệp của tôi.”

Gắn bó với nghề tiếp viên hàng không hơn 20 năm, tiếp viên Thanh Huyền chẳng thể nhớ bao nhiêu năm phải đón Tết xa nhà. “Dù vậy, không khí đón năm mới trên chuyến bay thực sự rất ấm áp, khó quên làm cho chúng tôi cũng cảm thấy vui hơn, quên đi những nỗi buồn dù mình không được ở bên người thân trong thời khắc giao thừa nhưng bên cạnh lại có những đồng nghiệp thân yêu, là những hành khách thân thiện.”

Nhắc đến phút giây giao thừa, trong chị lại ùa về biết bao kỷ niệm về những ly champagne mời khách, những cuộc trò chuyện ngắn giới thiệu cho khách người nước ngoài văn hóa đón Tết của người Việt hay những lời chúc mừng năm mới, sức khoẻ và bình an.

“Sau khi phục vụ khách, tổ tiếp viên thường tranh thủ thời gian cùng nhau tổ chức mâm cơm tất niên trên chuyến bay, cũng có cả bánh chưng, giò, nem... Chúng tôi cũng dành cho nhau những lời chúc năm mới nhiều sức khoẻ, bay an toàn.”

img

Thanh Huyền và đồng nghiệp chụp ảnh kỷ niệm trên chuyến bay ngày đầu năm mới

An tâm khi luôn nhận được sự hỗ trợ của ông bà trong việc chăm sóc các con khi vắng nhà trong dịp Tết, vậy nhưng Thanh Huyền đôi khi vẫn có những phút chạnh lòng. Đặc thù công việc thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, nhất là trong những ngày đông giá rét của Hà Nội. Vậy nhưng những khó khăn trong công việc vẫn chẳng thể so với nỗi lòng khi không có nhiều thơi gian dành cho con cái, chăm sóc gia đình.

“Tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc hài hoà và tâm niệm sẽ hoàn thành công việc có tâm và trách nhiệm. Khi kết thúc những chuyến bay an toàn, nhìn những nụ cười, những lời cám ơn của hành khách dành cho chuyến bay của mình làm tôi có thêm nhiều động lực để vượt qua khó khăn.”

Hành trình trái tim dẫn lối

img

Nữ tiếp viên trẻ Đoàn Ngọc Phương Uyên

Cũng như Ngọc Trung, tiếp viên Đoàn Ngọc Phương Uyên luôn tự hào, hạnh phúc với nghề, đặc biệt là trên mỗi hành trình kết nối mùa xuân.

Giống như rất nhiều cô gái, tiếp viên hàng không là mơ ước từ khi còn rất nhỏ của Phương Uyên. Vậy nhưng, được làm việc trong lĩnh vực hàng không là một điều mà cô gái ấy chưa bao giờ tự tin rằng bản thân mình có thể làm được.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đến khi gần tốt nghiệp Đại học, Phương Uyên lại băn khoăn, một lần nữa nghiêm túc nghĩ về công việc mình sẽ làm trong tương lai. Tình cờ trong một buổi gặp lại người bạn cũ lâu năm, Phương Uyên được bạn vui mừng báo tin vừa đỗ tiếp viên của một hãng hàng không nước ngoài. Chính giây phút đó, ngọn lửa âm ỉ bên trong cô lại bùng lên một cách mãnh liệt.

“Em tự hỏi bản thân tại sao mình lại băn khoăn lựa chọn trong khi mình biết rõ ước mơ của bản thân mình là gì? Tại sao ngay thời điểm này, mình không ngừng mơ mộng mà hãy bắt tay vào thực hiện ngay để ước mơ đó có thể trở thành hiện thực.”, Phương Uyên chia sẻ.

img

Phương Uyên cùng đồng nghiệp

Cuối cùng, vào thời điểm năm cuối tại Đại học, Phương Uyên đã không lựa chọn thực tập tại văn phòng Luật hay tại Toà án nào như các bạn cùng lớp mà quyết định sẽ thử thách bản thân một lần và chọn thi tuyển tiếp viên Vietnam Airlines.

Có lẽ chỉ người trong ngành mới thấu hiểu, tiếp viên hàng không có giờ giấc làm việc không cố định và đòi hỏi những yêu cầu rất đặc thù, đi sớm, về khuya, có những hôm cả đêm không ngủ, giờ giấc sinh hoạt cũng thay đổi tùy theo nhiệm vụ bay, đặc biệt là khi mùa cao điểm Tết đã cận kề và lịch bay dày đặc.

Gắn bó với ngành hàng không chưa lâu, đến thời điểm này, đáng nhớ nhất của Phương Uyên lại chính là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Khi ấy, do chính sách phòng chống dịch của cả nước và tình khai thác của Vietnam Airlines nên lớp của Phương Uyên bị tạm hoãn đưa vào khai thác trong khoảng gần 2 năm.

“Thật sự đó là một khoảng thời gian rất dài. Những đôi cánh mới chưa được tung bay trên bầu trời lại phải tạm khép lại trong một thời gian dài. Và vì cuộc sống và các lý do cá nhân khác khiến cho một số anh chị đã từ bỏ ước mơ của mình".

img

Phương Uyên ân cần phục vụ hành khách trên máy bay

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, được chứng kiến các anh chị tiếp viên không ngại khó khăn, vất vả, hết sức dũng cảm đối mặt và làm việc trên những chuyến bay giải cứu đồng bào làm Phương Uyên cảm thấy thêm yêu và tự hào với công việc này.

“Miệng luôn mỉm cười, may mắn sẽ tự nhiên đến”, một câu nói tuy đơn giản nhưng giúp Phương Uyên luôn nhắc nhở bản thân đặt tâm thế tích cực vào trong từng việc nhỏ hàng ngày, cho dù kết quả có ra sao thì đó cũng là một ngày làm việc trọn vẹn và ý nghĩa.

“Năm mới đến, điều em mong ước lớn nhất chính là có một năm thật thuận lợi trong công việc, ngành hàng không dần ổn định trở lại và thu nhập của các anh chị em trong ngành cũng được phục hồi sớm để tất cả chúng ta đều cảm thấy vui vẻ, ấm áp, hạnh phúc và sẵn sàng cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc của mình.”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.