Thị trường

Nợ xấu 12 dự án thua lỗ: Ngân hàng "chắc lép" quá sẽ không xử lý được

16/10/2019, 09:06

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Đảng và Nhà nước rất sốt ruột xử lý, nếu ngân hàng chắc lép quá thì không bao giờ xử lý được.

img
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là 1 trong 12 dự án ngành Công thương đang được xử lý

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua (15/10) tại Hà Nội.

Cụ thể, liên quan tới việc ngân hàng vào cuộc xử lý nợ xấu tại các dự án yếu kém, Phó Thủ tướng Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng đề án xử lý nợ xấu của cho các dự án yếu kém, thua lỗ nhất là 12 dự án yếu kém ngành Công thương với dư nợ 23.000 tỷ đồng.

“Tổ chức tín dụng cần chủ động khẩn trương xử lý theo thẩm quyền của mình, cái nào cấp bách, cần có cơ chế đặc biệt thì ngân hàng đề xuất trình cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đặc biệt. Đảng và Nhà nước rất sốt ruột về vấn đề này”, lãnh đạo Chính phủ nêu.

Nhiều nội dung cho vay được, ngân hàng trích lập dự phòng rồi nên Phó Thủ tướng đề nghị ngân hàng phải chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. “Doanh nghiệp có sống được thì ngân hàng mới thu được khoản nợ đó. Nếu chết rồi thì lấy gì mà thu? Các ngân hàng áp dụng chính sách thu lại 10 đồng thì chỉ cho vay 9 đồng thế thì doanh nghiệp chết rồi. Không có vốn thì doanh nghiệp hoạt động bằng gì? Như nhà máy đạm Ninh Bình đã chạy gần hết công suất, giảm lãi suất thì tài chính mới giảm khấu hao, kéo dài thời gian trả nợ. Ban chỉ đạo giải quyết 12 dự án này rất đau đầu vì cứ ngân hàng thu 10 đồng thì cho vay có 9 đồng. Trích lập dự phòng hết rồi nên thu được đồng nào thì hay đồng đấy nhưng ngân hàng cứ chắc lép quá thì không bao giờ xử lý được các dự án này. Nếu mấy anh này không sống được thì hơn 20.000 tỷ kia không bao giờ thu được”, lãnh đạo Chính phủ nói.

Phó Thủ tướng Huệ cũng yêu cầu ngành ngân hàng phải công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, có giải pháp để hạ chi phí cho nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành.

“Thực ra, lạm phát cơ bản rất thấp, lạm phát thực chỉ 2-3%. Nếu chúng ta giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên thì rất tốt. Đó chính là nuôi dưỡng thị trường, giống như ngành thuế bồi dưỡng nguồn thu”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.