Tài chính

Nỗi lo lỗ chồng lỗ Lọc dầu Nghi Sơn và thị trường xăng dầu

19/02/2022, 08:00

Dù được hưởng “siêu ưu đãi”, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn lỗ chồng lỗ, đẩy thị trường xăng dầu trong nước vào cảnh “nước sôi lửa bỏng”.

Siêu ưu đãi vẫn lỗ nặng

NSRP được thành lập tháng 4/2008 với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD vận hành thương mại ngày 14/11/2018. Cổ đông gồm PVN với 25,1% vốn; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản 4,7%.

img

Thị trường xăng dầu hiện vẫn thiếu cục bộ. Ảnh: Tạ Hải

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu, cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).

Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Lọc dầu Nghi Sơn cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) 4 năm đầu và nhiều ưu đãi thuế khác.

Trên thực tế, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu sẽ xuống 5% và từ năm 2024 là 0%; Diesel và mazut là 0% từ năm 2016.

Còn theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ năm 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%.

“Vậy, phát sinh mâu thuẫn giữa các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) chỉ ra những bất cập và cho rằng đây là lỗi và khiếm khuyết của chúng ta khi đàm phán.

Theo tính toán của PVN, trong 10 năm kể từ khi Lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án.

PVN cũng nhiều lần đề nghị kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của NSRP cũng như nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ, cơ chế hoàn trả tiền PVN thay mặt Chính phủ bù cho NSRP trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại...

Dù vậy, sau 3 năm đi vào hoạt động, mức lỗ của NSRP tổng cộng 61.200 tỷ. Như vậy, vốn chủ sở hữu đã âm hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 86.675 tỷ thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng.

Đem so sánh với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) cho thấy, hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy này hoàn toàn trái ngược nhau khi công suất của Dung Quất chỉ bằng gần phân nửa Nghi Sơn.

Vận hành thương mại từ ngày 30/5/2010, 3 năm đầu nhà máy lỗ 14.092 tỷ đồng.

Sau khi được giữ lại 3 - 7% thuế nhập khẩu (Dung Quất giữ lại được 3.305 tỷ đồng vào năm 2010, năm 2011 là 1.836 tỷ đồng, năm 2012 là 5.122 tỷ đồng), tổng số lỗ 3 năm đầu giảm xuống còn 3.829 tỷ đồng.

Như vậy, số lỗ 3 năm đầu của Nghi Sơn gấp gần 16 lần Dung Quất. Dù so sánh này chỉ là tương đối khi còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, song cũng thể hiện việc được bù thuế là một đặc quyền rất lớn cho DN.

Chưa kể, cùng thời điểm từ năm 2018 - 2020, Dung Quất có lãi 3.572 tỷ đồng và tăng lên mức lãi 6.673 tỷ đồng vào năm 2021.

Một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành công thương khẳng định, Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề là mối nguy lớn của ngành xăng dầu Việt Nam.

Vị này phân tích, năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20,5 triệu tấn, Nghi Sơn cung ứng tới 35% thị phần.

Do vậy, dù có nâng công suất lên hơn 100% thì lọc dầu Dung Quất cũng không thể “cứu vãn” nếu tình huống xấu của Nghi Sơn xảy ra.

“Trong khi đó, DN lỗ, thiếu hụt dòng tiền sẽ giảm công suất. Giảm công suất thì càng không hiệu quả. Lúc này, DN không phải vốn Nhà nước, họ sẽ đóng cửa khi không nhìn thấy hướng có lãi...”, vị này nói.

Nguồn cung vẫn thiếu cục bộ

img

Dù được hưởng cả loạt ưu đãi, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn liên tiếp lỗ và đến nay đã giảm công suất khiến thị trường xăng dầu lao đao

Đưa ra nhận định về cung - cầu thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tình hình có tốt hơn so với tuần trước nhưng chưa hoàn toàn khắc phục được thiếu hụt cục bộ.

Dẫn báo cáo của PVNDB (đơn vị phân phối sản phẩm của Nhà máy Nghi Sơn), ông Đông cho biết, tháng 2 là “điểm trũng” giao hàng: “Đến giờ nhà máy vận hành mới đạt 55% công suất.

Hàng chưa bổ sung kịp thời, nên các cửa hàng vẫn có nơi thiếu. Nhưng 1 - 2 tuần nữa hàng về nhiều hơn, áp lực cho DN sẽ đỡ hơn”.

Ông Đông thừa nhận, sự việc trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu. Các DN đầu mối lớn lập tức nhập khẩu thêm để bù đắp lượng thiếu hụt này.

Nhưng việc đàm phán mua hàng cũng không dễ trong bối cảnh nguồn cung thế giới khan hiếm.

Mặt khác, giá thế giới tăng liên tục, với biên độ mạnh, nên khi họ vừa ký hợp đồng mua thêm, hàng chưa cập cảng đã lỗ. Giá nhập tăng cao, còn giá bán lẻ trong nước lại không tăng tương ứng do chịu sự điều hành của Nhà nước.

Theo ông Đông, với mức tăng ở kỳ điều hành ngày 11/2 cũng chưa hoàn toàn bù được hết phần lỗ của các DN.

Về điều hành xăng dầu thời gian tới, ông Đông khẳng định: “Chúng tôi đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung, đề phòng phương án xấu nhất của Nghi Sơn.

Nhưng 2 nhà máy lọc dầu cũng phải có trách nhiệm. Nghi Sơn là dự án đặc biệt ưu đãi, nên càng phải có trách nhiệm với an ninh năng lượng, với đất nước”.

Ngày 14/2, Bộ Công thương cũng đã có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải báo cáo lượng xăng dầu đã ký kết trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước, lượng xăng dầu thực tế các đơn vị trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay, kế hoạch về nguồn nhập khẩu theo từng chủng loại xăng dầu và theo từng nguồn đến ngày 31/12/2022. Đây là cơ sở để Bộ Công thương điều chỉnh phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu xăng dầu.

Bất thường khoản lỗ của Lọc dầu Nghi Sơn

Lãnh đạo một nhà máy lọc dầu cho biết, Nghi Sơn lỗ do một số nguyên nhân: Thứ nhất là chi phí tài chính (vốn vay đắt), thứ hai là do giá dầu thô đầu vào đắt bởi nhà đầu tư liên danh cấp đầu vào (Theo bản cam kết của Chính phủ, Kuwait Petroleum Corporation – một liên danh, sẽ bán dầu thô cho NSRP để dùng cho Dự án NSRP - PV).

Lý do thứ ba là chi phí nhân sự lớn khi chi trả cho các chuyên gia nước ngoài rất cao, được biết lương của giám đốc nhà máy khoảng 1 triệu USD/năm - đây là mức lương cao khủng khiếp, cao hơn mức lương hoạt động cả team ở nơi khác.

Còn lý do nữa là chi phí vận hành bảo dưỡng cao (ngưỡng 900 tỷ đồng mỗi năm), do khó tránh khỏi quản lý lỏng lẻo khi cùng nhiều liên danh, rồi nhiều nước.

Hay khó tránh khỏi tình trạng "Tây sang mình phải "gánh" về". Từ việc nhiều mối, việc mua sắm cũng khó quản lý... thêm gánh nặng cho PVN và Chính phủ khi phải gánh lỗ của cả hệ thống…

Tuy nhiên, vị này cũng đặt dấu hỏi về "kịch bản lỗ" liên tiếp giống với một số liên doanh trước đó mà điển hình là Coca Cola.

Sẽ tái cấu trúc NSRP

Trước tình hình hiện nay, PVN cho biết đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể NSRP. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết thêm, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ là cơ quan chủ trì, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương sẽ góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.