Đời sống

Nỗi lo pate nhiễm độc chưa được thu hồi

Vụ việc ngộ độc pate Minh Chay đang khiến dư luận lo ngại về lỗ hổng trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

img
Trụ sở đăng ký kinh doanh của Pate Minh Chay đang trong tình trạng đóng cửa không bóng người (Chụp trưa 3/9)

Ngay sau khi Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra thông báo còn gần 1.500 hộp pate Minh Chay nhiễm khuẩn đã bán ra thị trường chưa thể thu hồi, nhiều bạn đọc đã gửi bình luận, thư về hộp thư bạn đọc của Báo Giao thông bày tỏ sự lo lắng.

Đa phần ý kiến bạn đọc cho rằng, cần rà soát và ngăn chặn các lỗ hổng trong việc sản xuất và quản lý chất lượng thực phẩm hiện nay.

Bạn đọc Hoàng Anh (TP.HCM) viết: “Ngày 19/8, Cục An toàn thực phẩm nhận được điện thoại của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thông báo có hai vợ chồng bệnh nhân được chuyển đến trung tâm với chẩn đoán ban đầu “theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Botulinum”, có tiền sử sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, lần sử dụng cuối là cuối tháng 7/2020.

Nhưng sau nhiều khâu kiểm tra, xét nghiệm, 10 ngày sau, mới chính thức có thông báo thu hồi, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này. Phản ứng như vậy là chậm, rất may số người ngộ độc mới dừng ở 1 con số. Mới nghĩ tới hàng nghìn người đã mua sản phẩm này, nếu đều ăn cùng lúc thì hậu quả thế nào”.

Bạn đọc Hồ An (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có hai người bạn ăn pate này đã bị chóng mặt, bủn rủn, buồn nôn vài ngày không biết lý do. Mãi cho đến khi nhận được điện thoại thông báo loại sản phẩm này nhiễm độc mới biết và vui mừng vì mình chỉ nhiễm độc nhẹ chứ không như các bệnh nhân đang phải điều trị. Thậm chí họ mừng đến nỗi không nghĩ đến chuyện đòi bồi thường hay truy trách nhiệm của người bán. Nếu ở nước ngoài thì không đơn giản như vậy, nhà cung cấp sẽ đối diện án phạt rất nặng và có nguy cơ bị khởi kiện đến phá sản”.

Bạn đọc Quỳnh Nga (TP.HCM) cho rằng: “Luật An toàn thực phẩm và các quy định hiện hành đưa ra tiêu chuẩn đối với một sản phẩm thực phẩm bán ra thị trường rất chặt chẽ. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm.

Tuy nhiên, việc có quy định là một chuyện, việc thực hiện, kiểm tra giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm lại là việc khác. Ngay khi nhận được thông báo có dấu hiệu ngộ độc, việc cần làm ngay là xét nghiệm các sản phẩm bị nghi ngờ. Việc 10 ngày sau mới kết nối được các bên liên quan để đưa ra quyết định thu hồi sản phẩm là chậm. Nhất định ngành an toàn thực phẩm cần rút kinh nghiệm sau vụ pate Minh Chay”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.