Xã hội

Nông sản Hải Dương đến tay người giải cứu được phòng dịch thế nào?

23/02/2021, 15:07

Hải Dương khẳng định mọi nông sản xuất bán ra ngoài tỉnh đều đảm bảo chặt chẽ quá trình phòng dịch từ khâu sản xuất, thu hoạch đến vận chuyển.

img

Các hàng hóa, đặc biệt là nông sản đều được kiểm soát chặt trước khi rời khỏi Hải Dương

Các F1, F2, F3 không tham gia thu hoạch nông sản

Những ngày gần đây, người dân nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội đang tích cực hỗ trợ người dân Hải Dương "giải cứu nông sản".

Tuy vậy, một số người dân có tâm lý lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua những chuyến xe và nông sản từ Hải Dương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho biết: "Chúng tôi căn cứ về quy định phòng dịch của Bộ Y tế để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch từ khâu sản xuất tới thu hoạch, vận chuyển rất chặt chẽ".

Theo đó, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Hải Dương, Sở Công thương đã quán triệt tới các địa phương về quy trình thu hoạch, vận chuyển nông sản. Tại những địa phương có dịch thì đã thực hiện cách ly, nông sản tại đó được thu hoạch bởi những người từ địa phương khác.

Tại những địa phương không có dịch, toàn bộ những người thuộc diện F1, F2, F3 không được phép ra đồng thực hiện thu hoạch nông sản. Người nông dân khi ra đồng thu hoạch phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

img

Suốt quá trình thu hoạch, mỗi người cách nhau tối thiểu 2m, sử dụng găng tay sạch và khẩu trang

Phun khử khuẩn Covid-19 trong quá trình vận chuyển

Ông Phạm Thanh Hải cho hay, tất cả lái xe chở hàng từ Hải Dương đi ra khỏi tỉnh đều phải có giấy xét nghiệm chứng minh âm tính với SARS-CoV-2. Giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị trong 3 ngày và được kiểm tra chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương cũng như các địa phương xe đến.

Ngoài ra, toàn bộ xe chở hàng hóa, nông sản ra khỏi Hải Dương đều được phun khử khuẩn nên đảm bảo yếu tố an toàn phòng dịch.

"Một đoạn đường chỉ khoảng 10 km từ điểm thu mua nông sản ra tới quốc lộ, xe chở nông sản phải qua 10 chốt kiểm dịch, đều phải phun khử khuẩn. Những nông sản của Hải Dương chở đi tiêu thụ tại tỉnh ngoài đều đảm bảo an toàn phòng dịch", ông Phạm Thanh Hải khẳng định.

Ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Nam Sách - một trong những vựa nông sản của Hải Dương chia sẻ thêm, hiện huyện có 160 ha cà rốt, 30 ha cà chua, bắp cải, su hào đến kỳ thu hoạch.

Mấy ngày gần đây, đã có các doanh nghiệp thu mua giải cứu nông sản cho Nam Sách, trung bình mỗi ngày giải cứu được khoảng 15 tấn rau, củ quả.

"Chúng tôi yêu cầu chỉ những nông dân không ở vùng dịch mới được thu hoạch, trước khi thu hoạch từng nông dân phải được phun khử khuẩn. Suốt quá trình thu hoạch, mỗi người cách nhau tối thiểu 2m, sử dụng găng tay sạch và khẩu trang", ông Tuấn cho hay.

Sau đó, sản phẩm thu hoạch được tập hợp tại một địa điểm, lái xe (đã đảm bảo yêu cầu xét nghiệm âm tính với Covid-19) đến nhập hàng. Quá trình nhập hàng được phun khử khuẩn và tiếp tục đảm bảo yêu cầu phòng dịch khi qua các chốt kiểm soát.img

Người dân xã Đồng Cẩm (H.Kim Thành, Hải Dương) đóng nông sản chất đầy đường liên xã đợi người đến giải cứu

Lượng nông sản cần giải cứu rất lớn

Hải Dương được xác định là một trong những vựa nông sản lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Thời điểm này đang là cao điểm thu hoạch cây vụ Đông ở Hải Dương, nên dịch Covid-19 khiến hàng chục nghìn tấn rau, củ, quả của Hải Dương đang bị ùn ứ.

"Khảo sát tại các kho hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu rau củ hiện đã hết chỗ chứa, trong khi ngoài cánh đồng còn hàng trăm ha rau màu tới kỳ thu hoạch nhưng chưa thể tiêu thụ", ông Hải lo lắng.

"Những ngày qua, hoạt động giải cứu nông sản của Hải Dương được triển khai rầm rộ. Chúng tôi rất cảm kích trước tình cảm của người dân Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác. Tuy vậy, với lượng giải cứu chỉ vài chục tấn thì chỉ đáp ứng được yêu cầu cấp bách trước mắt vì ở Hải Dương vẫn còn tới vài chục nghìn tấn nông sản chưa thể tiêu thụ", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, để giải quyết được bài toán nông sản ùn ứ tại Hải Dương cần cơ chế thống nhất của Chính phủ, các bộ, ngành về lưu thông, chứ không thể thực hiện cho từng xe một ra vào giải cứu như hiện tại. Đặc biệt, Hải Dương vẫn rất khó khăn khi chở hàng tới cảng biển Hải Phòng để xuất khẩu theo những đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài.

"Hải Dương kiến nghị với Hải Phòng cho cơ chế các thương lái, doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản; mặt khác, yêu cầu lái xe mặc đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định 5K trong phòng chống dịch. Hoặc, phía các tỉnh bạn khi xe sang Hải Dương vận chuyển hàng, thực hiện niêm phong buồng lái. Lái xe mặc đồ phòng hộ ngồi yên trên xe, không tham gia tiếp xúc, không rời khỏi cabin trong suốt thời gian lái xe. Sau khi xuất hàng xong, lái xe lập tức lái xe quay trở lại Hải Dương, không dừng xe dọc đường", ông Hải đề xuất.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương: "Toàn bộ nông sản của Hải Dương đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển. Tuy vậy, thực tế nông sản ở Hải Dương vẫn đang gặp khó về đầu ra và sụt giá".

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND TP. Chí Linh: "Chí Linh hiện còn khoảng 700.000 con gà đồi tới thời kỳ xuất bán. Việc bán gà còn sống rất khó nên đã tập trung vào giết mổ để chuyển đi Hà Nội, nhưng hai ngày qua mới làm thăm dò chỉ được mỗi ngày một chuyến vài trăm con".

Ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Sách: "Hiện các đơn vị, doanh nghiệp tới thu mua giải cứu nông sản nhưng giá vẫn thấp hơn thời điểm trước khi có dịch. Ví dụ 1 kg cải bắp, su hào được thu mua với giá 1.500 đồng/kg (trước đó khoảng 2.000 đồng/kg); cà chua giá 5.000 đồng/kg (trước đó khoảng 10.000 đồng/kg)…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.