Xã hội

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm bật khóc khi tranh luận tăng giờ làm thêm

23/10/2019, 10:56

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm bật khóc, phản đối quan điểm làm thêm giờ là "tự nguyện, nhân văn" khi thảo luận dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

img
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm

Tăng giờ làm thêm là phù hợp, nhân văn?

Ngày 23/10, tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị giữ như quy định hiện hành vì phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn.

Theo ông Lộc, nên giữ nguyên quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần, Nhà nước khuyến khích giờ làm việc ít hơn là 40-44 giờ/tuần tùy thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Ông Lộc phân tích, Việt Nam mới thoát ra khỏi ngưỡng nghèo và mới chỉ là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp, năng suất lao động thậm chí thấp nhất khu vực, thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Rút ngắn hơn nữa thời gian lao động làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thứ hai, giảm thời gian lao động sẽ gây giảm tiền lương và chậm lại kế hoạch tăng lương cho người lao động bởi mức tiền lương tối thiểu hiện tại được các bên nhất trí và được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua dựa trên tính toán mức lương tối thiểu làm việc 48 giờ/tuần.

Thứ ba, năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động chưa cao, nếu giờ giảm giờ làm thì đồng nghĩa việc giảm thu nhập, người lao động phải tìm việc khác để làm tăng thu nhập.

Thứ tư, để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động, nếu không tuyển được lao động thì doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất. Theo tính toán sơ bộ, riêng ngành thủy sản, dệt may, da giày, túi xách, điện tử, lương thực thực phẩm nếu giảm 4 giờ/tuần thì có thể giảm sản lượng kim ngạch xuất khẩu ít nhất 20 tỷ USD/năm.

Thứ năm, có ý kiến lập luận giảm thời gian làm việc thì doanh nghiệp sẽ công bằng với khu vực Nhà nước nghe qua thì có vẻ có lý và mang tính nhân văn. Tuy nhiên, suy nghĩ kĩ sẽ không phải vì hai khu vực đang không được đặt trên cùng một mặt bằng về thu nhập và tiền lương. Chúng ta biết hiện tại, tiền lương tối thiểu ở doanh nghiệp tại Hà Nội là gần 4,2 triệu đồng tháng và đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, trong khi đó tiền lương cơ sở ở khu vực Nhà nước chỉ hơn 1,4 triệu đồng/ tháng và tăng chậm. Lương của một công chức kĩ sư mới ra trường không bằng lương của một lao động phổ thông trong doanh nghiệp. Vì vậy, rút ngắn thời gian làm việc là có phần khập khiễng trong bối cảnh hiện nay.

Hãy nghĩ đến quyền con người của người lao động

Tham gia tranh luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) không đồng tình với ý kiến của ĐB Vũ Tiến Lộc về việc “duy trì giờ làm bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm là nhân văn, hợp lý và tự nguyện”.

Bà cho biết “thực sự bất ngờ” với nhận định này: “Không biết ĐB Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu Quốc hội thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện?”

Bà Tâm kể, bà đã nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói người công nhân không muốn làm thêm giờ, dù thực tế cần làm thêm giờ bởi thu nhập hiện nay của họ quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

“Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê. Có người cha người mẹ nào muốn xa con mình hay không. Họ thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con. Có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc”, bà Tâm bật khóc nói và phân tích, sở dĩ người lao động phải gồng mình lên làm việc vì họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng xã hội.

Nữ ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, Quốc hội phải thể hiện vai trò của mình ở đây, phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định.

“Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa”, bà Tâm nói và lưu ý, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động, mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc và sự tiến bộ xã hội.

“Sự tiến bộ xã hội ở đâu khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động. Chúng ta giảm 44 giờ làm có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm kiếm thêm thu nhập, đó là tiến bộ chứ, nhân văn cũng ở chỗ đó”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.