Xã hội

Nữ ĐBQH chất vấn việc giải ngân cho hội thảo nhiều hơn cho xây dựng y tế

06/06/2023, 19:08

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về việc giải ngân cho hội thảo nhiều hơn cho xây dựng y tế.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chiều nay (6/6), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho biết, qua trả lời của Bộ trưởng thì việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc là rất tốt. Tuy nhiên, thực tế chưa phải như vậy.

img

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc còn hướng dẫn chậm, hướng dẫn sai, giải ngân kém, phải trình Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện, huy động vốn kém. Đáng ngạc nhiên, hơn khi nói về nguyên nhân hạn chế, báo cáo của Ủy ban Dân tộc nêu là do thời tiết, do COVID-19, do biến động quốc tế.

"Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của Bộ trưởng?", đại biểu chất vấn.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết về sử dụng vốn của Ủy ban Dân tộc, ngoài việc giải ngân thấp, chỉ đạt 4.634 tỉ đồng (bằng 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn, trong đó hội thảo bình đẳng giới là 64 tỉ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỉ đồng, kiểm tra hội thảo là 88 tỉ đồng, trong khi đó xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỉ đồng...

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?", đại biểu chất vấn.

Về vấn đề chậm ban hành các văn bản và nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết đã báo cáo Chính phủ và nhận trách nhiệm trước Chính phủ về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2022 triển khai chậm. Nhưng trong thực tế, đến tháng 6/2021, Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư.

Sau khi phê duyệt quyết định đầu tư, Thủ tướng phân công các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn. Như vậy, bắt đầu từ tháng 6/2021, các bộ, ngành mới triển khai được các văn bản và cơ bản hết năm 2022 đã triển khai cơ bản các văn bản.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai này cũng có những thủ tục chậm vì cũng có nhiều lý do, nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành.

img

Bộ trưởng Hầu A Lềnh

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng cho rằng Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì nhưng chỉ làm một thông tư tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 1719, Quyết định 39, còn lại trách nhiệm Ủy ban Dân tộc có 2 thông tư, Thông tư 01, Thông tư 02. Có 9 thông tư và các văn bản hướng dẫn khác nằm ở các bộ, ngành.

"Trách nhiệm của chúng tôi là cùng phối hợp các bộ, ngành để ban hành hệ thống văn bản, thông tư hướng dẫn. Chúng tôi hiện nay cơ bản đã hoàn thành, còn giai đoạn tới đây là giai đoạn đôn đốc, kiểm tra các địa phương và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Rút kinh nghiệm, việc này chúng tôi sẽ làm tốt hơn", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Sau phần trả lời này của Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời vấn đề thứ 2 đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đó là các dự án của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện nay mới tổ chức được một số cuộc hội thảo, hội nghị truyền thông. Còn một nội dung nữa liên quan đến quỹ tín dụng của Hội Phụ nữ, liên quan đến Luật Ngân sách và các quy định về thành lập các quỹ ở địa phương nên Hội Liên hiệp phụ nữ đã báo cáo Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã giao cho Ủy ban Dân tộc cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ thống nhất lại dự án này, nếu trong trường hợp không thể triển khai được vì vướng luật thì cũng là một dự án không triển khai được trong nhóm khó triển khai để báo cáo với Quốc hội cho điều chỉnh vào tháng 10/2023.

15% đồng bào dân tộc tái mù chữ, chưa được đi học

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, trong các chuyến đi vùng sâu, vùng xa, ông gặp rất nhiều đồng bào dân tộc bị tái mù chữ.

“Ủy ban đã có khảo sát nào về tỉ lệ tái mù chữ của đồng bào dân tộc từ thiếu niên đến người trưởng thành chưa và có phương án nào giải quyết vấn đề này?”, đại biểu đoàn Bình Định hỏi.

Hồi đáp, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay, theo thống kê, số người dân tộc thiểu số chưa nói thông, viết thạo chữ tiếng Việt khoảng 15%, trong đó có cả người tái mù chữ, người chưa được đi học do nhiều yếu tố khách quan.

“Đây là chính sách giáo dục rất tốt của chúng ta trong nhiều năm, nhưng vẫn còn tỉ lệ trên”, ông Hầu A Lềnh nói và cho hay tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.