Thế giới giao thông

Nữ phi công đầu tiên của Rwanda

04/07/2014, 10:13

Esther Mbabazi kéo chiếc túi đi về phía cầu thang lên chiếc Boeing 737 đỗ trên đường băng Sân bay quốc tế Kigali. Như thường lệ, hôm nay, cô có chuyến bay từ Thủ đô Rwanda tới Juba...

Esther Mbabazi, 26 tuổi là nữ phi công đầu tiên của Rwanda
Esther Mbabazi, 26 tuổi là nữ phi công đầu tiên của Rwanda


Mơ giấc mơ lớn


Đối với cô gái 26 tuổi Mbabazi, điểm đến không phải là điều quan trọng. Với cô, sự an toàn của hành khách trong suốt chuyến bay và tới ga cuối cùng là ưu tiên lớn nhất. Cô là phi công nữ đầu tiên của Rwanda và đã làm việc cho hãng Hàng không quốc gia RwandaAir được hai năm. Mbabazi kể: “Khi 4 tuổi, tôi đã muốn lớn lên trở thành một phi công. Trước đó, tôi chưa bao giờ được bước lên một chiếc máy bay nhưng tôi thường thấy chúng trên bầu trời và đã tưởng tượng rằng con chim sắt khổng lồ đó được điều khiển bởi một con người. Tôi nghĩ mình phải cố gắng cho ước mơ đó và bây giờ, tôi ở đây”.


Trong suốt thời thơ ấu, gia đình Mbabazi thường xuyên chuyển chỗ ở vì bố cô là một mục sư. Ngay cả sau khi cha cô mất trong một vụ đâm máy bay ở Congo, Mbabazi cũng không từ bỏ ước mơ trở thành phi công. 


Cô nhớ lại: “Ngay từ ngày đầu tiên, bố tôi đã luôn là người ủng hộ giấc mơ của tôi. Bố mất khi tôi 10 tuổi vì tai nạn máy bay. Tuy nhiên, tôi nghĩ tai nạn là tai nạn. Chẳng lẽ khi ai đó trong gia đình bạn gặp tai nạn giao thông, bạn sẽ không bao giờ sử dụng phương tiện giao thông nữa. Bạn không thể sống một cuộc đời mà cứ phải sợ hãi hết thứ này đến thứ khác. Nếu có chuyện gì không hay xảy ra, bạn biết là không thể làm gì để ngăn chúng được”. 


Vì thế, Mbabazi tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu trở thành phi công, điều mà chưa một phụ nữ nào sống trên đất nước của cô từng làm được trước đó. 


Khi học xong trung học, cô đóng gói hết đồ đạc, mua vé một chiều để đi học tại trường đào tạo phi công ở Uganda. Cô nói: “Quyết định đi học là quyết định từ phía tôi thôi. Tôi cứ đến trường, nếu họ không chấp nhận, tôi sẽ đóng gói đồ đạc và quay trở về nhà. Đó là cách tôi đến và học trường đào tạo phi công. Thực sự là một hành trình dài”. 


Một năm sau đó, Mbabazi bắt đầu được huấn luyện với RwandaAir tại Miami và quá trình tìm hiểu thế giới hàng không, thế giới của những chiếc máy bay của cô bắt đầu. Cô kể: “Kí ức tuyệt vời nhất là khi tôi được bay tới những thành phố khác nhau. Ở trên cao, bạn có thể nhìn rõ quang cảnh rộng lớn bên dưới. Bạn sẽ thấy tất cả những gì một con chim có thể nhìn thấy.”

Phân biệt giới tính trong buồng lái


Bây giờ, nữ phi công trẻ này đã trở thành người đi tiên phong trong ngành công nghiệp vốn bị thống trị bởi những người đàn ông từ trước tới nay ở Rwanda. Tuy nhiên, cô nhận thức rõ sẽ bị để ý, quan sát nhiều hơn, chặt chẽ hơn vì giới tính của mình: “Trên thực tế, không ai nhận xét rằng: “Ồ, chiếc máy bay bị tai nạn là do đàn ông lái mặc dù điều đó xảy ra nhiều. Tuy nhiên, khi có một người phụ nữ trong khoang lái, bất cứ lỗi sai nào xảy ra, họ sẽ bị nhắc đến”. 


Mbabazi nhớ lại một sự cố xảy ra trước đây, khi một hành khách nam bất ngờ phát hiện phi công lái máy bay chuyến của anh ta là nữ. Ngay lập tức anh ta quay lại cửa ra máy bay và từ chối đi chuyến đó. Cơ trưởng đã nói: “Chúng tôi rất vui được để anh lại. Anh đã trả tiền vé nhưng từ chối bay, lí do từ chối của anh không thuyết phục và không liên quan đến vấn đề an toàn. Anh không muốn đi chỉ vì anh không muốn bay với một phụ nữ chính vì thế chúng tôi sẵn sàng khởi hành chuyến bay này mà không có anh”. 


Mbabazi không bao giờ để cho những định kiến hẹp hòi chiến thắng và cô quyết định sẽ tiếp tục làm việc để trở thành hình mẫu cho nhiều phụ nữ khác ở quốc gia châu Phi này. Cô hi vọng rằng với nhiều thành quả đạt được, cô sẽ tạo cảm hứng cho những người phụ khác, những người có thể không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ chạm đến được công việc mà họ mơ ước. 


Cô nói một cách đơn giản: “Thời thế đã thay đổi. Phụ nữ hiện tại cũng ra ngoài đi làm. Công nghệ đã thay đổi và tất cả những người có khả năng suy nghĩ đều có thể làm việc. Bây giờ không còn là thời mà công việc đòi hỏi bạn phải có bao nhiêu cơ bắp, bao nhiêu sức khỏe”. 

Minh Hương

(Theo CNN)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.