Thế giới

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc xua tan đồn đoán tuyệt giao

29/03/2018, 08:23

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một chuyến thăm đầy bất ngờ tới Bắc Kinh.

34

Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một chuyến thăm đầy bất ngờ kéo dài 4 ngày tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Trước những cuộc đàm phán cấp cao quan trọng với Hàn Quốc và Mỹ, ông Kim đã cho thấy Bình Nhưỡng vẫn có “một người bạn lớn” là Bắc Kinh, xua tan những đồn đoán trước đó nói rằng, Trung Quốc và Triều Tiên đã gần như đoạn tuyệt bang giao.

Khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống

Chuyến thăm của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đến Trung Quốc đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho thế giới rằng, bất chấp những tin đồn ngược lại, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn là đồng minh thân cận, các nhà phân tích trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 28/3 cho hay.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi kế nhiệm cha làm lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào tháng 12/2011, diễn ra trước khi các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu.

Tại các buổi hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un, tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Triều Tiên được đề cao hơn bao giờ hết, đáng để tâm hơn là những lời ca tụng nhau đều đến từ cả hai phía.

Tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng này không chỉ được vun đắp từ nhiều thế hệ lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc mà còn càng được khẳng định bởi chuyến thăm đầu tiên của ông Kim ra nước ngoài là tới Trung Quốc, chứ không phải nước nào khác.

Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming bình luận rằng, chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un cũng nhằm dập tắt những đồn đoán việc Trung Quốc không còn tiếng nói tác động tới Triều Tiên và trấn an ông Tập Cận Bình rằng, Triều Tiên không có ý định thắt chặt quan hệ với Mỹ để đánh đổi mối quan hệ với Trung Quốc.

Theo ông Zhou, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa hiểu những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Do vậy, ông Kim có thể muốn tranh thủ bối cảnh này để thúc đẩy các lợi ích của Triều Tiên bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc trước khi ngồi vào đàm phán với Tổng thống Trump.

Điểm lại các sự kiện trong quá khứ có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã thực hiện bốn cuộc thử nghiệm hạt nhân và hơn 80 lần phóng tên lửa, khiến cộng đồng quốc tế lên án, trong khi Bắc Kinh đã có thái độ gần gũi hơn với Washington và ủng hộ một loạt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng khi ông Kim Jong-un gần như không tiếp thu các cảnh báo của Bắc Kinh.

Vì thế, không chỉ vun đắp thêm tình hữu nghị truyền thống hai nước, chuyến đi của ông Kim còn được nhìn nhận như sự tìm kiếm “hậu thuẫn” trước các cuộc đàm phán quan trọng sắp tới về bán đảo Triều Tiên. Còn Trung Quốc cũng không muốn chế độ lãnh đạo của ông Kim Jong-un sụp đổ và sự can thiệp quân sự của Washington ở sát sườn biên giới của mình.

Cổ ngữ có câu “Hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau”, trong hoàn cảnh bị cô lập về kinh tế và áp lực rất lớn từ các nước phương Tây, hẳn Bình Nhưỡng rất cần sự ủng hộ từ “người bạn lâu năm” Trung Quốc.

Thông điệp tới Washington

Ông Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Học viện Lowy (Australia) cho rằng, có thể cảm nhận Triều Tiên muốn đảm bảo rằng, Trung Quốc ủng hộ một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump, đặc biệt sau khi ông John Bolton, người từng kêu gọi đánh phủ đầu Triều Tiên, vừa lên làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên Đại học Montreal (Canada) cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ làm việc cùng nhau trước các cuộc gặp gỡ giữa ông Kim với hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ, cũng giống như việc cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cũng tới Trung Quốc năm 2000 trước khi gặp các nhà lãnh đạo Hàn Quốc vào tháng 6/2000.

Và nếu có sự ủng hộ từ Bắc Kinh đối với cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ, các yêu cầu của Triều Tiên sẽ có “trọng lượng hơn”, chẳng hạn như việc yêu cầu giảm bớt áp lực lên Triều Tiên, giảm bớt số quân Mỹ tại Hàn Quốc hay chấm dứt hoàn toàn tập trận quân sự với Mỹ - Hàn, học giả Hardy-Chartrand nhận định.

Còn với Trung Quốc, chuyến thăm của ông Kim làm giảm sự thất vọng mà họ có thể cảm thấy khi đứng ngoài cuộc tranh luận về vấn đề Triều Tiên và kết quả là các hội nghị thượng đỉnh dự kiến với ông Moon Jae-in và ông Donald Trump.

Tại bữa tiệc chiêu đãi ông Kim Jong-un và phu nhân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Bất kể tình hình quốc tế và khu vực thay đổi như thế nào, chúng tôi sẽ nắm vững xu hướng phát triển toàn cầu và tổng thể của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Triều Tiên, tăng cường những chuyến thăm cấp cao, truyền thông chiến lược, mở rộng trao đổi và hợp tác, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và nhân dân các nước khác”.

Như vậy, dù chưa nói rõ cam kết an ninh tuyệt đối hay sự hỗ trợ quân sự trong trường hợp Mỹ tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh cho thấy một lập trường, “láng giềng” vẫn cần có nhau. Và sắp tới đây, sẽ có nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước cũng như các hoạt động trao đổi, hợp tác khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.