Thế giới

Ông Moon Jae-in và giấc mơ thống nhất hai miền Triều Tiên trước 2045

23/08/2019, 06:52

Thống nhất hai miền Nam - Bắc Triều Tiên từ đó biến bán đảo thành một siêu cường ở Đông Bắc Á là giấc mơ mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

img
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nắm tay nhau bước qua ranh giới giữa hai nước tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm

Ông Moon Jae-in mong muốn biến điều đó thành sự thật vào năm 2045. Tuy nhiên, tham vọng này đối mặt với nghi ngờ khó có thể trở thành hiện thực từ cả trong và ngoài nước.

Chính sách ánh dương

Giấc mơ thống nhất Hàn Quốc - Triều Tiên được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hé lộ trong bài phát biểu mừng ngày Độc lập Hàn Quốc 15/8. Trong đó, ông Moon bày tỏ hy vọng sẽ thúc đẩy hoà giải với Triều Tiên và có kế hoạch hai miền sẽ thống nhất hoà bình vào năm 2045.

Ông Moon nhất mực tin tưởng vào chiến lược được gọi tắt là “chính sách ánh dương” tức là tìm cách để hợp tác thay vì cô lập Triều Tiên. Tờ National Interest cho rằng, theo quan điểm của ông chủ Nhà Xanh, thống nhất hai miền không chỉ có thể thực hiện được mà còn rất đáng để khao khát.

Tổng thống Hàn dự đoán: “Một khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, đây sẽ trở thành một trong 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới”. Khi chỉ có một quốc gia trên bán đảo Triều Tiên, các doanh nghiệp từng xa lánh và tránh né Triều Tiên vì mạng lưới các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ quay trở lại và đổ tiền vào đầu tư.

Trong một năm nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc quyết định sử dụng sức ủng hộ chính trị trong nước để bắt đầu cách tiếp cận toàn diện với nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên.

Cùng với những nỗ lực từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, chỉ chưa đầy một năm, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã ba lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh. Lần gần đây nhất diễn ra vào tháng 9/2018 trong đó đưa ra chi tiết thoả thuận phi hạt nhân hoá nhằm hạ nhiệt căng thẳng dọc khu vực phi quân sự, bình thường hoá liên lạc song phương và mở đường cho các cuộc đàm phán nghiêm túc khác.

Song, năm 2019 lại không đạt được nhiều tiến triển. Các cuộc đàm phán liên Triều bị đình trệ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bước ra khỏi Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội (Việt Nam) mà không đưa ra được tuyên bố chung.

Những phản ứng bất ngờ

Mong muốn thống nhất của ông Moon có vẻ không mới mẻ với người dân Hàn Quốc và thế giới bởi đây là điều bao đời chủ nhân Nhà Xanh đề ra và muốn hiện thực hoá. Điều thu hút sự chú ý nhất là phản ứng của Triều Tiên như thế nào trong bối cảnh hai nước vừa mới đạt được một số thành tựu trong ngoại giao.

Chỉ 1 ngày sau thông báo của ông Moon, Ủy ban Thống nhất Hoà bình của Triều Tiên (CPRC) đã ra tuyên bố rõ ràng: “Chúng tôi không có gì để bàn bạc thêm với giới chức Hàn Quốc và cũng không có ý định ngồi lại bàn đàm phán với họ thêm lần nào nữa”.

Theo tờ NK News, sở dĩ Bình Nhưỡng có thái độ như vậy vì với họ, đối thoại với Seoul chỉ đơn giản không phải là ưu tiên hàng đầu mà chủ yếu tập trung tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt, đầu tư và trợ cấp.

Tuy nhiên, đây lại là những điều ông Moon không thể thực hiện được ở thời điểm này bởi vẫn còn một chướng ngại vật vô cùng lớn đó là các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc.

Trung Quốc và Nga có khả năng xử lý linh hoạt các lệnh trừng phạt nếu nó mang đến lợi ích quốc gia nhưng Hàn Quốc lại không thể. Bởi nền kinh tế xuất siêu của họ quá phụ thuộc vào trật tự thế giới và hơn hết Seoul cần phải tránh bất cứ trường hợp nào có thể khiến Nhà Trắng tức giận.

Hiện nay, Mỹ vẫn sử dụng các lệnh trừng phạt là “át chủ bài” để gây sức ép với Triều Tiên nếu Hàn Quốc lại nới lỏng thì không khác nào đâm sau lưng Mỹ.

Theo NK News, Triều Tiên muốn chính quyền Tổng thống Moon nỗ lực hết sức để vận động hành lang Liên hợp quốc có thể để nới lỏng hoặc xoá bỏ các lệnh trừng phạt đang tạo thành vòng vây siết chặt kinh tế nước này. Phía Hàn Quốc cũng đã có động thái nhưng với Bình Nhưỡng có lẽ là chưa đủ.

Bên cạnh đó, ngay ở trong nước, tham vọng của ông Moon về Triều Tiên đối mặt với sự nghi ngờ đa chiều từ giới truyền thông Hàn Quốc. Tờ Chosun Ilbo có bài viết đầu tháng 8 cho rằng, ông Moon có lẽ không còn tỉnh táo.

Tờ Korea JoongAng Daily thể hiện không tin tưởng vào chính sách Triều Tiên của ông Moon: “Hàn Quốc phải tự trách mình vì tình hình đáng thương hiện tại… Seoul đã thể hiện quá háo hức trước mối quan hệ Mỹ - Triều và vai trò của Hàn Quốc tự nhiên trở nên vô nghĩ khi hai bên đối đầu nhau”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.