Thế giới giao thông

Ông Trump và lời hứa 1 nghìn tỷ USD tái thiết hạ tầng nước Mỹ

28/12/2020, 06:29

Sau 4 năm ông Donald Trump cam kết “khủng” là huy động 1 nghìn tỉ USD tái thiết cơ sở hạ tầng, nền tảng giao thông Mỹ không thay đổi nhiều.

img

Vấn đề hạ tầng xuống cấp, già cỗi tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm đã được bàn tới từ hàng thập kỷ nhưng Mỹ chưa thể giải quyết vì còn vướng mắc tài chính (Trong ảnh: Vụ sập cầu tại Minneapollis từ năm 2007)

4 năm trước, khi ông Donald Trump vận động tranh cử vào Nhà Trắng, một trong những cam kết “khủng”, đánh trúng tâm lý người dân giúp ông thắng cử là huy động 1 nghìn tỉ USD tái thiết cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông. Nhưng, sau 4 năm, nền tảng giao thông của Mỹ không có nhiều thay đổi.

Kêu gọi nhưng không có biện pháp cụ thể

Năm 2016, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Trump tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sửa sang lại thành phố, tái thiết đường cao tốc, cầu, hầm, sân bay, trường học, bệnh viện, mang đến việc làm cho hàng triệu người”.

Thậm chí, vị tỷ phú bất động sản mới thắng cử khi đó còn tự nhận mình là “Tổng thống tái thiết”, khẳng định sẽ tổ chức hàng loạt “tuần lễ hạ tầng” kêu gọi đầu tư vào giao thông, điện lưới và hệ thống nước.

Tuy nhiên, một vài sự kiện được tổ chức đều trùng lặp và bị phủ bóng bởi nhiều sự kiện không liên quan khác. Chẳng hạn Tuần lễ Hạ tầng đầu tiên trùng vào phiên điều trần trước Quốc hội của cựu Giám đốc FBI James Comey, theo Bloomberg.

Tháng 2/2018, chính quyền của Tổng thống Trump đề ra kế hoạch huy động tới 1.700 tỉ USD để tái thiết hạ tầng, trong đó 200 tỉ huy động từ địa phương và 1.500 tỉ còn lại là nguồn vốn xã hội hoá. Tuy nhiên, kế hoạch này bị các Nghị sĩ đảng Dân chủ bác bỏ vì chỉ nhấn mạnh dùng quỹ bang, địa phương, đầu tư tư nhân.

Kể cả các Nghị sĩ Đảng Cộng hoà của ông Trump cũng phải đặt câu hỏi: “Tiền đâu? Huy động như thế nào?”

Năm 2019, trong bài phát biểu mang thông điệp liên bang, ông Trump một lần nữa kêu gọi đầu tư vào hạ tầng song lại không đưa ra được biện pháp cụ thể, mang tầm cỡ liên bang.

Vì chi phí quá cao nên những vấn đề tầm vĩ mô như hạ tầng không thể giải quyết riêng rẽ theo từng bang. Một nguồn chi lớn cho hạ tầng của liên bang là thuế nhiên liệu, vẫn y nguyên như năm 1993, ở mức 0,048 USD/lít trong khi bối cảnh hiện tại đã thay đổi.

Theo đánh giá của nhiều chính trị gia như Thị trưởng TP Austin, bang Texas, ông Steve Adler, Chính phủ của ông Trump không thực sự ưu tiên chủ đề hạ tầng lên hàng đầu.

Phân bổ lệch

Thực chất, trong suốt 4 năm, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thực hiện được một số dự án hạ tầng nhưng không được đánh giá cao, thậm chí còn bị chỉ trích là chệch hướng.

Chẳng hạn năm 2018, Bộ Giao thông Mỹ phân bổ ¼ số tiền có sẵn cho khu vực nông thôn dù dân số tại những nơi này chỉ chiếm 14% tổng dân số Mỹ. Trong khi đó, những dự án tại đô thị đông đúc, quy mô lớn đang xuống cấp lại bị đình trệ. Đến mức sau đó, Quốc hội Mỹ phải siết lại mức trần tối đa số tiền được phân bổ cho khu vực nông thôn, ngăn chặn chính quyền phân bổ lệch.

Nhiều dự án quan trọng nhưng không được xúc tiến thực hiện vì bế tắc chính trị, điển hình như dự án Gateway trị giá 30 tỉ USD, nâng cấp đường sắt của công ty Amtrak và đường sắt chở khách kết nối New York và New Jersey.

Ban đầu, dự án này được xếp đầu danh sách nhu cầu tái thiết vì được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong kinh tế khu vực và tạm thời nhận được sự ủng hộ lớn từ chính quyền ông Trump. Nhưng đến cuối năm 2017, quan chức Bộ Giao thông Mỹ bất ngờ dừng tổ chức các cuộc họp dự án.

Năm 2018, Bộ trưởng Giao thông đương nhiệm Elaine Chao phát biểu trước Quốc hội cho biết, ông Trump muốn huỷ cấp vốn cho dự án này. Theo bà, “Tổng thống lo ngại tính khả thi của dự án khi hai địa phương chủ chốt là New York và New Jersey lại không chia sẻ rủi ro”.

Sau đó, Gateway tiếp tục bị lui lại trong năm 2019, đồng nghĩa chi phí dự tính bị đội thêm hàng triệu USD. Cuối cùng, nhiều nhà tài trợ dự án đã rút đề nghị hùn vốn, thậm chí huỷ luôn kế hoạch, theo báo cáo năm 2020 do Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ.

Theo Bloomberg, nguyên nhân thực sự khiến dự án hạ tầng quan trọng này vẫn nằm trên giấy tờ là do hiềm khích chính trị giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thượng Nghị sĩ New York Chuck Schumer.

Kế hoạch 1 nghìn tỉ USD mới thiếu thực tế

Giữa năm 2020, nhiều thông tin đồn đoán, chính quyền của ông Trump tiếp tục đề xuất ngân sách hạ tầng 1 nghìn tỉ USD mới tập trung vào các dự án giao thông để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, câu hỏi tiền đâu để thực hiện một lần nữa được đặt ra. Bản thân các nghị sĩ đảng Cộng hoà cũng lo ngại thâm hụt ngân sách và nợ liên bang trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhiều nhà phân tích như bà Henrietta Treyz, Giám đốc Chính sách kinh tế tại Công ty Veda Partners nhận định rằng: “Đề xuất gói kích cầu 1 nghìn tỉ USD của Nhà Trắng là không thực tế”. Trước hết là do thời điểm đề xuất ngay trước ngày bầu cử nên các nhà đầu tư chắc chắn sẽ nghe ngóng kết quả trước ra khi quyết định.

Ngoài ra, theo nhóm phân tích đến từ công ty nghiên cứu Height Capital Markets, khi dịch bệnh hoành hành khiến nền kinh tế Mỹ rệu rã như hiện nay, mối quan tâm dành cho xây dựng hạ tầng không thể được ưu tiên như nhu cầu y tế, hồi phục kinh tế.

Cuối cùng, sau 4 năm, các chuyên gia đánh giá, Tổng thống Mỹ Donald nói nhiều, đề xuất lớn nhưng làm được ít.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.