Chính trị

Phải trình Luật Biểu tình tại kỳ họp Quốc hội tháng 3 tới

24/02/2016, 13:42

Ủy ban TVQH yêu cầu trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ XI tới đây theo đúng chương trình dự kiến.

tong-thi-phong
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị để có thể trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ XI tới đây

Sáng nay (24/2), tiếp tục phiên họp thứ 45, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe vào thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp thứ XI, Quốc hội khoá XIII.

Trình bàyTờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ XI, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, dù là khoá họp tổng kết nhiệm kỳ nhưng khối lượng các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ XI tới đây cũng tương đối nhiều.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật tiếp cận thông tinLuật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Riêng đối với dự án Luật biểu tình đã nhiều lần bị lùi lại, lần này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Ủy ban đã lên kế hoạch thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có chương trình xem xét dự án luật này.

“Nếu trong tháng này Chính phủ không có chương trình xem xét dự án luật này thì không thể nào làm được, bởi đây là một dự án luật rất nhạy cảm. Nếu Chính phủ không có kế hoạch xem xét trong tháng này thì cũng đề nghị dừng lại, chứ không làm vội vàng, không đảm bảo yêu cầu. Cái đó sẽ báo cáo Quốc hội”, ông Khoa nêu quan điểm.

Dẫn ra việc Bộ Chính trị đã đồng ý đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Vẫn phải bảo đảm kế hoạch như vậy”.

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến nên không có lý do gì không nghe.

“Việc chuẩn bị chưa xong thì tiếp tục phối hợp giữa các bên để thực hiện đúng nội dung chương trình như kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại đầu phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – bà Phóng nói.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong khoảng 16 ngày (không kể ngày nghỉ), trong đó phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào ngày 9/4. Kỳ họp cũng sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và 4 Nghị quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.