Xã hội

Phấn đấu khởi công vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội vào tháng 6/2023

22/05/2023, 14:21

Những tháng đầu năm 2023, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung triển khai.

Triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia

Sáng 22/5, trong phiên họp Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Những tháng đầu năm 2023, đã tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thu NSNN vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Theo báo cáo thẩm tra, nhiều doanh nghiệp gặp khó, dừng hoạt động sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực.

Doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định mới vượt cả các nước phát triển, chưa tính đến khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm tăng thời gian, thủ tục, chi phí tuân thủ.

“Do đó, Chính phủ cần đánh giá thêm vấn đề này để gỡ khó cho doanh nghiệp và vẫn đảm bảo phòng cháy, chữa cháy”, ông Thanh đề nghị.

Trong đó, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7km; tháng 6/2023 sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, hoàn thành, đưa vào sử dụng 310km đường bộ cao tốc (các tuyến: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) và một số tuyến đường bộ ven biển (Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định).

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2; 3 nhà máy đạm Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai...

Đồng thời, đang tích cực triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém.

Chính phủ sẽ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách người có công, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, chủ trương này liên tục phải lùi.

Trong khi chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Tuy nhiên trong 3 năm 2019-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể thực hiện được việc tăng lương cơ sở.

Tại kỳ họp thứ 4 (năm 2022), Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW; quyết nghị tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023. Sắp tới phải thực hiện triệt để cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW là trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo quản lý.

Theo Nghị định năm 2004, lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, mức lương cao nhất của công chức (loại A1, nhóm 1, bậc 6) là 11,92 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất (loại C, nhóm 3, bậc 1) là 2,01 triệu đồng/tháng.

Từ 1/7 tới, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng cho lao động tại các doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Tinh giản biên chế, nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ. Tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung tiếp tục được thực hiện.

Cùng với đó, Chính phủ xác định đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng để đưa ra xét xử. Những vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố cũng sẽ sớm giải quyết…

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về các giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc.

Đồng thời, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành để có giải pháp thống nhất, an toàn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn cùng kỳ

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có xu hướng giảm, 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%).

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.