Thế giới giao thông

Phát hiện vật thể có khả năng chứa hộp đen máy bay QZ8501

07/01/2015, 07:07

Dù đã xác định được khu vực chiếc máy bay QZ8501 của AirAsia (Indonesia) gặp nạn nhưng hộp đen vẫn chưa được tìm thấy để biết được chính xác chuyện gì đã xảy ra.

Lực lượng tìm kiếm đa quốc gia đang tích cực tìm kiếm hộp đen
Lực lượng tìm kiếm đa quốc gia đang tích cực tìm kiếm hộp đen

Bồi thường ban đầu 32 nghìn USD/người

Hôm nay (7/1) - ngày thứ 11 sau vụ tai nạn thảm khốc trên biển Java khiến 162 người trên chuyến bay QZ8501 của hãng AirAisa gặp nạn khi đang trên hành trình từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore, ông Bambang Soelistyo, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết, đã tìm thấy 39 thi thể và 5 mảnh lớn của chiếc máy bay QZ8501 gặp nạn ngày 28/12/2014. 

Tuy nhiên, mới chỉ có 16 thi thể được nhận dạng, số còn lại đang gặp khó khăn bởi các thi thể đang trong giai đoạn cuối của quá trình phân hủy. 229 chuyên gia đến từ 27 tổ chức đang hỗ trợ để nhận dạng các nạn nhân. Hiện mới chỉ thu thập được các mẫu ADN để tiến hành nhận dạng cho 146 người trong tổng số 162 hành khách có mặt trên chiếc máy bay gặp nạn.

Để giảm bớt sự nóng lòng của các thân nhân, Đại tướng Moeldoko, Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia đã đề nghị họ lên tàu hải quân trong suốt quá trình tìm kiếm trên biển. Thân nhân những hành khách xấu số sẽ được đưa từ Surabaya tới đảo Borneo, rồi lên tàu hải quân để tới khu vực tìm kiếm. Cảnh sát trưởng Indonesia Sutarman cũng cam kết tất cả các thi thể sẽ được nhận dạng. Tuy nhiên, ông Sutarman cho biết, việc nhận dạng vân tay chỉ mất một vài phút, còn xét nghiệm ADN mất nhiều thời gian hơn.

Hôm qua, tờ Wall Street Journal cho biết, AirAsia Indonesia sẽ bồi thường bước đầu cho mỗi nạn nhân 300 triệu rupiah (32 nghìn USD). Trước đó, có thông tin số tiền bồi thường ban đầu là 24 nghìn USD cho mỗi người nhằm hỗ trợ trong giai đoạn tìm kiếm. Wall Street Journal dẫn lời David Thejakusuma -  người có 7 thành viên trong gia đình (trong đó có mẹ và em gái)  trên chuyến bay cho biết, ngày 5/1 đã được cấp tiền bồi thường.

Không dò được tín hiệu hộp đen

Mặc dù đã xác định được khu vực máy bay QZ8501 gặp nạn, nhưng hơn 10 ngày qua vẫn chưa xác định được vị trí hộp đen, để có câu trả lời chính xác cho thảm họa này. Thậm chí tín hiệu “ping” - tín hiệu định vị được phát ra khi gặp nạn, cũng không được dò thấy. Pin để “nuôi” tín hiệu kéo dài 30 ngày.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông  Toos Sanitiyoso, một quan chức thuộc Ủy ban ATGT Quốc gia Indonesia cho biết, các tín hiệu khác nhau và tiếng ồn từ quá nhiều tàu trong khu vực khiến việc tìm kiếm hộp đen máy bay QZ8501 trở nên khó khăn hơn. Khu vực này, mực nước từ 30-40 m và theo lý thuyết thì nên tránh những tiếng ồn quá to trong quá trình dò tìm tín hiệu hộp đen, ông Sulistyo nói.

Ông Daniel Clarke, Đại diện hải quân Mỹ cũng cho biết, tàu tuần duyên USS Fort Worth sẽ sử dụng thiết bị hình ảnh và định vị dưới mặt nước - Seascan để quét khu vực đáy biển nhằm tìm kiếm chiếc hộp đen của máy bay. Thiết bị này cho phép quét ở độ sâu khoảng 609 m. Ông Daniel Clarke cho biết thêm, thiết bị này có thể tìm thấy những thứ nhỏ như một quả bóng đánh gôn. 

Hôm qua (6/1), ông Yayan Sofyan, thuyền trưởng tàu tuần tra Hải quân Indonesia cho biết, đã phát hiện được một vật thể có khả năng lớn là phần đuôi máy bay - bộ phận chứa hộp đen máy bay. Ông Bambang Sulistyo tỏ ra lạc quan rằng “hộp đen máy bay có thể chỉ nằm đâu đó quanh xác máy bay” và “dựa trên các kinh nghiệm trong quá khứ, hộp đen không nằm cách xa các mảnh vỡ máy bay mà chúng tôi đã tìm được”, theo Straits Times.

Trước đó, ông Jim Hall, cựu Giám đốc Ban ATGT Quốc gia Mỹ kêu gọi nâng cấp khả năng theo dõi máy bay theo thời gian thực: “Bất cứ ai cũng có thể được định vị qua chiếc điện thoại thông minh và NASA có khả năng chụp ảnh các vì sao cách hàng tỷ năm ánh sáng nhưng chúng ta lại phải dự đoán nơi chiếc máy bay có thể gặp nạn”, ông Jim Hall nói. 

Còn CNN dẫn lời chuyên gia hàng không Mary Schiavo rằng: “Công nghệ theo dõi dựa trên thời gian thực đã có sẵn. Chúng ta không phải đợi để phát triển nó. Những chiếc máy bay nên gửi dữ liệu liên tiếp về các trạm không lưu”.

Trong khi chưa tìm thấy hộp đen, mọi giả thiết vẫn nghiêng về yếu tố thời tiết, cụ thể là hiện tượng đóng băng đột ngột dẫn đến thảm họa này.

Hà Phương

Hộp đen máy bay là gì?

Hộp đen máy bay dùng lưu trữ thông tin chuyến bay được làm bằng vật liệu siêu cứng chống va đập, không bắt lửa, chịu được nước muối, kích thước khoảng 20 x 30 cm,  thường được đặt ở đuôi máy bay để giảm thiểu các tác động khi gặp sự cố. Hộp đen do Tiến sĩ David Warren ở Melbourne, Australia phát minh vào khoảng năm 1954.

Hộp đen gồm hai phần chính: Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR). FDR được nối với các thiết bị cảm ứng đặt ở nhiều nơi trên máy bay cung cấp các thông số thay đổi theo thời gian về hướng di chuyển, tốc độ, độ cao, chênh lệch áp suất, điều khiển tay lái, tình trạng nhiên liệu... CVR được nối với micro đặt trong buồng lái, ghi lại những âm thanh (như lời nói, tiếng bật công tắc, tiếng gõ cửa...). Thường có bốn micro đặt trên đầu phi công chính, phi công phụ, phi công thứ ba (nếu có) và ở giữa buồng lái. 

Hộp đen còn được trang bị một hệ thống giúp định vị vị trí của nó, phát ra sóng âm thanh ở 37,5 kHz với tần suất một lần/giây trong suốt 30 ngày.

Có tên gọi “hộp đen” vì ban đầu thiết bị này thường được sơn màu đen. Ngày nay, nó được sơn các màu sáng, thường là màu cam để dễ tìm kiếm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.