Chuyện dọc đường

“Phí chia tay” là phí gì?

14/06/2019, 06:43

Gọi là “phí chia tay” không chính xác, thậm chí nực cười. Theo tôi, khoản thu đó nên được đặt lại tên.

img
Một nhóm bạn trẻ tiễn bạn đi nước ngoài - Ảnh: K.Linh

Đề xuất thu “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đang nhận được vô số chỉ trích trên MXH.

Thoạt tiên, đọc tiêu đề các bài báo đăng tải ý kiến của đại biểu Hưng, tôi cũng bức xúc. Nhưng khi đọc kỹ nội dung bài phát biểu, lại thấy có nhiều điều cần bàn.

Trên nghị trường Quốc hội, ông Hưng có 2 đề xuất gây chú ý, một là thu phí chia tay, hai là cấm công dân Việt Nam ra nước ngoài vi phạm pháp luật, có hành vi làm bẩn môi trường, thiếu văn hóa…

Việc thu phí chia tay, ông Hưng sai rồi. Khi Nhà nước (bất kể nước nào, kể cả ở Nhật Bản) đề xuất một khoản thu mới thì luôn nhận được phản đối từ phía người dân. Ông lại “dũng cảm” đề xuất, lại gắn khoản thu này với từ “phí” luôn vô cùng nhạy cảm thì gây bất bình là đúng. Hơn nữa, gọi là “phí chia tay” không chính xác, thậm chí nực cười. Theo tôi, khoản thu đó nên được đặt lại tên.

Khoản thu này sẽ được sử dụng cho vấn đề bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài, nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động xuất nhập cảnh, kể cả tiền mua nụ cười của cán bộ thực thi công vụ.

Tôi thấy nhiều người bảo ông Hưng hồ đồ, việc đó đã có Nhà nước lo, đó là trách nhiệm của cán bộ Nhà nước. Nhưng thử hỏi, Nhà nước lấy nguồn lực từ đâu và đừng nói để thay đổi một cung cách phục vụ không cần khoản tiền khổng lồ đầu tư hệ thống, nhân sự và đào tạo chuyên nghiệp.

Đang sống ở nước ngoài, tôi đã trực tiếp thấy nhiều trường hợp người Việt gặp rắc rối về sức khoẻ cũng như về luật pháp nhưng không được hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đầy đủ từ cơ quan ngoại giao Việt Nam. Mà tôi chỉ có thể tự an ủi mình chắc do nước ta còn nghèo, không đủ chi phí cho việc này.

Nhiều trường hợp nhân phẩm, danh dự của công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng, ví dụ như tại một số nước, khi công dân Việt Nam nhập cảnh vào nước họ thì bị xếp hàng ở một khu vực khác. Hoặc khi công dân Việt gặp rắc rối về pháp luật, trông chờ một lá thư phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới chính quyền sở tại là không đủ.

Với cá nhân tôi, việc trả phí sáu chục hay một trăm nghìn đồng mỗi lần xuất cảnh là thỏa đáng, nếu nó được dùng vào những việc như đã liệt kê. Và cần nhất là minh bạch. Đừng dân túy, cứ thấy đóng góp là phản đối để rồi chấp nhận mãi mãi sự thua thiệt.

Là đại biểu, ông Hưng có quyền nêu ý kiến. Nếu hợp lý, việc tiếp thu, chỉnh sửa và đưa vào Luật như thế nào đã có các cơ quan chuyên trách của Quốc hội đảm nhiệm. Sao vội ném đá?

Đại biểu này còn có một đề xuất nữa rất hay nhưng không thấy cư dân mạng bình luận nhiều, đó là việc cấm công dân Việt Nam có các hành vi vi phạm pháp luật, phong tục tập quán nước sở tại.

Rõ ràng, cần có luật về quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, không được làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước. Mà việc này, lâu nay ta bỏ qua.

Tôi được biết, có doanh nghiệp lớn ở Việt Nam trước khi đưa cán bộ của mình ra nước ngoài học tập, tham quan đã phải thuê thày dạy pháp luật nước sở tại, kể cả cách ăn uống, thậm chí cả việc không cho ngồi xổm trên xí bệt, không vứt giấy vệ sinh vào toilet trên máy bay, không hút thuốc nơi công cộng… Nhưng có mấy đơn vị làm được thế? Và hàng ngày, hình ảnh xấu xí của người Việt vẫn đâu đó xuất hiện ở nước ngoài luôn làm những người có lòng tự tôn dân tộc thấy xấu hổ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, như vậy công dân Việt khi ra nước ngoài sẽ được tôn trọng hơn.

Mà để làm việc đó cũng cần kinh phí, trong khi hiện nay Nhà nước chỉ dành được khoảng 2 triệu USD cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.

Rõ ràng, nếu thu đúng, chi đúng, công khai cho toàn dân được biết thì đây là một giải pháp rất đáng cân nhắc. Ví dụ khoản ngân sách hiện nay cho bảo đảm quyền lợi người Việt ở nước ngoài, cho việc cải cách thủ tục xuất nhập cảnh, cho xúc tiến du lịch là bao nhiêu? Sau khi thu tiền xuất cảnh, khoản đó tăng thế nào và được chi vào những hạng mục cụ thể ra sao? Như vậy, mỗi công dân Việt Nam sẽ thấy được khoản đóng góp nhỏ bé của mình mang lại ý nghĩa lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.