Xã hội

Phiền hà khi xin xác nhận nơi cư trú

28/02/2023, 06:00

Vừa bỏ được sổ hộ khẩu, lại phát sinh một loại giấy tờ khác khiến người dân mất thời gian, tiền bạc “đi xin”.

Đâu cũng yêu cầu giấy xác nhận

img

Khi đi làm một số thủ tục hành chính người dân vẫn phải xin xác nhận cư trú

Anh Nguyễn Văn H. trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhưng làm việc ở Hải Phòng. Thời gian gần đây, anh chuyển công ty nên cần phải về công an địa phương xin giấy xác nhận cư trú.

Sau khi điền thông tin vào tờ khai, anh phải chờ đợi thêm 3- 5 ngày mới có thể lấy được giấy xác nhận.

“Trước đây, tôi chỉ cần cầm sổ hộ khẩu thì đi đâu hay làm gì cần xác nhận đều được. Bây giờ dù cầm căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp trong tay vẫn phải về địa phương để xin giấy xác nhận cư trú. Tôi đi làm ở xa, không phải lúc nào cũng về lấy hay có thể nhờ ai lấy hộ giấy xác nhận được”, anh Hùng cho hay.

Chị Minh A. (quê tại Thái Bình) lấy chồng trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị cùng chồng đã khai báo và đăng ký kết hôn trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, do không thấy hồi âm nên chị cùng chồng đã ra UBND phường để xác nhận.

“Khi ra phường xác nhận, tôi được hướng dẫn về quê xin giấy xác nhận cư trú và tình trạng hôn nhân của cả 2 người. Tôi phải xin lãnh đạo công ty nghỉ để về Thái Bình nhưng công an địa phương lại hẹn 2 - 3 ngày sau mới có”, chị A. nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai chia sẻ, các trường đang rất sốt ruột đợi hướng dẫn của Phòng Giáo dục quận về công tác tuyển sinh năm nay. Bởi mọi năm, trường xác nhận học sinh đúng tuyến dựa vào sổ hộ khẩu.

“Trước đây, trường nhận hồ sơ có bản photo sổ hộ khẩu của học sinh, sau đó đến ngày làm thủ tục nhập học sẽ đối chiếu với sổ hộ khẩu gốc.

Giờ không có hộ khẩu, việc xác định thông tin cư trú của trẻ xin nhập học không biết dựa vào đâu ngoài việc yêu cầu phụ huynh phải nộp giấy xác nhận cư trú. Điều này rất quan trọng để bảo đảm giải quyết nhu cầu nhập học khách quan, tránh tình trạng chạy trường”, vị hiệu trưởng nói.

Một cán bộ ở UBND phường tại TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua số lượng người đến xin giấy xác nhận cư trú tăng lên. Bởi từ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến đăng ký kết hôn, xin học... người dân đều phải đến phường xin giấy xác nhận cư trú.

Có thông tin nhưng không dùng được

Trả lời báo chí, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, đơn vị đã hướng dẫn 7 cách thức thay thế sổ hộ khẩu để các bộ, ngành, địa phương và người dân có thể sử dụng.

Đó là, sử dụng thẻ CCCD gắn chip - đây là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; Sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD có gắn chip; Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ; Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử; Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư; Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú.

“Việc sử dụng giấy xác nhận cư trú chỉ là phương thức cuối cùng trong 7 cách thức xác nhận nơi cư trú của công dân”, ông Vĩnh thông tin.

Tuy nhiên, thông tin với PV, một cán bộ phường ở TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho hay, phường chưa được trang bị hệ thống đọc chip.

Trong khi đó, thông tin trên CCCD chỉ có nơi ở chứ không hiện đầy đủ quá trình cư trú của công dân. Chính vì thế khi giải quyết cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, thủ tục công chứng... thì vẫn cần giấy xác nhận cư trú.

Một cán bộ công an thuộc quận Đống Đa (TP Hà Nội) cũng cho biết, hiện nay việc lấy thông tin hay xác minh thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn có thời điểm bị lỗi.

“Gần một tuần nay, chúng tôi không truy cập được thông tin của người dân trên hệ thống nên việc xác nhận cư trú bằng cách này bị ảnh hưởng”, vị cán bộ chia sẻ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định, Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú gồm: CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo luật sư, hiện chỉ có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở phải xuất trình sổ hộ khẩu theo quy định cũ để làm thủ tục công chứng.

Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy đã hết giá trị nhưng đơn vị công chứng, cơ quan đăng ký đất đai vẫn chưa đồng bộ hệ thống, chưa có thiết bị quét mã CCCD nên tạm thời người dân khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng đất đai vẫn phải xin xác nhận nơi cư trú để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật về chuyển nhượng nhà đất.

“Vì vậy, nếu trong một giao dịch chuyển nhượng nhà đất nào đó mà người dân vẫn bị yêu cầu nộp giấy xác nhận nơi cư trú thì tạm thời người dân nên thông cảm và chấp hành quy định này để thủ tục hành chính được hoàn thiện đúng quy định pháp luật”, luật sư Bình nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo (Đề án 06).

Trong số các nội dung của chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu (theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.