Thị trường

Phó Thủ tướng: Quy hoạch điện khó đáp ứng hết yêu cầu nguồn điện địa phương

16/04/2022, 12:17

Đăng ký công suất nguồn điện muốn đưa vào Quy hoạch điện VIII khoảng 520.000 MW đến năm 2030, gấp 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) ngày 15/4.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nhu cầu đăng ký công suất nguồn điện muốn đưa vào Quy hoạch điện VIII từ các địa phương rất lớn, ngưỡng gần 520.000 MW đến năm 2030, gấp 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia thời kỳ này.

Các địa phương cho rằng, mình có tiềm năng, lợi thế,... nên đề nghị tăng thêm quy hoạch điện.

img

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "Nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa thì giá thành sẽ cao"

Lãnh đạo một số địa phương miền Trung cho rằng, khu vực này có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nhưng nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực lại thấp. Do đó, khi căn cứ vào phụ tải thì khu vực được bố trí nguồn điện thấp.

"Nên quy hoạch nguồn điện theo địa bàn tỉnh chứ không chỉ theo vùng", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm góp ý.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng, cần quy hoạch chi tiết, phân bổ nguồn điện đến cấp tỉnh. Ông Long nhất trí với việc nên hạn chế phát triển thủy điện ở miền Trung.

Với Bình Định, có tiềm năng điện gió, ông Long bày tỏ mong muốn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ để xây dựng các trang trại điện gió quy mô lớn ngoài khơi.

Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, đường dây 500 KV lẽ ra chỉ đóng vai trò liên kết hệ thống, nhưng bây giờ mang vai trò như đoàn tàu chở hàng.

“Nếu cứ tiếp tục dồn tải lên sẽ không thể nào tải được vì bị giới hạn bởi kích cỡ đường dây, ngoài ra còn có vấn đề ổn định hệ thống. Việc truyền tải điện đi xa là "chuyện cực chẳng đã", hạn chế được thì tốt hơn”, Theo Thứ trưởng An

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói thêm, cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Bộ Công Thương theo phương pháp tổng thể, quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế nhưng cũng cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Bộ trưởng Công thương mong muốn các địa phương chia sẻ khó khăn với Bộ, với Chính phủ vì phải vẽ bức tranh trên nền cũ, nên "chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo".

Ghi nhận ý kiến từ địa phương, Bộ ngành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Mỗi địa phương phải xác định vừa phát triển cho địa phương, nhưng đồng thời phải phát triển cho đất nước, vì lợi ích người dân.

"Nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa thì giá thành sẽ cao, khi đó, người dân lại phải gánh mức giá cao này", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, với tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết", bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, Quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện 8 để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2022.

Tại bản trình mới nhất, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thay vào đó, chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.

Cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ giảm về 1,54. Qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỷ USD.

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình ngày 26/3/2021.

Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300 nghìn tỷ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hoà, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.