Xã hội

Phóng viên điều tra và những hiểm nguy rình rập

20/06/2021, 11:00

Họ phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm rình rập từ các đối tượng bị phản ánh, thậm chí phải đổ máu để hoàn thành nhiệm vụ.

img

Loạt bài điều tra 3 kỳ “Thâm nhập “lãnh địa” xe quá tải đất Cảng” đăng tải trên Báo Giao thông hồi tháng 11/2020

Điều tra sai phạm của hãng tàu

Đầu tháng 4/2020, khi mới chuyển công tác về Báo Giao thông được thời gian ngắn, tôi bất ngờ nhận được thông tin từ bạn đọc cung cấp về việc một hãng tàu lớn đang thu tiêu cực phí “bôi trơn” ở Hải Phòng. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Ban Biên tập, tôi cùng một đồng nghiệp có mặt ở điểm hẹn.

Khi gặp tôi, người này bắt đầu câu chuyện bằng những lời dò xét hết sức tế nhị, nhưng qua động viên, trao đổi thẳng thắn, anh bắt đầu cởi mở. Sau cái bắt tay trao gửi niềm tin, anh nói với tôi: “Việc này khó, tế nhị và liên quan đến nhiều người, thế nhưng anh chọn Báo Giao thông. Anh đã đọc Báo Giao thông nhiều năm, anh rất tin tưởng…”.

Và từ nguồn thông tin đầu tiên ấy, tôi bắt tay vào tìm hiểu các mánh khóe của việc hãng tàu thu tiêu cực phí “bôi trơn”. Để ghi lại những câu chuyện, hình ảnh chân thực, bằng chứng cụ thể nhất về vụ việc, tôi quyết định nhập vai người chạy lệnh cho doanh nghiệp để đi đến cùng sự việc.

Chỉ sau thời gian ngắn được đào tạo, tôi đã trở thành một người chạy lệnh thuần thục, các mánh khóe của nghề được tôi tiếp thu nhanh chóng, mọi việc vô cùng thuận lợi.

Thâm nhập được vào đã khó, để thu thập được thông tin, bằng chứng lại càng khó hơn. Nơi thu tiêu cực phí có rất nhiều doanh nghiệp đến làm thủ tục, vì vậy căn phòng hành chính tầng 5 đông nghẹt.

Hãng tàu cử một người “thân tín” đứng ra thu, mọi hồ sơ đều phải qua tay người này, còn bên ngoài thì luôn có người đứng quan sát, chính vì thế việc ghi lại hình ảnh là hết sức khó khăn. Ngày thứ nhất, tôi đã tay không trở về.

Nhưng rồi kiên trì, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng các biện pháp nghiệp vụ đã được rèn luyện, trau dồi, chúng tôi bắt đầu tiếp cận dễ dàng hơn với mục tiêu. Những hình ảnh thu tiêu cực phí “bôi trơn” của hãng tàu lần lượt được ghi nhận chân thực.

Cứ thế, 3 tuần liền, bức tranh hãng tàu thu tiêu cực phí “bôi trơn” hiện nên rõ nét. Những ghi nhận thực tế đã được phản ánh chân thực trong bài điều tra độc quyền được bạn đọc đón nhận.

Nguy hiểm rình rập

Còn nhớ, tháng 10/2020, khi được Ban Biên tập giao đề tài điều tra về những chuyến xe quá tải chở hàng từ các cảng ở Hải Phòng đi cửa khẩu ở Lạng Sơn, sau khi xây dựng các phương án tác chiến kỹ lưỡng, chúng tôi bắt đầu nắm bắt quy luật “ăn hàng” của các xe quá tải. Việc vận chuyển hàng được thực hiện chủ yếu vào ban đêm, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Lúc này, cũng là lúc lực lượng chức năng dễ sơ hở nhất để các chuyến xe quá tải được đi an toàn.

Không chỉ vậy, để đảm bảo thông suốt, các phương tiện này còn được “chim lợn” dẫn đường chỉ lối hết sức tinh vi. Thậm chí, theo chân cả lực lượng chức năng, khi nào sạch bóng thì chúng mới bắt đầu di chuyển.

Ngày đầu tiên theo chân những chuyến hàng quá tải, chúng tôi “bất lực” vì không thể kiểm tra được các xe hàng này do lực lượng chức năng đang say nồng trong giấc ngủ.

Đến ngày thứ 2, phương án tác chiến kỹ lưỡng hơn, 3 tổ nhỏ được chia ra và bắt đầu kiểm soát tuyến đường các phương tiện quá tải có thể chạy qua. Đồng thời, tổ thứ 4 sử dụng luôn bài của các “chim lợn”, tiến hành “ăn ngủ” tại cổng cơ quan chức năng, sẵn sàng kêu gọi phối hợp khi phát hiện đoàn xe quá tải.

Một vài chiếc xe quá tải bắt đầu “sa lưới”, thành quả đã đem lại niềm vui nho nhỏ cho chúng tôi. Thế nhưng, cũng từ đó, những nguy hiểm bắt đầu rình rập. Những chiếc xe của chúng tôi đi đến đâu đều có người theo dõi, thậm chí sẵn sàng gây nguy hiểm.

Nhiều lần, khi chúng tôi theo chân đoàn xe quá tải thì phía trước chúng tôi cũng là 2 - 3 chiếc xe ô tô con khác lạng lách, đánh võng trên đầu ngăn cản không cho vượt lên.

Cũng có lần, những người trên chiếc xe này chạy xuống ngăn cản, thách thức, thậm chí gây gổ với chúng tôi để cho các xe quá tải di chuyển. Nguy hiểm nhất là những chiếc xe này còn chèn ép khiến cho xe của chúng tôi suýt chút nữa thì lao xuống bờ sông ven đường…

Vượt lên mọi nguy hiểm vất vả, thậm chí phải trả giá bằng máu, chúng tôi đều chấp nhận. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của những nhà báo điều tra lại chính ở việc cơ quan chức năng “ngó lơ” những đề nghị phối hợp, thậm chí nhiều nơi còn cung cấp thông tin ngược gây nguy hiểm đối với những nhà báo đang thực hiện nhiệm vụ.

Đã có rất nhiều lần, khi những nhà báo đến cơ quan chức năng làm việc thì khi vừa ra khỏi trụ sở cơ quan công quyền, họ bắt đầu bị truy sát, thậm chí nhiều nhà báo đã đổ máu.

Với tôi, sau khi làm những tuyến bài điều tra, phản ánh tiêu cực, đã rất nhiều lần tôi nhận được những tin nhắn đe dọa, nhưng cũng nhiều lần nhận được lời động viên của bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc. Đó là niềm vui nho nhỏ thúc đẩy tôi tiếp tục cống hiến, phanh phui những mặt trái, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Với rất nhiều những nỗ lực, các bài báo điều tra đã được bạn đọc đón nhận, cơ quan chức năng ghi nhận và có những chỉ đạo kịp thời. Tuyến bài “Thâm nhập “lãnh địa” xe quá tải đất Cảng” đã được Bộ GTVT, UBND TP Hải Phòng và các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý. Sau tuyến bài, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức cân trọng tải, tuần tra kiểm soát 24/24h, đến nay tình trạng xe chở quá tải tại các cảng và trên địa bàn Hải Phòng đã vắng bóng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.