Xã hội

Phóng viên kể chuyện bị dọa giết khi điều tra vụ chùa Ba Vàng

20/06/2019, 07:02

Nhóm phóng viên điều tra của Báo Lao động chịu rất nhiều áp lực sau khi phóng sự về chuyện “thỉnh vong” ở chùa Ba Vàng được đăng tải.

img
Một căn phòng tập trung những người vào thỉnh vong

Vào cuối tháng 3/2019, sau khi phóng sự về chuyện “thỉnh vong” ở chùa Ba Vàng được đăng tải, dư luận dậy sóng suốt một thời gian dài. Nhóm phóng viên điều tra của Báo Lao động thời điểm đó đã chịu rất nhiều áp lực. Và cho đến những ngày tháng 6 này, nhiều người trong số họ vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn dọa “lấy mạng”.

Lần tìm từng manh mối thông tin

Chia sẻ với Báo Giao thông về quá trình tác nghiệp, nhà báo N. - trưởng nhóm phóng viên điều tra của Báo Lao động đề nghị không nêu tên, không phải vì anh sợ mà bởi những lý do tế nhị khác.

Anh kể, quá trình điều tra bắt đầu từ nguồn tin của người dân cho biết, những người cao tuổi đi chùa Ba Vàng về thường có những biểu hiện rất lạ. Họ thường nói lại với con cháu rằng “mai sau chết đi, có bao nhiêu tiền bạc của cải thì đều để lại cho nhà chùa”, chứ không theo lẽ thường là để lại cho con cháu. Thậm chí, có những người khi đi chùa về thì nói với con cháu rằng mỗi tháng phải dành cho mình một khoản tiền nhất định để mang đến chùa...

Nhớ lại câu chuyện của một người đàn ông quê Sơn La, hành nghề xe ôm ở Hà Nội, anh N. kể: “Người đó bị vợ “lôi kéo” lên chùa Ba Vàng “thỉnh vong” chữa bệnh đau nhức xương khớp, thế nhưng bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng thêm do ngừng dùng thuốc của bệnh viện. Khoảng 2 năm trước, rất nhiều người cùng quê ông cũng dắt díu nhau lên chùa Ba Vàng để “thỉnh vong” với niềm tin sắt đá rằng sẽ chữa được hết bệnh tật và hóa giải mọi xui xẻo trong cuộc sống. Người đó nói giá như báo đăng tải phóng sự sớm hơn thì gia đình đã không mất 20 triệu cho “vong”, trong khi tiền đó phải đi vay. Khi báo đăng, dư luận dậy sóng, vợ ông và nhiều gia đình khác cùng quê đã hết mê muội”.

“Câu chuyện trên là một trong vô vàn câu chuyện mà bất cứ ai có thể vô tình nghe được ở đâu đó trong thời điểm vụ “thỉnh vong” chùa Ba Vàng được công bố. Thời điểm ấy, mỗi ngày, đường dây nóng của Báo Lao động cũng nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của bạn đọc hoan nghênh phóng sự điều tra bởi chính câu chuyện và nỗi bức xúc của mình đã được phản ánh chân thực và thuyết phục”, anh N. kể.

Theo trưởng nhóm điều tra, từ trước Tết 2019, các phóng viên đã nghe thấy nhiều người nói chuyện những người đi chùa Ba Vàng mải mê đến nỗi ngày Tết cũng không ở nhà với gia đình. Tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì hầu như không có thông tin tiêu cực về chùa Ba Vàng, điều này cho thấy đội ngũ quản trị thông tin rất chuyên nghiệp. Nhóm phóng viên đã chuyển hướng tham gia rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội và xác minh từng thông tin nhỏ nhất.

Do đây là câu chuyện nhạy cảm liên quan đến tôn giáo, nhóm phóng viên đã xin ý kiến ban biên tập và được chỉ đạo triển khai theo hướng: Dù nhạy cảm nhưng hiện tượng một nhóm người đang dựa vào tôn giáo để làm việc mờ ám nhằm trục lợi thì vẫn phải phản ánh.

Trước tính chất phức tạp của đề tài, đầu tiên ban biên tập bố trí 3 phóng viên, sau đó tăng dần, cuối cùng có tới 7 người cùng tham gia thực hiện phóng sự này. Trong đó, một nữ phóng viên được phân công cải trang thành một phật tử cùng ăn ở, niệm kinh như hàng nghìn người khác đang có nhu cầu và chờ đến lượt thỉnh vong.

Hai tháng điều tra để có clip 6 phút

img
Một cửa kiểm soát nghiêm ngặt tại khu thỉnh vong của chùa Ba Vàng

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện loạt phóng sự này, nhóm đã đặt mục tiêu phải thể hiện được phóng sự dưới hình thức đa phương tiện, quan trọng nhất là video để tạo sự thuyết phục thay vì chỉ dùng ảnh và text (chữ) như thông thường. Mục tiêu này vô cùng khó khăn bởi để vào được căn phòng cuối cùng, tận thấy những màn mặc cả, kỳ kèo, vòi tiền người đi thỉnh của các “vong”, nhóm phóng viên đã phải đi qua ít nhất 3 cửa kiểm soát an ninh của những người tại chùa.

Mỗi cửa an ninh, tất cả đồ đạc, tư trang đặc biệt là những thiết bị có thể ghi âm, ghi hình đều bị “cấm cửa”. Những dạng thiết bị tình nghi có thể quay lén như đồng hồ, móc khóa cũng bị “lột sạch”. Đội ngũ nhân sự dày đặc của chùa Ba Vàng kiểm soát tình hình mọi ngóc ngách trong khu thỉnh vong, họ liên hệ với nhau qua bộ đàm với nhiều tổ, nhóm hết sức chuyên nghiệp. “Có thời điểm chúng tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ vì không thể nào tìm được cách ghi hình những điều diễn ra trong “căn phòng cuối”, nhà báo N. kể và cho biết, khó khăn nhất là việc đặt camera ghi lại hoạt động trong chùa Ba Vàng.

“Để quay được camera làm bằng chứng, rất may là do thời gian ở trong chùa, nữ phóng viên trẻ nhập vai quá tốt, hàng ngày gõ mõ tụng kinh nên mọi người đã quen mặt. Và chỉ trong một vài khoảnh khắc, nữ phóng viên đã quay được những hình ảnh quý giá”, nhà báo N. kể.

Ngoài những phóng viên tác nghiệp “vòng trong”, nhóm có những người phụ trách “vòng ngoài” là những khu vực khác tại chùa với mục tiêu ghi nhận cái nhìn toàn cảnh về các hoạt động của chùa Ba Vàng.

Theo nhà báo N., điều quan trọng là tất cả những chứng cứ, dữ liệu đều phải được cụ thể hoá bằng clip, hình ảnh rõ nét và lưu trữ cẩn thận. Sau hơn 2 tháng với nhiều lần đi lại giữa Hà Nội - Uông Bí, nhóm cũng đã thu thập được đầy đủ những chứng cứ cần thiết. Trong khoảng thời gian này, nhóm phóng viên vẫn thực hiện các công việc tại tòa soạn như bình thường, không ai biết cả nhóm làm gì, ở đâu, ngoại trừ ban biên tập và lãnh đạo các ban có phóng viên tham dự thực hiện loạt phóng sự.

Khi mọi việc đã hòm hòm, một khó khăn nữa lại đến khi với gần 300GB dữ liệu, các phóng viên phải tìm cách chắt lọc thành một video súc tích, dễ hiểu và thuyết phục, dài 6 phút. Công việc này mất đúng 1 tuần.

Bị nhắn tin đe dọa hàng ngày

Tối 19/3, tại toà soạn Báo Lao động, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Hiển ngồi trước màn hình máy dựng xem đi xem lại nhiều lần phóng sự dài hơn 6 phút nhóm phóng viên đã hoàn thành. Ông trầm ngâm: “Ngày mai, báo đăng chắc chắn sẽ rất nhiều áp lực, nhưng chúng ta phải ngăn chặn những kẻ lợi dụng sự u mê của người dân để trục lợi, vấy bẩn lên triết lý đạo Phật”.

Đêm hôm ấy, 7 thành viên trong nhóm trằn trọc và gần như không thể ngủ. Tất cả đều chờ đợi phản ứng của dư luận, của nhà chùa và các cơ quan chức năng sau gần 3 tháng miệt mài.

8h ngày 20/3, phóng sự “Truyền bá vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ” được đẩy lên trang chủ báo Lao động điện tử. Chưa đầy 2 tiếng sau, nhiều tờ báo điện tử khác dẫn lại bài viết, mạng xã hội lan truyền chóng mặt phóng sự dài hơn 6 phút đó.

Ngày 26/3, UBND TP. Uông Bí đã tổ chức họp báo thông tin về việc buộc dừng hoạt động thỉnh vong, oan gia trái chủ sai phép tại chùa Ba Vàng. Chiều cùng ngày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng tổ chức họp báo khẳng định việc “thỉnh vong”, oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng là đi ngược với triết lý Phật giáo và đạo đức xã hội. Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh bị tạm đình chỉ toàn bộ chức vụ trong Giáo hội.

Ngày 29/3, đồng loạt các báo dẫn lời xin lỗi của trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh đến với nhân dân, phật tử và phóng viên cả nước vì đã để xảy ra những bê bối tại chùa.

Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý là chỉ ít giờ sau khi báo đăng, Facebook cá nhân của 3/7 phóng viên bị đánh sập. Thậm chí, nhóm còn nhận được nhiều tin nhắn của người dân nói rằng có người thuê giang hồ “lấy mạng của phóng viên Báo Lao động với giá 500 triệu đồng/người”.

Là người có đam mê và ít nhiều trải nghiệm với các tuyến bài điều tra gai góc, nhà báo N. cho biết, những diễn biến đó chưa đủ khiến anh cảm thấy lo lắng. Dù ngay cả đến bây giờ, anh và các đồng nghiệp vẫn hàng ngày nhận được những tin nhắn đe dọa “lấy mạng”, khủng bố tinh thần. Bởi theo anh, những người làm báo điều tra thực thụ thì nguy hiểm luôn rình rập, với nhiều dạng thức khác nhau. Quan trọng hơn, bên anh và các đồng nghiệp luôn có sự ủng hộ của dư luận, sự bảo vệ của pháp luật và điều đó khiến họ rất vững tâm.

“Thực ra, những người áp lực nhất không phải là chúng tôi - nhóm phóng viên mà là Ban Biên tập, đứng đầu là Tổng biên tập. Tôi biết Tổng biên tập đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại...”, trưởng nhóm điều tra vụ chùa Ba Vàng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.