Góc nhìn

Phủ quyết đường ống dẫn dầu, ông Obama đối đầu lưỡng viện Mỹ

26/02/2015, 10:57

Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức phủ quyết dự luật xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu từ Canada.

111
Ông Obama tuyên bố  rất nghiêm túc và cẩn trọng khi sử dụng quyền phủ quyết của một tổng thống để bác bỏ dự luật Keystone XL

Hiện thực hóa cuộc đối đầu Nhà Trắng - Quốc hội

Động thái trên diễn ra sáng qua (25/2 - theo giờ VN). Đây là lần thứ ba ông Obama sử dụng quyền phủ quyết, bác bỏ các văn bản pháp luật được Thượng viện và Hạ viện thông qua và là lần đầu tiên bác bỏ dự luật của Quốc hội do Đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối. Điều này đã gần như hiện thực hóa cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và Quốc hội.

Trong thông điệp gửi tới Thượng viện, ông Obama nhấn mạnh rằng, ông đã rất nghiêm túc và cẩn trọng khi sử dụng quyền phủ quyết của một tổng thống để bác bỏ dự luật Keystone XL. Vị tổng thống này cũng tuyên bố sẽ “chịu trách nhiệm với nhân dân về động thái này”.

Ngay sau đó, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell - lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện tuyên bố sẽ có một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội (mà bỏ qua hành động phủ quyết của ông Obama) sẽ được tổ chức sau ngày 3/3 tới. Tại cuộc bỏ phiếu này, nếu Đảng Cộng hòa kiếm thêm được 4 phiếu tại Thượng viện, 11 phiếu tại Hạ viện để đạt 2/3 số phiếu thì dự luật sẽ đương nhiên trở thành luật mà không cần Tổng thống phê chuẩn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, phe Cộng hòa khó có thể kiếm thêm được đủ số phiếu cần thiết.

Dự án xây dựng tuyến đường ống Keystone XL từ Canada xuyên qua lãnh thổ nước Mỹ được lên kế hoạch 6 năm trước, với tổng vốn hơn 8 tỷ USD, do Tập đoàn TransCanada Corp (Canada) và Tập đoàn ConocoPhillips (Mỹ) đầu tư. Tuyến đường ống dài 3.462 km chạy qua 6 bang của Mỹ, dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800 nghìn thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở bờ biển phía Nam nước Mỹ.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cùng ngày tuyên bố: Tổng thống Obama vẫn có thể phê chuẩn Keystone XL sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn tất đánh giá về những tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên, thời gian cụ thể không được đưa ra.

Nguy cơ đóng cửa Bộ An ninh Nội địa

Tới đây, sẽ có 13 dự luật do Đảng Cộng hòa bảo trợ nằm trước nguy cơ bị phủ quyết. Nhất là khi trước đó, Thượng viện Mỹ thất bại lần thứ tư không thông qua dự luật ngân sách gần 40 tỷ USD cho Bộ An ninh Nội địa vì tranh cãi giữa Chính phủ và Quốc hội về vấn đề nhập cư. Bộ này sẽ có nguy cơ đóng cửa một phần sau đêm 27/2 nếu Quốc hội không thông qua.

Trong tuần này, ngân sách sẽ cạn và việc đóng cửa bộ này sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Hơn 100 nghìn nhân viên biên phòng, thanh tra cảng biển, an ninh sân bay phải nghỉ việc không lương. Khoảng 230 nghìn nhân viên khác vẫn phải làm việc không lương cho đến khi Quốc hội thông qua ngân sách.

Còn Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson thì thất vọng trước việc Quốc hội không thể thông qua dự luật chi tiêu và cảnh báo điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ đất nước.

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John Barasso chỉ ra nguyên nhân bất đồng giữa Nhà Trắng và Quốc hội không phải do vấn đề chi ngân sách mà vì sắc lệnh về người nhập cư của ông Obama hồi cuối năm ngoái đã giúp cho hàng triệu người nhập cư không giấy tờ thoát cảnh bị trục xuất. Theo ông Barasso thì sắc lệnh này là phi pháp và chỉ có Quốc hội mới phù hợp ban hành chính sách nhập cư.

Hiện, một số nghị sỹ Cộng hòa kêu gọi gia hạn ngân sách thêm 1 - 2 tháng để có thời gian giải quyết bất đồng giữa các bên. Điều này sẽ cho phép Bộ An ninh Nội địa Mỹ tiếp tục hoạt động đầy đủ trong khi một tòa án liên bang sẽ xem xét sắc lệnh nói trên của ông Obama.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.