Thời sự

Phương Tây gọi đường Hồ Chí Minh là kỳ tích quân sự

18/05/2014, 15:17

Ở đỉnh cao của 16 năm hoạt động, tuyến đường tiếp tế chiến lược này đã chạy khắp Đông Dương bất chấp một lượng bom đạn lên tới 4 triệu tấn trút xuống để huỷ diệt.

LTS: Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, kỷ niệm 55 ngày mở đường Hồ Chí Minh và ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Báo Giao thông xin giới thiệu bài viết của tác giả người Anh Virgnia Morris về con đường này.

Kỳ 1: Yếu tố quyết định

Đường Hồ Chí Minh là một yếu tố quyết định trong thất bại của chế độ được Mỹ hỗ trợ đóng ở Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Ở đỉnh cao của 16 năm hoạt động, tuyến đường tiếp tế chiến lược này đã chạy khắp Đông Dương bất chấp một lượng bom đạn lên tới 4 triệu tấn trút xuống để huỷ diệt. Cho tới khi chiến tranh kết thúc, khoảng 1 triệu tấn hàng đã được chuyển tải và 2 triệu quân đã vượt Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh, vào miền Nam.

Đường Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh
Đường Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh - tuyến tiếp tế chiến lược cho chiến trường Miền Nam 

Sức kháng cự mãnh liệt của Đường Hồ Chí Minh đã đem lại cho nó vị trí trong lịch sử nhân loại, như một trong những kỳ tích quân sự vĩ đại nhất. Có hai lý giải căn bản cho thành công của đường Hồ Chí Minh. Thứ nhất, là sự định hướng và chỉ đạo chuẩn xác từ các cấp lãnh đạo cao nhất, con đường phát tích từ những năm 1940, với đường Nam tiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai, là sự bổ nhiệm tướng Đồng Sĩ Nguyên – vị  Tư lệnh thứ tư, và là người chỉ huy lâu năm nhất của bộ đội Trường Sơn.

Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập một đường giao thông bí mật. Được gọi là đường “Nam tiến”, nó phải đảm bảo an toàn cho cán bộ Đảng đi công tác từ Cao Bằng xuống đồng bằng sông Hồng. Ông Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, và các phương pháp xây dựng hành lang của ông đã được vận dụng rộng rãi bởi các đồng chí của ông về sau. Chính từ hàng lang giao thông này đã hình thành Khu căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là một nhân tố quyết định dẫn tới cuộc cách mạng tháng Tám, và tới thành công của cuộc chiến chống Pháp

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị thiết lập một con đường Nam tiến mới, nối căn cứ Việt Bắc với Nam Bộ. Trong tiến trình này, năm 1947, Phạm Ngọc Thảo được giao nhiệm vụ mở đường giao thông bí mật từ tỉnh Khánh Hòa nối với các chiến khu ở Nam Bộ. Ông Thảo lúc đó đảm nhiệm trọng trách Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ. 

Cần nhắc tới công trạng của ông Thảo về mặt này. Ông là người đầu tiên mở đường tiếp tế trên biển. Phát kiến này của ông giúp ta hiểu dạng đường tiếp vận này sẽ được kiến thiết ra sao trong tương lại, dưới dạng đường Hồ Chí Minh trên biển, đối đầu với chiến tranh hiện đại của Mỹ. Thứ hai, ngay từ cuối 1947, trung đoàn 81 vận tải hậu cần tiếp thu tuyến vận tải biển này (từ tay ông Thảo) đã không ngừng mở rộng nó. Tới cuối cuộc chiến chống Pháp, hành lang trên biển này đã trải ra trên một tuyến dài tới 300 km từ Phú Yên tới Bà Rịa. Hành lang thời đó này cũng được gọi Đường Hồ Chí Minh (trên biển), và một tên gọi (về sau sẽ được phương Tây dùng) để chỉ đường vận tải chiến lược trong cuộc chiến chống Mỹ.

Từ khi chuẩn bị chiến trường tại Điện Biên năm 1954, tướng Võ Nguyên Giáp đã biết khâu hậu cần phải hoàn hảo mới giành được chiến thắng. Một trong những điều tiên quyết, về mặt quân sự, là triển khai các trận địa pháo. Ông chỉ thị cho quyền Tư lệnh đại đoàn công – pháo 351 Đào Văn Trường cử công binh làm sẵn các con đường được ngụy trang. Điều này cho phép xe tải và dân công tiếp tế, và nhất là kéo pháo các loại, cơ động được tới các vị trí thuận lợi, tiếp cận tập đoàn cứ điểm của Pháp.

Các cựu chiến binh tham chiến ở Điện Biên Phủ cho rằng sai lầm lớn nhất của Pháp không phải là chọn sai chiến trường cho trận quyết chiến, mà do đã đánh giá sai khả năng của Việt Minh. Có hai trong những điểm mạnh trong triển khai lực lượng của Việt Minh: (1) năng lực làm đường ô tô tại những địa bàn từng được xem là không thể thi công (2) tập kết được lực lượng lớn dân công, mà lao động của họ được đánh giá như của đàn ong thợ. Hai yếu tố trên cho phép điều chuyển một khối lượng lớn lương thực, thuốc men, vũ khí hạng nặng và quân dụng qua các dãy núi tới một vùng xa hậu cứ của Việt Minh. Năng lực hậu cần này giúp Việt Minh dàn quân trên mặt trận lớn, đánh một chiến dịch dài ngày, diễn biến phức tạp. Đây chính là điều Pháp không ngờ tới, và vì thế không lập phương án sẵn sàng đối phó. 

Virgnia Morris là tác giả phương Tây đầu tiên nhấn mạnh vai trò tiên quyết của tuyến “hành lang” chiến lược trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, và chống Mỹ.

Bà là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đường Hồ Chí Minh - Đường đi tới tự do” (History of the Ho Chi Minh Trail: The Road to Freedom), và từng dành rất nhiều thời gian ở Việt Nam để sưu tập tư liệu viết nên cuốn sách này.

Tác giả và cuốn scsh viết về đường Hồ Chí Minh
Tác giả và cuốn sách về đường Hồ Chí Minh

 

 

 

Lê Đỗ Huy (Dịch từ bài viết của Virgnia Morris)

Tựa đề các kỳ do toà soạn đặt

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.