Thời sự

QH cho chủ trương, biết đâu gọi được vốn nước ngoài làm Long Thành

04/11/2014, 19:44

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói, nếu Quốc hội cho chủ trương, biết đâu có nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Long Thành.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh:  Minh Thăng

Mặc dù tại hầu hết các tổ thảo luận chiều nay, 4/11, có không ít ý kiến vẫn lo ngại về hiệu quả, cách huy động vốn làm cảng hàng không Long Thành, đã thực sự cần thực hiện siêu dự án này hay chưa trong bối cảnh ngân sách khó khăn và nợ công rất đáng lo ngại, tuy nhiên, phóng viên cũng ghi nhận nhiều ý kiến khẳng định cần sớm thông qua chủ trương để Chính phủ có cơ sở làm báo cáo tiền khả thi, trình tổng mức đầu tư, thời điểm đầu tư cũng như khả năng huy động vốn.

"Nếu ấn nút làm luôn là câu chuyện khó trong bối cảnh nguồn tài chính hiện nay. Nhưng tôi ủng hộ nhất trí thông qua chủ trương việc xây dựng cảng hàng không, còn thời gian, quy mô, thời điểm cụ thể thì cân nhắc giai đoạn tiếp theo" - ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu.

Tại tổ Thanh Hóa, đại biểu Lê Nam nói, tính cấp thiết của dự án, theo tôi đã rất rõ. Chính phủ báo cáo, Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, việc phải có một cảng hàng không hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển trong 10 năm nữa thậm chí sau năm 2030 là rất hiện hữu. Mở rộng Tân Sơn Nhất là không khả thi, phải di chuyển nửa triệu dân, rất khủng khiếp, đó là chưa nói tới hạ tầng giao thông quanh cảng hàng không không đáp ứng nổi.

Cái mà cử tri và đại biểu lo ngại, đặt ra nhiều nhất là câu chuyện ngân sách. Nhưng Chính phủ mới trình Quốc hội xin ý kiến, nếu được đồng ý mới bắt tay nghiên cứu tiền khả thi, khi đó mới rõ được nhiều con số. Dựa vào đó Quốc hội mới xem xét quyết định. Tôi cho rằng nếu có chủ trương cho làm Long Thành, biết đâu có nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn làm, ông Nam nói.

Quốc hội cho chủ trương, Chính phủ mới làm báo cáo tiền khả thi được

Cũng đồng tình với việc Quốc hội nên thông qua chủ trương đầu tư cảng hàng không Long Thành, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Thanh Hóa) nói QH cho chủ trương thì Chính phủ mới có tiền làm báo cáo tiền khả thi. Khi đó chúng ta mới rõ được hiệu quả và khả thi hay không. Ông Bình dẫn chứng trước kia khi có chủ trương đầu tư đường dây 500KV ý kiến phản ứng quyết liệt, nhưng sau nhiều năm thấy rõ hiệu quả.

ĐB Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) cũng cho rằng đầu tư Long Thành ngoài chuyện giảm tải cho Tân Sơn Nhất thì Việt Nam còn có một cảng hàng không xứng tầm một quốc gia có 100 triệu dân (2020) và cũng để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.

Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh phát biểu thảo luận tại tổ Hưng Yên cho biết tập thể Chính phủ đã nhiều lần thảo luận, trình xin ý kiến Bộ Chính trị và được chấp thuận báo cáo ra Quốc hội dự án cảng hàng không Long Thành tại kỳ họp này.

Nhiều phương án đã được nghiên cứu song song với Long Thành, song việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải di dời hàng nghìn hộ dân, gây ô nhiễm tiếng ồn... nên ít khả thi. Tôi đồng ý Quốc hội thông qua chủ trương để Chính phủ lập báo khả thi. Từ lập dự án qua thẩm định, đến khi triển khai còn nhiều bước nữa, nếu không làm, e sẽ chậm, Đại tướng bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Chiến đề nghị các con số dự báo thuyết minh về lượng hành khách, hàng hóa phải thuyết phục hơn. Đồng thời chỉ rõ vai trò của Long Thành trong hệ thống giao thông chung của cả nước trong từng giai đoạn phù hợp. Ông Chiến lo ngại, nợ công tăng cao, huy động ODA đang giảm dần trong khi phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) chưa thành hiện thực nên việc xác định nguồn vốn cho từng giai đoạn cần đánh giá chặt chẽ, đảm bảo khả thi.

 

Đoàn TP HCM sẽ mời các chuyên gia cùng trao đổi làm rõ

 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) lại cho rằng còn thời gian để Quốc hội cân nhắc và cho ý kiến. Kể cả có chủ trương, Chính phủ có phương án cụ thể cũng phải xin ý kiến QH có đầu tư hay không.

Nếu làm rõ được là Tân Sơn Nhất không thể mở rộng được nữa thì có làm ngay hay không? Chính phủ nói rằng cần làm ngay, đường băng Tân Sơn Nhất không thể mở thêm được, nếu làm thêm để đạt công suất 25- 30 triệu khách thì phải di dời dân để làm đường băng thứ ba. Để trả lời câu hỏi này, đại biểu Lịch kiến nghị đoàn TP HCM và Ủy ban Kinh tế  mời chuyên gia tới trao đổi hai chiều để các đại biểu có thông tin chính xác.

Nếu nâng được công suất Tân Sơn Nhất lên 30 - 40 triệu thì 5, 10 năm nữa mới cần làm Long Thành. Nhưng nếu không thể mở rộng được Tân Sơn Nhất thì việc đầu tư Long Thành là bất khả kháng chứ không bàn là hiệu quả hay không hiệu quả nữa. Vì không làm thì vùng này không phát triển được nữa, đại biểu Lịch khẳng định.

Theo chương trình, tại kỳ họp này Quốc hội mới cho ý kiến chứ chưa biểu quyết về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, có đại biểu đề xuất nếu Chính phủ giải trình thỏa đáng những câu hỏi cử tri, đại biểu đặt ra, Quốc hội có thể cho ý kiến luôn tại kỳ họp này.

Sau buổi thảo luận tổ chiều nay, đến ngày 14/11 tới, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án đang thu hút sự quan tâm của báo giới cũng như của đa số cử tri này.

Anh Thiện - Minh Thành - P.Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.