Phát triển - Kết nối

QL14C thúc đẩy phát triển kinh tế dọc biên giới tỉnh Kon Tum

06/10/2021, 08:03

Hơn 100km QL14C qua Kon Tum đã được nâng cấp có vai trò to lớn và là điểm nhấn kinh tế xã hội các huyện dọc biên giới phát triển.

Giao thông mở lối

Từ thành phố Kon Tum đến Mô Rai (huyện Sa Thầy) chỉ trên 100km, hiện ra trước mắt chúng tôi là một rừng cao su bạt ngàn xanh tốt. Trên các đồi cao là những rẫy mì đang bước vào mùa thu hoạch. Một trong những điểm đến của chúng tôi là làng Le - làng của đồng bào dân tộc Rơ Măm.

img

QL14C là con đường mòn huyền thoại những năm chiến tranh

Một lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum kể rằng, trước đây Mô Rai như một “ốc đảo” bởi giao thông chia cắt, từ khi Tỉnh lộ 674 được Nhà nước đầu tư xây dựng, và giờ đây thêm con đường QL14C đang được nâng cấp và hoàn thành để chào mừng Đại hội đảng các cấp đã giúp Mô Rai thoát khỏi tình trạng biệt lập, từng ngày bừng lên sức sống mới...

Già làng A Blong chậm rãi kể: Mô Rai bao đời nay trung kiên với Đảng, với Bác Hồ, nên hôm nay mới có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Ngày xưa, người dân tộc Rơ Măm có quá nhiều hủ tục, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cùng với tuyến đường QL14C được nâng cấp, nhờ có cán bộ cách mạng đến chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên người dân đã có của ăn, của để. Đặc biệt, cán bộ đã bày cho cách “ăn chín, uống sôi”, biết phòng ngừa các loại dịch bệnh, nên sức khỏe của người dân đã được nâng lên đáng kể...

Đại diện lãnh đạo UBND xã Mô Rai cho biết: Nhờ QL14C và tuyến tỉnh lộ 674 được đầu tư, nâng cấp Mô Rai nay đã đổi thay nhiều rồi. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (2009-2019), được sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của nhân dân, đến nay đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể. Giai đoạn 2011-2019, xã đã huy động tổng các nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới được 12,179 tỷ đồng, xã đã đạt 13/19 tiêu chí.

img

Ngày nay QL14C đã giúp các buôn làng biên giới thay đổi diện mạo

Rút ngắn 1/2 quãng đường lên huyện mới biên giới Ia H’Drai

Theo tài liệu từ Sở GTVT, hơn 10 năm trước, khi tranh thủ được vốn, Ngành GTVT tiến hành đầu tư trước toàn bộ hệ thống cầu trên QL14C. Sau đó, hàng năm, từ nguồn vốn trung ương, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng gần 40 km (giai đoạn 2 - QL14C) qua huyện Ia H’Drai và đoạn từ trung tâm huyện Ngọc Hồi đến xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi). Đến nay, hai đoạn đường này được đầu tư hoàn thiện, đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Huyện Ia H’Drai được chia tách mới đó đã hơn 6 năm. Ia H’Drai là vùng đất biên giới nằm trong vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của tỉnh và đất nước. Đây là vùng đất giàu tiềm năng về đất đai, khoáng sản và tài nguyên nhưng do khó khăn về giao thông nên tốc độ phát triển bị hạn chế. Việc hoàn thành đầu tư nâng cấp, sửa chữa QL14C được người dân 3 huyện Ia H’Drai, Sa Thầy và Ngọc Hồi nhiệt tình đón nhận. Từ khi QL14C được nâng cấp đã đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội của các huyện vùng biên giới phát triển.

img

Nằm trên QL14C trung tâm huyện mới Ia H'Drai khang trang giáp biên giới Campuchia

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thạch - Bí thư Huyện ủy, cho biết: Từ khi thành lập huyện, muốn về trung tâm Kon Tum, cán bộ và người dân huyện phải vòng qua Gia Lai ra TP Pleiku. Tuyến QL14C là tuyến đường huyết mạch đi qua huyện được sửa chữa, nâng cấp, rút ngắn được 1/2 quãng đường về tỉnh lị. QL14C tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Đặc biệt, huyện Ia H’Drai có nhiều doanh nghiệp trồng cao su, có một số nhà máy chế biến mủ bao năm nay việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đều đi nhờ qua tỉnh Gia Lai vừa xa, vừa tăng chi phí vận chuyển. Vì vậy, việc QL14C được sửa chữa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với huyện. Khi con đường hoàn thành thì các phương tiện vận tải sẽ tập trung đi theo hướng từ Ngọc Hồi qua Sa Thầy, đến Ia H’Drai rồi về Gia Lai. Hàng hóa và các sản phẩm của người dân, doanh nghiệp làm ra thuận lợi giao thương, trao đổi, điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện, đời sống nhân dân được nâng cao.

“Khi con đường được đầu tư hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện cho buôn bán hàng hóa của người dân mà nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện. Một khi giao thông được thông suốt cũng giúp cho huyện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại huyện, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển…”- ông Thạch chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.