Quản lý

Quá khó để xử lý xe công nông

27/07/2014, 09:57

Số lượng xe đầu kéo tự chế tăng nhanh gây nguy cơ mất ATGT, nhất là tại vùng nông thôn. Tuy nhiên vấn đề này rất khó xử lý, bởi các phương tiện này cũng là "cần câu cơm" của người dân nơi đây.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 1 triệu  xe phương tiện trong đó có số lượng lớn máy cày, đầu kéo tự chế (xe công nông) phục vụ trong sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa. Số lượng xe đầu kéo tự chế tăng nhanh gây nguy cơ mất ATGT, nhất là vùng nông thôn. Tuy nhiên vấn đề này rất khó xử lý, bởi các phương tiện này cũng là “cần câu cơm” của người dân nơi đây.

Công nông vô tư chở người trên QL14
Công nông vô tư chở người trên QL14

Thượng úy Lưu Thanh Tùng - Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiện nay trong toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1 triệu phương tiện. Trong đó có khá nhiều xe công nông nhưng chỉ có 53.880 phương tiện được đăng ký biển số, còn lại là xe tự chế, người điều khiển không có gliấy phép lái xe. Một số xe không có đèn, người dân thường dùng phương tiện này để chở nhiều người không đảm bảo an toàn khi lưu thông, nhất là mùa mưa.

Từ năm 2012 đến 30/5/2014, tình hình TNGT do xe máy cày, xe độ chế gây ra đang có chiều hướng gia tăng. Tai nạn xảy ra trên khắp các tuyến đường, nhất là ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Có đến 37 vụ, 38 người chết, 11 người bị thương có liên quan đến loại phương tiện này.

Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: Lái xe không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ, thiết bị an toàn kỹ thuật không bảo đảm...

Một nguyên nhân nữa là ban đêm, người đi đường thường nhầm tưởng loại phương tiện này với xe máy vì chỉ có một đèn, không có đèn báo chiều rộng bề ngang thành. Người đi ngược chiều tránh không hết khiến xảy ra tai nạn.

Trước thực trạng trên, Phòng CSGT Đắk Lắk đã đề nghị Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm xe máy cày, xe độ chế vi phạm Luật GTĐB. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới và điều kiện của người lái xe tham gia giao thông. Đồng thời, tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe máy cày và cho ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của pháp luật; kiên quyết đình chỉ hoạt động với các cơ sở vi phạm.

Trong khoảng thời gian từ 1/3 – 30/5/2014 lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản trên 500 trường hợp xe máy cày, đầu kéo vi phạm. Trong đó, 316 trường hợp không giấy phép lái xe (60,4%), 307 trường hợp không chứng nhận đăng ký (58,7%), 2 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe, 17 trường hợp xếp hàng làm lệch xe, 6 trường hợp tự ý cải tạo trái quy định, 6 trường hợp đi không đúng phần đường... và ra quyết định xử phạt 376 trường hợp. 

Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian qua CSGT trong toàn tỉnh đã có nhiều biện pháp xử lý răn đe, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tuân thủ các quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người dân do thiếu hiểu biết nên đã cố tình tránh né việc học bằng lái A4, trốn tránh đăng kiểm, đến khi lực lượng CSGT làm việc thì phản ứng về chế tài phạt quá cao. Những việc như thế này đều phải giải thích cặn kẽ về các quy định của pháp luật để người dân hiểu tuân theo".

Trong thời gian gần đây, với việc tăng cường TTKS trên các tuyến đường của lực lượng chức năng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên số vụ vi phạm về sử dụng phương tiện xe đầu kéo, máy cày tự chế giảm hẳn. Người dân đã ý thức trong việc đăng ký, đăng kiểm, học bằng lái A4.

“Ngườii dân khó khăn vất vả mới mua được các phương tiện này để sử dụng chuyên chở các vật tư và nông sản… thế nên việc xử lý cần quyết liệt trong triển khai, nhưng linh động trong xử lý vi phạm, để tạo chuyển biến trong ý thức cho người dân nhưng không gây bức xúc cho người bị xử lý”, Đại tá Nguyễn Văn Đức nói.

Ngoài ra, từ cuối năm 2013, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk tổ chức thí điểm đào tạo GPLX hạng A4 cho các đối tượng lái xe công nông (tự chế, đầu ngang, máy kéo nhỏ) với kinh phí lên tới 500 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí của Ủy ban ATGT Quốc gia.

Theo đó mỗi huyện chọn 100 người có hoàn cảnh khó khăn thuộc một số xã để được học GPLX hạng A4 miễn phí. Chính quyền các địa phương lựa chọn, lập danh sách người dân tham gia khóa học. Trường Cao đẳng nghề số 5, thuộc Trung tâm đào tạo nghề tại Đắc Lắc chịu trách nhiệm đào tạo có trách nhiệm chọn địa điểm hợp lý thuận lợi cho người học tại các huyện để mở lớp đào tạo.

Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.