Xã hội

Quảng Ninh: Chất thải rắn bị đổ tràn lan xuống cầu cảng, mặt biển

31/03/2023, 06:00

Do không có bãi tập kết, xử lý, người dân ở xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đổ chất thải rắn tràn lan xuống mặt biển, cầu cảng.

Nằm ở vùng II của vịnh Hạ Long và tiếp giáp vịnh Bái Tử Long, xã đảo Thắng Lợi cách trung tâm huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chừng 40km và cách TP Cẩm Phả chừng trên 30km. Xã có 4 thôn với 442 hộ/1.850 nhân khẩu.

Xã đảo Thắng Lợi có lợi thế về du lịch, nhưng một vấn đề rất đáng quan ngại đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này là công tác bảo vệ môi trường.

Bởi công tác quản lý, xử lý chất thải rắn của địa phương đang bị buông lỏng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến việc phát triển du lịch trong tương lai.


img

Cầu cảng ở xã Thắng Lợi bị xuống cấp, một phần đổ sập ảnh hưởng đến luồng vào của phương tiện

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại khu vực cầu cảng ở thôn Quyết Thắng trơ ra những ụ, đống chất thải bị đổ thẳng xuống khu vực mép nước.

Chiếc cầu cảng này vốn đã cũ nát, xuống cấp nay lại có thêm những bãi chất thải rắn bủa vây càng gây nhếch nhác.

img

Vùng mặt nước, chất thải rắn bị đổ tràn lan

Theo con đường xuyên đảo ở thôn Quyết Thắng dù về hướng trụ sở UBND xã hay xuôi về phía dân cư nơi đầu Đông Bắc của đảo đều có thể thấy những bãi chất thải đổ tràn lan cạnh đường hay mép biển.

Chất thải rắn ở đây chủ yếu là vật liệu từ các công trình nhà cũ hay đất đá san, gạt làm mặt bằng bị người dân đưa ra đổ tràn lan khắp đường làng, ngõ xóm, mặt biển.

img

Các chất thải từ hoạt động xây dựng bị người dân đổ thẳng xuống biển

Do được xử lý thủ công, nên nhiều rác thải vẫn còn đánh đống cạnh mép biển. Khu vực bãi tập kết rác thải nằm ở đầu gió, nên gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư phía trong.

Đáng nói, vùng mặt biển chia cắt khu vực trung tâm xã với khu vực thôn Cống Đông lâu nay được người dân xã Thắng Lợi tận dụng để nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, cách đó không xa là chất thải bị đẩy xuống nước khiến cho khu vực nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

img

Một đống chất thải rắn bị sóng biển cuốn trôi

Cách trung tâm xã Thắng Lợi không xa cũng là vùng mặt nước nuôi trồng thủy sản rất lớn. Với công tác quản lý, xử lý chất thải, rác thải như hiện nay khiến cho vùng biển này có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng của thủy sản.

img

Các loại phao xốp làm lồng bè, chất thải đổ tuỳ tiện ra biển

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, một vị lãnh đạo UBND xã Thắng Lợi cho biết: Hiện trên địa bàn có 2 khu xử lý rác thải tạm thời ở khu vực Cống Đông và Cống Tây. Khu xử lý rác thải tập trung mới đang được xây dựng, chưa đưa vào sử dụng.

img

Đất, đá do san gạt, làm nền công trình cũng được người dân vô tư trút xuống biển

"Cái khó của xã là điểm tập kết rác ở bên Cống Đông lại cách biệt qua eo biển. Vào những ngày triều cường, bão gió thì rác thải sinh hoạt không thể đưa từ bên trung tâm xã sang được.

Xã đã nhiều lần đề xuất nâng cấp cầu cảng và làm cầu vượt để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa thực hiện tốt công tác vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được", vị lãnh đạo xã Thắng Lợi cho hay.

img

Khu vực chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt bằng biện pháp thủ công đang gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư khu vực trung tâm xã Thắng Lợi và vùng biển phụ cận

Liên quan đến công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, vị lãnh đạo xã Thắng Lợi cho hay, xã có tổ chức thu gom và chuyển về điểm xử lý tạm để xử lý, không có chuyện đổ tràn lan…(!?)

Bờ biển Thắng Lợi có cảnh quan rất đẹp, từng là thương cảng Vân Đồn trong hành trình "Con đường tơ lụa" từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu Âu ngày xưa. Nơi đây hiện còn lưu lại rất nhiều dấu tích về một thời kỳ phồn thịnh.

20 năm trước, ngày 29/3/2003, Di tích Thương cảng cổ Vân Đồn được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, bao gồm 5 chùa và 1 ngôi bảo tháp, 2 bến thuyền cổ mang dấu ấn của văn hóa các thời Lý, Trần, Mạc.

Vụng biển kín gió giữa 2 đảo Cống Đông và Cống Tây là nơi neo đậu tàu thuyền, từng được coi là trung tâm thương cảng của nước Đại Việt, giao thương buôn bán sầm uất dưới thời Lý, Trần.

Về phong cảnh tự nhiên, xã Thắng Lợi có rất nhiều cảnh đẹp, tập trung ở các đảo nhỏ như: Thẻ Vàng, Tùng Con, đảo Rìa... Các đảo này nằm cách biệt hẳn trung tâm xã và đều có bãi biển đẹp, khi du lịch phát triển thì rất thích hợp với các tour theo đoàn nghỉ qua đêm, bởi cách xa cuộc sống ồn ào thường ngày của các khu dân cư đông đúc.

Nằm ở vụng kín gió, nên xã Thắng Lợi quy tụ nhiều loại hải sản, nhất là mực. Người dân của xã có thể câu khoảng 10kg mực chỉ trong vài tiếng ban đêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.