Xã hội

Quảng Ninh: Dân sống trong sợ hãi quanh Công ty than Mông Dương

24/08/2020, 07:08

Hơn 50 hộ dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhà bị sập bất cứ lúc nào do hoạt động khai thác than của Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin.

img
Vợ chồng ông Trần Văn Thu chằng, chống bức tường sắp đổ hòng cầm cự ngôi nhà chờ tiền đền bù

Nhiều năm nay, hơn 50 hộ dân tổ 1, khu 13 (người dân địa phương thường gọi là Vũ Môn), phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhà cửa bị sập bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác than của Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin.

Bất an trong từng bữa ăn, giấc ngủ

Sau những trận mưa lớn cuối tháng 8, trong căn nhà mái bằng nứt toác khắp nơi ở tổ 1, khu 13, phường Mông Dương, bà Lê Thị Lý đang hì hụi khuân dọn những tảng đá từ trên đồi đổ vào tường nhà, lau dọn bùn trôi vào nhà.

Bà Lý thở dài: “Căn nhà này của Việt - con trai tôi. Trận mưa mấy hôm trước làm đất đá từ trên đồi lao xuống áp vào tường nhà rất nguy hiểm. Việt năm nay đã 32 tuổi, chưa lấy được vợ. Nó cũng mấy lần dẫn bạn gái về thăm nhà nhưng nhà cửa nguy hiểm như này nên chưa dám cưới xin gì”.

Liền kề đó, ngôi nhà của ông Trần Văn Thu cũng bị nứt toác. Ông Thu và vợ đang lúi húi dùng cây gỗ chống từ trong nhà ra bức tường phía sau, bức xúc: “Nhà tôi xây gần 1 tỷ đồng, mà giờ từ tường đến trần nứt toác khắp nơi, trời mưa nhà dột như ngoài sân”.

Bà Nguyễn Thị Thủy, vợ ông Thu than: “Hôm qua, mưa to, thấy trần nhà há thêm ra, lo sập xuống bất cứ lúc nào nên tôi phải ép cháu trai đang ôn thi lớp 12 di chuyển sang nhà họ hàng trú tạm. Thời này mà cả nhà lúc nào cũng phải chuẩn bị gói ghém đồ đạc đi tản cư, như chạy giặc thì có khổ không?”.

Anh Đinh Phúc Thành, ở ngay trung tâm khu dân cư gay gắt: “Tôi xây căn nhà này gần 2 tỷ đồng mới được vài năm. Vậy mà do nổ mìn khai thác than ở phía dưới, nhà bị kéo lún ra phía sau hơn chục cm, khắp tường nhà, công trình phụ, mái hiên đều nứt. Mấy đêm nay, trời mưa to, cả nhà không dám ngủ, chỉ sợ nhà đổ”

Cách nhà anh Thành chừng 200m, anh Lê Văn Mạnh kể: “Nhiều hôm cả nhà đang ăn cơm, mìn nổ làm trần nhà rụng lả tả, mâm cơm văng đầy vữa, tội nhất là những đứa nhỏ bị vữa rơi vào người khóc váng trời”.

Tại Vũ Môn, qua kiểm tra có 15 hộ cấp D - thuộc diện di dời khẩn cấp và 32 hộ thuộc loại C cần phải di dời. Không những thế, người dân Vũ Môn còn rất lo lắng về khối đất đá khổng lồ của bãi thải do các công ty khai thác lộ thiên đổ ở thượng nguồn dòng suối chảy qua khu dân cư. Bởi nếu gặp phải trận mưa lớn, kéo dài, chắc chắn con đập ngăn đất đá mong manh dưới chân bãi thải sẽ không chống cự nổi.

Nguy hiểm cận kề, di dời chậm trễ?

img
Bà Thuỷ, vợ ông Thu chuẩn bị gói ghém đồ đạc sẵn sàng “tản cư”

Từ sau trận lụt lịch sử diễn ra giữa năm 2015, nhiều người dân Vũ Môn đã kiến nghị được đền bù để di chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, ban đầu khi nhận được kiến nghị, Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin định “phủi tay”.

Phải đến khi cơ quan chức năng địa phương thuê giám định khẳng định việc lún, nứt nhà, cửa, tài sản của dân là do hoạt động khai thác than của công ty này gây ra, sau đó lãnh đạo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, thì doanh nghiệp này mới miễn cưỡng phối hợp thực hiện kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù cho bà con.

Đến ngày 17/8/2020, theo báo cáo của Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin, hiện đã phối hợp kiểm đếm xong 15 nhà cấp D, xác định xong nguồn gốc đất làm cơ sở xây dựng đơn giá đền bù về đất.

Trong đó, có 6 gia đình đồng ý di dời khỏi nhà và doanh nghiệp cũng đang cam kết hỗ trợ tiền thuê nhà từ 1 - 3 tháng với số tiền 2 triệu đồng/hộ/tháng; 6 hộ khác làm đơn cam kết không di dời và tự chịu trách nhiệm về tính mạng, tài sản nếu xảy ra sự cố… Còn trong 32 hộ còn lại thì mới kiểm đếm tài sản được 16 hộ.

Đại diện Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin cho biết, công ty đã sẵn sàng tiền đền bù cho các hộ khi có đầy đủ phương án và công ty luôn sẵn sàng phương tiện, nhân lực để tham gia cưỡng chế các hộ ra khỏi nhà khi có tình huống nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đọc, một trong những hộ thuộc diện nhà cấp D, không đồng ý di chuyển khi chưa nhận tiền đền bù, cương quyết: “Nhà cửa, tài sản của chúng tôi lớn thế này, vậy mà bảo cứ đi, bao giờ có phương án thì nhận tiền. Vậy tài sản, bàn thờ, bát hương tổ tiên chúng tôi mang đi đâu để tạm? Cứ trả tiền xong, chúng tôi mới đi”.

“Phường và doanh nghiệp đến đòi cưỡng chế nhà tôi phải chuyển đi nơi khác nhưng giờ vợ chồng tôi già rồi, tiền đâu mà mua đất, xây nhà ở chỗ khác?”, ông Thu bức xúc.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Cẩm Phả thừa nhận là có sự chậm trễ trong việc kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ người dân ở Vũ Môn.

Nguyên nhân là do lực lượng mỏng lại đang phải thực hiện nhiều dự án sử dụng ngân sách theo chỉ đạo của tỉnh và thành phố. Mặt khác, việc thuê đơn vị giám định thiệt hại, xây dựng giá đất gặp khó khăn và trình tự xác định nguồn gốc đất, tài sản theo quy định cũng mất thời gian.

“Chúng tôi sẽ cố gắng trong cuối tháng 8 này xây dựng xong đơn giá để đền bù cho các hộ thuộc diện cấp D”, vị này cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.